(TBKD) – Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu ước tính thận trọng, tỷ lệ nợ xấu tương đương 17,21% tổng dư nợ tín dụng. Nếu đánh giá toàn diện và thanh tra chất lượng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD), nợ xấu có thể còn lớn hơn.
Tỷ lệ nợ xấu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá lại, hướng đến thực chất hơn, sẽ không chỉ dừng lại ở những con số tổng hợp báo cáo của các TCTD mà còn ở lượng được công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đang quản lý và đặc biệt, cả dạng “nợ tiềm ẩn thành nợ xấu”.
Sức khỏe còn mong manh
Trước khi có chủ trương tái cơ cấu và đề án xử lý nợ xấu, từ trước năm 2015, nợ xấu của toàn hệ thống TCTD Việt Nam được báo cáo phổ biến dưới 3%, có thời điểm tăng lên 3,4%. Nhưng sau đó, NHNN đã đánh giá lại qua nhiều kênh, cho thấy mức độ thực của nợ xấu được thống kê tới hai con số.
Cụ thể, đến tháng 9/2012, nợ xấu toàn hệ thống được xác định tới 17,21%. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46% (giảm so với mức 2,55% vào cuối năm 2015).
So với cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu không giảm nhiều do nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cùng với nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, song hết thời hạn cơ cấu, khách hàng vẫn không thanh toán được.
Trong đó, tính đến ngày 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến ngày 30/9/2016 gần 58.998 tỷ đồng.
Đại diện NHNN cho biết, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho xử lý nợ xấu, pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động.
Đồng thời, hệ thống TCTD vẫn còn tồn tại một số TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao, chủ yếu tập trung ở các TCTD được kiểm soát đặc biệt và một số công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém, do đó đòi hỏi phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới, không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.
Việc xử lý hậu quả khi NHNN mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng hết sức phức tạp, quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này còn khá lớn.
Chờ Luật đặc biệt
Mới đây, NHNN kỳ vọng Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu sẽ tạo đột phá lớn trong xử lý ngân hàng yếu kém, nhất là những ngân hàng có cổ đông lớn quá “chây ỳ”.
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, sau 5 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn I không có đổ vỡ nào xảy ra, an toàn hệ thống được đảm bảo. Song phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự yên ổn chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
Hiện nay, việc xử lý hậu quả khi NHNN mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng hết sức phức tạp, quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này còn khá lớn.
Vì vậy, để đảm bảo việc xem xét lựa chọn phương án xử lý phù hợp với thực trạng của từng TCTD, dự thảo Luật bổ sung quy định về đánh giá thực trạng của tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó bao gồm nội dung về: đối tượng thực hiện, cách thức đánh giá, thời hạn đánh giá phù hợp với từng loại hình TCTD.
Đồng thời, cũng quy định cụ thể về việc xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án phục hồi TCTD yếu kém.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án xử lý pháp nhân cho TCTD yếu kém. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của việc xử lý pháp nhân đối với TCTD yếu kém theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm xây dựng, thẩm quyền phê duyệt, trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án xử lý pháp nhân.
Các chuyên gia cho rằng nợ xấu vẫn đang là một nguy cơ lớn của nền kinh tế cho nên nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý, sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết lên trên một con số.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng nếu cứ đổ hết lỗi cho ngân hàng gây ra nợ xấu, xử lý hình sự tràn lan, từ chối sửa luật để xử lý nợ xấu, để ngân hàng “đơn thương độc mã” xử lý nợ xấu, thì nợ xấu vẫn rất khó giảm.
Do đó, xét theo bối cảnh hiện nay, vướng mắc chủ yếu nằm trong các đạo luật nên muốn tháo gỡ “kíp nổ” nợ xấu buộc phải sửa luật, có luật để xử lý nợ xấu.
Trong kế hoạch xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu từng quý trong năm 2017 và thường xuyên báo cáo NHNN.
Dự thảo Luật tái cơ cấu và hỗ trợ xử lý nợ xấu dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp tháng Năm tới. Như vậy, khi có hành lang pháp lý cụ thể, kỳ vọng các ngân hàng sẽ tích cực tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu hệ thống.
Huyền Anh
————————-
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 04-4-2017:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/No-xau-co-the-con-lon-hon-30969.html
(91/1.138)