1.256. Vụ 500 triệu trong thẻ Vietcombank bị rút sạch: Ai bảo vệ quyền lợi khách hàng?

(LĐ) – Ngày 12.8, thông tin chị Hoàng Thị Na Hương – chủ thẻ Vietcombank Connect 24 hours bị mất 500 triệu đồng chỉ sau một đêm thực sự gây rúng động. Số tiền bị mất quá lớn, chủ thẻ ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra? Tổng cộng 7 giao dịch chuyển tiền được thực hiện trong đêm mà Vietcombank không hề có mã OTP gửi về di động cho khách hàng. Mặc dù đã được hoàn trả 300 triệu, nhưng số tiền 200 triệu bị mất, chị Na Hương vẫn chưa biết bao giờ mới nhận lại.

Màn hình điện thoại thể hiện giao dịch bị rút tiền của chị Na Hương. Ảnh: Lan Hương

Tiền bị rút trộm từ ATM tại Malaysia

Chị Hoàng Thị Na Hương cho biết: “Trưa ngày 3.8 trong tài khoản Vietcombank của tôi có số tiền với số dư hơn 500 triệu đồng để chuẩn bị cho một giao dịch vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, khi ngủ dậy tôi thấy số tiền 500 triệu bị trừ trong tài khoản và điện thoại không nhận được mã OTP nào. Tài khoản của tôi tự động mất hết tiền trong đêm. Tôi hoang mang vì nhiều ngày đã trôi qua tôi chưa lấy lại được hết tiền. Số tiền bị mất rất lớn và ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của tôi”.

Chị Na Hương nói vào thời điểm diễn ra việc chuyển tiền, chị đang ngủ ở nhà và thẻ ATM vẫn ở trong túi xách. Trưa ngày 12.8, Vietcombank phát đi thông cáo báo chí với nội dung: Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. Vietcombank đã khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank.

Sau khi nhận được phản hồi của chị Hương, nhân viên của Vietcombank đã thực hiện khóa tài khoản. Chị Na Hương cho biết: “Phải đến 3 – 4 ngày sau đó, tôi chủ động liên hệ lại với Vietcombank thì được hướng dẫn ra chi nhánh truy soát giao dịch để chuyển lại 300 triệu đồng. Chiều 11.8, tôi có một buổi họp với đại diện Vietcombank, họ nói nhiều nhưng khái niệm họ đưa ra khó hiểu về mặt chuyên môn đối với tôi. Chung quy lại chưa có kết luận nào sẽ xử lý sự việc hay cảnh báo nào để người tiêu dùng cẩn thận”.

Không mã bảo mật OTP, tiền vẫn bị đánh cắp

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho biết: “Trong vụ việc này, có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất: Ai là người làm lộ thông tin cá nhân của chủ thẻ? Phía Vietcombank làm mất thông tin khách hàng do bảo mật kém hay khách hàng bất cẩn tự lộ thông tin cá nhân? Thứ hai, kể cả khi thông tin khách hàng bị lộ rồi thì vì sao khi giao dịch không có mã OTP mà kẻ xấu vẫn rút được 500 triệu đồng thành công?”

Liên quan đến vấn đề “ai là người để lộ thông tin cá nhân của chủ thẻ?”, trong thông cáo của Vietcombank cho biết: “Tại buổi làm việc, đại diện Vietcombank đã hướng dẫn cho khách hàng tự kiểm tra lại máy điện thoại cá nhân và phát hiện ra địa chỉ trang web giả mạo vẫn lưu trên máy của khách hàng. Việc mất tiền trong tài khoản xảy ra bởi khách hàng bị đánh cắp thông tin tài khoản do trước đó đã truy cập và khai báo thông tin trên đường link giả mạo website của ngân hàng có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm”.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là khẳng định từ phía Vietcombank, điều bất ngờ là khi trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 12.8, chị Hoàng Thị Na Hương cho biết: “Tôi không rõ kết luận Vietcombank dựa trên cơ sở nào? Ngày hôm đó tôi không đi cùng chuyên gia công nghệ, Vietcombank không có quyền kiểm tra điện thoại của tôi. Buổi làm việc đầu tiên của tôi và Vietcombank không có biên bản nào”.

Một cán bộ của Vietcombank cho biết: “Về nguyên tắc khi khách hàng bị lộ thông tin thì đối tượng giả mạo thực hiện giao dịch không khác gì chính khách hàng đang sử dụng. Đúng thông tin, user, password và mọi thứ thì ngân hàng coi như khách hàng đang sử dụng tiền”. Với lý lẽ như vậy, đáng lẽ ra khi giao dịch phát sinh, Vietcombank phải gửi mã bảo mật OTP về di động của khách hàng, sau khi khách nhập đúng OTP thì giao dịch mới thành công. Chị Hương cho biết “bỗng dưng có đến 7 lệnh không có mã OTP mà tôi vẫn bị trừ số dư là 500 triệu đồng thì không hiểu câu chuyện bảo mật như thế nào? Là một khách hàng cá nhân, tôi không rõ mình được ngân hàng bảo vệ ra sao?”.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại mỗi bên đều đưa ra lý lẽ riêng, nhưng rõ ràng khách hàng vẫn là người chịu thiệt thòi hơn cả khi tiền mất. Số tiền 200 triệu đồng bị kẻ xấu rút tại ATM Malaysia của chị Na Hương không biết bao giờ mới nhận lại được.

LAN HƯƠNG  

——————

Lao Động (Kinh tế) 13-8-2016:

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/vu-500-trieu-trong-the-vietcombank-bi-rut-sach-ai-bao-ve-quyen-loi-khach-hang-582973.bld

(96/961)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.428. Lãi từ đầu tư bất động sản chịu thuế...

Lãi từ đầu tư bất động sản chịu thuế sao cho hợp lý? BĐT) - Nghiên...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,808