Điểm bán hàng của Ngôi nhà mơ ước bị phạt 500 triệu đồng sau lần thoát án phạt 800 triệu đồng trước đó |
Cắt cử cán bộ ra Hà Nội trực tiếp gửi hồ sơ
Đầu tháng 8 vừa qua, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước ra quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Ngôi nhà mơ ước (có trụ sở tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) số tiền 500 triệu đồng về hành vi niêm yết giá hàng hóa bằng đồng USD và nhân dân tệ.
Sự việc sẽ không có gì để nói nếu trước đó ngày 30/5, đoàn thanh tra liên ngành của TP Hạ Long cũng kiểm tra DN trên và phát hiện hàng hóa được niêm yết bằng ngoại tệ, nhân viên đang giao dịch 18.000 đài tệ. Lần này, đoàn đã lập biên bản, tịch thu số ngoại tệ vi phạm, xử phạt thuế và đề xuất mức phạt hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, phía Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng, biên bản VPHC gửi đến Ngân hàng Nhà nước muộn so với quy định nên chỉ đồng ý tịch thu 18.000 đài tệ, việc phạt hơn 800 triệu đồng không thể thực hiện.
Trước rất nhiều điều bất cập, vướng mắc trong Luật Xử lý VPHC mà các cơ quan thực thi đã kiến nghị trong những năm qua, ngày 28/1/2015, Bộ Tư Pháp cho biết phải đợi đến sơ kết ba năm thực thi hành Luật, mới báo cáo Chính phủ đề xuất sửa đổi. |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết: “Ngay sau khi đề xuất xử phạt lần đầu không được thực hiện, thành phố đã có văn bản kiến nghị xem xét lại song phía Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Rút kinh nghiệm, tại lần phát hiện vi phạm thứ hai, UBND TP Hạ Long không gửi công văn qua đường bưu điện như trước mà… cử người về Hà Nội chuyển trực tiếp biên bản vi phạm tới Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, có ký nhận văn bản đầy đủ”.
Theo ông Huy, căn cứ để Ngân hàng Nhà nước không thực hiện kiến nghị xử phạt dựa trên Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Luật Xử lý VPHC. “Chính vì vậy, trong những vụ việc tương tự sau này, tùy theo tiến độ thời điểm lập biên bản, nếu kịp thì gửi bằng đường công văn, nếu không sẽ lại phải… cử người gửi trực tiếp”, ông Huy cho biết.
Từ đây, ông Huy cũng đặt vấn đề: “Trong quy định xử phạt hành chính cần thay đổi thời hạn xử phạt cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, đảm bảo không bỏ lọt tình huống vi phạm. Mặt khác, hiện giao dịch điện tử đã được phép thực hiện, tại sao không thiết lập các kênh tiếp nhận hồ sơ thông qua hòm thư điện tử để cơ quan chức năng có thể tiếp nhận ngay lập tức, xóa bỏ khoảng cách về không gian?”.
Cấp trưởng không được ốm (!?)
Theo tìm hiểu, Điều 66, Luật Xử lý VPHC 2012, quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC, với nội dung: “Người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải ra quyết định xử phạt VPHC trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản VPHC”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, quy định trên vô cùng bất hợp lý. “Thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC phải được mở ngoặc tính trong ngày làm việc hành chính, tuy nhiên Luật lại chỉ nêu chung chung là 7 ngày, cũng có nghĩa sẽ được hiểu tính cả ngày nghỉ. Chính nội dung này gây cách hiểu không thống nhất về thời hạn giữa các cơ quan chức năng, địa phương”, luật sư Đức phân tích.
Trở lại vụ việc xử lý vi phạm DN tại TP Hạ Long, áp dụng theo Luật Xử lý VPHC, luật sư Đức đặt giả thiết: “Nếu lập biên bản ngày 30/5, mà ngày 8/6 Ngân hàng Nhà nước mới nhận được thì không còn thời hiệu xử phạt. Nếu lập biên bản vào chiều 29 Tết, gửi ngay đến tay cơ quan thẩm quyền sau 15 phút thì cũng đã quá 8-9 ngày nghỉ Tết rồi, làm sao có thể xử phạt?!”.
Đáng nói, việc không quy định ngày làm việc trong các thời hạn xử phạt còn được thể hiện trong 8 quy định khác của Luật. Ngoài ra, theo luật sư Đức, thời hạn mà các nhà làm luật đưa ra, không lường trước đặc điểm về địa lý của vùng sâu, vùng xa gửi hồ sơ về tỉnh và Trung ương qua con đường công văn.
Không chỉ kiến nghị “sửa gấp” nội dung về thời hạn, luật sư Trương Thanh Đức còn cho rằng, Luật Xử lý VPHC hiện còn tồn tại rất nhiều điều bất cập khác. Cụ thể, Luật quy định thẩm quyền của người quyết định xử phạt VPHC, quyết định tạm giữ người, quyết định cưỡng chế… được giao quyền cho cấp phó khi vắng mặt. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định khám phương tiện vận tải, đồ vật; Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ… thì lại không quy định được giao quyền cho cấp phó (!?). “Quy định như vậy khác nào đồng nghĩa với việc cấp trưởng không được đi công tác, không được phép ốm, không được phép nghỉ”, ông Đức đặt vấn đề.
——————
Giao thông (Kinh tế) 10-8-2016:
http://www.baogiaothong.vn/nhung-quy-dinh-oai-oam-trong-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-d163067.html
(367/1.017)