(CFF) – GS.TS Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương dẫn một đạo luật chi gồm 8 chữ của cố Tổng thống Hàn Quốc “Cấm doanh nghiệp lớn làm chi tiết nhỏ” và nhận xét: Dự thảo luật hỗ trợ DNNVV như một bài văn không đáng chấm điểm.
Dự luật sai từ cái tên
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang trong quá trình lấy ý kiến doanh nghiệp và các đoàn đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, dự luật đã bộc lộ vấn đề ngay từ cái tên. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng dùng từ “hỗ trợ” là trái với Hiến pháp. Để bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng, nên đổi tên thành Dự thảo Luật Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Coi chữ “hỗ trợ” là điều tối kỵ, GS.TS Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương đặt câu hỏi tại sao đại biểu Quốc hội thích dùng từ này. Theo ông Tuất, sử dụng chữ “hỗ trợ” là vi phạm trắng trợn WTO và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Về nội dung, ông Phan Đăng Tuất đánh giá dự thảo luật như một bài văn không đáng chấm điểm. Bởi lẽ doanh nghiệp cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ. Nhắc lại luật 8 chữ của Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee cuối thập niên 1960, ông Tuất cho rằng dự thảo luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không cứu được doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Luật 8 chữ của Park Chung Hee nổi tiếng vì chỉ với câu ngắn “Cấm doanh nghiệp lớn làm chi tiết nhỏ” mà hàng vạn doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc đã ra đời và chế tạo linh kiện nhỏ ở tầm công nghệ cao chỉ sau 3 năm.
“Tôi đã ngồi trên xe ôtô với một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi nghe về dự luật hỗ trợ DNNVV, tôi đã phản đối ngay. Các vị cứ làm luật như làm văn và hình như bài văn này không đáng chấm điểm. Các DNNVV cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ” – ông Phan Đăng Tuất kể.
Tranh luận nảy lửa về khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đư ra khái niệm DNNVV là doanh nghiệp có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng được một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng; Doanh thu của năm liền trước không quá 300 tỷ đồng.
Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, cách quy định này là quá lỗi thời. Ông Trần Việt Anh cho rằng ban soạn thảo cần tham khảo những mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa gần giống với Việt Nam như: Đài Loan, Thái Lan, Indonesia.
Ông Trần Việt Anh: “Có trên 300 lao động đã là doanh nghiệp lớn. Điều này rất bất hợp lý!”
“Doanh nghiệp của người ta 5.000 – 10.000 lao động, thậm chí 15.000 lao động cũng là doanh nghiệp vừa. Trong khi đó, chúng ta có trên 300 lao động đã là doanh nghiệp lớn. Điều này rất bất hợp lý!” – ông Trần Việt Anh nêu quan điểm.
Đối với Việt Nam con số 2.000 lao động đối với doanh nghiệp nhỏ là bình thường. Bởi vì máy móc của các doanh nghiệp còn thô sơ, công nghệ lạc hậu. Ông Trần Việt Anh tính toán con số phù hợp nên đưa vào dự thảo luật là dưới 2.000 lao động.
Từ quan điểm của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng quy định như dự thảo thì thành viên nào trong hiệp hội cũng là doanh nghiệp lớn. Dự thảo luật hiện nay không nói rõ 100 tỷ đồng là vốn đầu tư hay vốn điều lệ. Với ngành dệt may, nếu vốn đầu tư 200 tỷ đồng mà vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng thì đã tạo được việc làm cho 2.000 lao động. Ông Giang khuyến nghị nên căn cứ vào từng ngành hàng để xác định tiêu chí DNNVV.
Ông Vũ Tiến Lộc: “Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã quá tham vọng nên dẫn tới thất vọng”.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị được giao soạn thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã thừa nhận những điểm còn bất cập trên. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói rằng: “Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã quá tham vọng nên dẫn tới thất vọng”.
Vương Diệu Quân
Theo Trí thức trẻ
—————————–
CafeF (Đầu tư) 13-4-2017:
(45/862)