1.267. Cần môi trường kinh doanh lành mạnh

(ĐBND) – Thừa nhận việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cần thiết, song theo đại diện một số doanh nghiệp và hiệp hội cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho DNNVV hơn là hỗ trợ. Bởi hỗ trợ vừa không phù hợp với xu thế hội nhập, vừa khiến một bộ phận công chức giữ tâm lý “ban phát”, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Xác định lại tiêu chí DNNVV

Tại hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 13.4, nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét thấu đáo dự thảo trước khi trình QH thông qua.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang phân tích, theo dự thảo luật, DNNVV có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người, có tổng vốn năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng. Vậy đây là vốn điều lệ hay vốn tài sản? “Thực tế trong ngành dệt may hiện có những doanh nghiệp vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng nhưng có tới 2.000 – 4.000 lao động. Vậy họ có phải DNNVV không? Việc xác định DNNVV phải “liên thông” với Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Chứng khoán. Bởi trong Luật Chứng khoán quy định doanh nghiệp dưới 10 tỷ đồng vốn điều lệ và dưới 100 cổ đông thì không phải là doanh nghiệp đại chúng. Như vậy, dự thảo nên xác định lại tiêu chí DNNVV, nên phân chia ở các ngành hàng khác nhau sẽ có những tiêu chí nhất định, thay vì quy định chung chung”, ông Giang nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Trần Việt Anh cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Anh dẫn chứng: Hiện, hiệp hội doanh nghiệp thành phố có khoảng 280.000 thành viên, trong đó khoảng 95% là DNNVV. Chúng tôi phản đối việc quy định doanh nghiệp dưới 300 lao động là DNNVV, bởi thực tế, càng doanh nghiệp lớn, áp dụng công nghệ hiện đại càng sử dụng ít lao động. Ngược lại, DNNVV yếu về nguồn lực tài chính để đầu tư trang thiết bị, họ phải sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu nên càng sử dụng nhiều lao động. Do đó, tiêu chí này cần được nới rộng ra, áp dụng cho các doanh nghiệp có từ 1.000 – 2.000 lao động trở xuống.

Nói “hỗ trợ” là rất đáng ngại

Đối tượng được hỗ trợ quy định trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV quá rộng, cần phân biệt rõ để có sự hỗ trợ khác nhau. Có thể xem xét bỏ việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa, nhất là tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp vừa theo dự thảo luật đúng ra có thể coi là doanh nghiệp lớn. Thay vào đó, nên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh – Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu ý kiến.

Một trong những điểm được nhiều đại diện hiệp hội và doanh nghiệp bàn thảo là vấn đề tên gọi của dự án luật. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Phan Đăng Tuất cho rằng, từ “hỗ trợ” trong tên gọi của dự án luật là “rất đáng ngại”. Bởi lẽ, trong hội nhập thương mại toàn cầu rất “kỵ” việc hỗ trợ. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều có điều khoản yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, tránh hỗ trợ. Thực tế, đã có nhiều ví dụ “đau thương” do hàng hóa được hỗ trợ mà chịu nhiều bất lợi từ các FTA. Chưa kể, nếu luật được thông qua sẽ rất bất cập vì chủ thể hỗ trợ quá nhiều, gồm Chính phủ, VCCI lẫn UBND cấp tỉnh, thành phố.

Cũng theo ông Tuất, nếu không cẩn thận dùng từ “hỗ trợ” sẽ khiến các doanh nghiệp chân chính “tự ái”. “Cái doanh nghiệp cần là được kinh doanh sòng phẳng, cần được làm ăn một cách nghiêm túc, có trách nhiệm với đất nước. Họ cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ. Đặc biệt trong bối cảnh họ đang bị thương lái ép giá, hàng hóa bị cạnh tranh bất chính; bị an ninh, thuế vụ, chính quyền nhũng nhiễu… thì họ cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ”, ông Tuất nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty TNHH Ngân Giang thiết bị điện G7 Phí Văn Hoan cũng cho rằng, “chúng tôi chưa cần hỗ trợ, mà cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Lâu nay, chúng ta cứ nói hỗ trợ doanh nghiệp, nên một bộ phận công chức và chính quyền thường coi đó như một đặc ân để “ban phát” trong khi đáng ra đó là nhiệm vụ họ phải làm. Cũng vì thế mà doanh nghiệp khi đi làm thủ tục luôn ở trong tâm thế “nhờ vả”. Do vậy, ông Hoan đề nghị nên lấy tên là Luật Phát triển DNNVV.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phạm vi dự án luật đang ôm đồm quá nhiều hỗ trợ như tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ… Ông Vũ Đức Giang nêu dẫn chứng, tại điểm a Điều 11 của dự án luật nêu: “Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất như áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư”. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó. Bởi thực tế, ngân sách các địa phương đang phụ thuộc vào tiền bán hoặc cho thuê đất. Hiện có tình trạng địa phương gây áp lực với doanh nghiệp thông qua việc tăng giá đất, thậm chí gấp 4 – 5 lần. Có trường hợp công ty dệt may không chịu nổi giá thuê đất, phải báo cáo lên VITAS nhờ giúp đỡ. Ngoài ra, việc hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở mở rộng thị trường mà quên hỗ trợ về xúc tiến thương mại, trong khi đây là điều các DNNVV rất cần. Đơn cử, để mở một gian hàng tại triển lãm, hội chợ, doanh nghiệp phải chi tới cả trăm triệu đồng. Do vậy, nhiều đại biểu khuyến nghị, dự án luật nên ưu tiên cho xúc tiến thương mại, đặc biệt ở thị trường mới. Đồng thời, trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì việc xác định nguồn lực là rất quan trọng, đòi hỏi phải quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi của luật.

Cẩn thận với giấy phép con

Theo đánh giá của các đại biểu, trong dự thảo Luật, vai trò của Hiệp hội DNNVV Việt Nam khá mờ nhạt. Thậm chí, nhiều DNNVV chỉ tham gia Hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương mà không tham gia vào Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Do vậy, việc quy định trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề tại Điều 29 dự án luật là không cần thiết.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thể cho hay, hiện UBND tỉnh chỉ đạo chuyển Hiệp hội DNNVV của tỉnh về Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Nếu giờ quy định trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam sẽ không phù hợp.

Đại diện nhiều hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng, nên sửa Điều 29 theo hướng để VCCI là cơ quan vừa mang tính hội tụ lại vừa lan tỏa đến các hiệp hội ngành nghề cũng như Hiệp hội DNNVV, thay vì phân định rõ trách nhiệm như dự án luật, bởi nếu không cẩn thận, quy định này sẽ “đẻ” thêm các “giấy phép con”, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vũ Thủy

——————————–

Đại biểu nhân dân (Kinh tế) 14-4-2017:

http://m.daibieunhandan.vn/Chi-tiet?Id=388757&page=1

(103/1.382)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,045