(DT) – “Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) rất đàng hoàng và rất đáng thương trong nền kinh tế mở này, họ cần được bảo vệ quyền lợi chính đáng hơn là được hỗ trợ. Không chỉ bị thương lái ép giá, bị nước khác vào giở đủ trò,…họ còn bị rất nhiều cơ quan chức năng nhũng nhiễu, can thiệp một cách quá đáng.”
Đó là phát biểu của Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện “Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra sáng nay (13/4) tại Hà Nội.
Ông Phan Đăng Tuất phát biểu tại hội thảo
Dự án Luật hỗ trợ DNNVV đưa ra thảo luận khá dài gồm 38 điều, trong đó có 7 nội dung chính để hỗ trợ cho các DNNNV bao gồm: hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin và tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, tại hội thảo, ông Phan Đăng Tuất lại cho rằng: “Đọc luật này tôi thấy quá buồn vì nó giống như một bài văn mẫu, làm cho có. Luật dài, hoành tráng nhưng không khả thi. Giả sử luật này có sửa một số điều 29, điều 7,…cũng không thể đi vào đời sống. Tôi lấy hết tất cả hiểu biết của tôi ra để cam kết!”.
Mối lo ngại lớn nhất ông Tuất quan tâm đó là vấn đề hỗ trợ. “Về luật, tôi cực kì lo ngại về chữ “hỗ trợ”, bởi tất cả các FTA song phương và đa phương đều tối kị chữ “hỗ trợ”. Các chính phủ khôn khéo nếu muốn hỗ trợ người ta phải giấu cái chữ hỗ trợ đi. Và nếu buộc phải hỗ trợ thì lại bất cập ở chỗ có quá nhiều chủ thể như: Chính phủ, VCCI, các hiệp hội, UBND các tỉnh, thành phố…”
Nhưng theo ông Phan Đăng Tuất, điều mấu chốt để dự án Luật hỗ trợ DNNVV khó triển khai là do, 7 nội dung hỗ trợ chính cho các DNNVV đều nằm dưới 7 luật của 7 chuyên ngành đó, và không thể “đè” lên, nên 7 nội dung hỗ trợ này là vô dụng.
“Về khách thể nhận hỗ trợ, khoảng 97% các DN thuộc loại DNNVV, tương đương khoảng 500.000 doanh nghiệp. Chỉ cần mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng thì ngân sách đã “vẹo” rồi. Chưa nói tới nó chỉ tương đương với 1 bữa nhậu hoặc 2 vé máy bay Hà Nội – Sài Gòn”, ông Phan Đăng Tuất nói.
Tại hội thảo, cũng có khá nhiều ý kiến đồng ý với quan điểm của ông Tuất, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho rằng, điều 29 của dự thảo Luật về trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội DNNVV và các hiệp hội ngành nghề dễ gây cơ chế xin – cho, không bao quát được các doanh nghiệp đang thực sự cần được hỗ trợ, nhất là doanh nghiệp ở địa phương.
Về ý kiến của phía luật sư, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng đồng tình, mặc dù góp ý dự thảo Luật này lần thứ tư, nhưng giống như đã “trót” có ý kiến ban hành rồi nên đành góp ý.
Ngoài ra, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, đã chỉ ra bất cập trong dự án “Luật hỗ trợ DNNVV” nằm ở việc phân loại doanh nghiệp vừa nhỏ, ông cho rằng, “Tiêu chí mức vốn dưới 100 tỷ đồng, vậy đây là vốn điều lệ hay vốn tổng tài sản trên báo cáo tài chính? Tài liệu nào để chứng minh đây là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ để chuyển giá.”
Phát biểu tại hội thảo sau khi nghe các ý kiến của nhiều phía có liên quan, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các thảo luận Dự án Luật hiện nay cũng đang xem xét kỹ tới tên gọi của dự án, có thể đề xuất đổi thành “Luật phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” để phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay của đất nước.
Lắng nghe ý kiến góp ý của các hiệp hội, doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận: “Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã quá tham vọng nên dẫn tới thất vọng”.
Thế Hưng
—————————-
Dân trí (Kinh doanh) 13-4-2017:
(44/820)