(SGGP) – Ngày 13-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp (DN) Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV). Dự luật này sau nhiều lần tiếp thu chỉnh sửa vẫn nhận phải phản ứng khá gay gắt của DN.
Bất hợp lý tiêu chí DNNVV
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo mới nhất này là tiêu chí xác định DNNVV. Theo đó, DNNVV bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng một trong 2 tiêu chí: có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều khoản này lại nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của DN. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may có những DN chỉ có vốn 5 tỷ đồng nhưng có 1.000 lao động; có những DN vốn dưới 10 tỷ đồng nhưng có 2.000 – 4.000 lao động. Do đó, nên xem xét lại tiêu chí phân loại vì như vậy sẽ khiến nhiều DN không còn là DNNVV. Còn ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, quan điểm của ông là luôn phản đối tiêu chí 300 lao động. Bởi lẽ, DN Việt Nam yếu, làm thủ công nhiều nên “mới xài nhiều lao động”, chẳng hạn như DN trong lĩnh vực dệt may, có thể DN chỉ có vốn 5 – 10 tỷ đồng nhưng có vài ngàn lao động do máy móc thô. “Do đó, các DN TPHCM kiến nghị tiêu chí này cần được nâng lên là 1.000 – 2.000 lao động”, ông Trần Việt Anh nói.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng: ngành dệt may có những DN chỉ có vốn 5 tỷ đồng nhưng có 1.000 lao động; có những DN vốn dưới 10 tỷ đồng nhưng có 2.000 – 4.000 lao động. Do đó, nên xem xét lại tiêu chí phân loại vì như vậy sẽ khiến nhiều DN không còn là DNNVV.
Hầu hết các DN đều cho rằng, các quy định tại dự thảo luật đều quá chung chung, “hô khẩu hiệu”. Theo ông Vũ Đức Giang, quy định về hỗ trợ mặt bằng sản xuất là khó thực hiện. Hiện nay các địa phương thu ngân sách dựa vào giá thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất… Thậm chí, nhiều địa phương đang gây áp lực với DN qua việc tăng giá thuê đất, có nơi tăng đến 4 – 5 lần. Cũng theo ông Giang, các quy định về hỗ trợ trong dự luật là “quá viển vông”, nhất là đặt trong bối cảnh chưa đến 20% địa phương tự chủ ngân sách, còn lại hầu hết phải xin ngân sách trung ương. Về vấn đề hỗ trợ tín dụng, theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Nguyên, ngân hàng cũng là DN vì lãi suất là cạnh tranh nhau, ngân hàng sẽ thẩm định nếu DN tốt thì lãi suất hợp lý hơn DN khác. Còn nếu yêu cầu ngân hàng cho DN vay lãi suất thấp bất kể hiệu quả thì tạo sự bất bình đẳng và không hợp lý. “Nhà nước chỉ nên hỗ trợ những nguồn lực mà Nhà nước có, ví dụ như thuế”, ông Thời nói. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng cho rằng, việc hỗ trợ nên theo nguyên tắc thị trường thay vì đưa ra các quy định mà tính khả thi không có. “Đọc gần 40 điều luật thì các quy định chỉ đưa ra theo nguyên tắc chung chung không có cụ thể, rõ ràng và phụ thuộc vào khả năng ban hành văn bản của các bộ, ngành. Trong khi đó, trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV lại quá cụ thể, không cần thiết như tổ chức, tôn vinh, bình chọn phong tặng danh hiệu cho DNNVV. Đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử xây dựng luật pháp”, ông Đức nói.
Quá tham vọng dễ dẫn đến thất vọng
Phần phê phán trực diện dự thảo của GS-TS Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nhận được nhiều sự tán đồng của đại diện hiệp hội, DN. Theo ông Tuất: “Cảm xúc của tôi đọc luật này là rất buồn, là loại luật văn mẫu người ta cứ làm cho có. Dài, oai, hoành tráng nhưng ít khả dụng”. Về tên của luật, ông Tuất cũng bày tỏ lo ngại về dùng từ “hỗ trợ”, vì với các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, từ “hỗ trợ” là điều tối kỵ.
Đề cập việc hỗ trợ, dự luật nêu ra 7 “món” hỗ trợ, trong đó có đất đai, thuế, tín dụng, công nghệ…, ông Tuất cho rằng, đây là một thứ “lẩu không dùng được”. Thế nhưng “7 món này”, nếu chiếu theo luật, thì không “đè” được lên các luật chuyên ngành về thuế, đất đai, tín dụng. Nếu đã không hỗ trợ được thì luật này thành “vô dụng”. Theo đại diện các hiệp hội, DN, đối tượng nhận hỗ trợ là 97% DNNVV, tương đương khoảng 500.000 DN, nếu mỗi DN được hỗ trợ 10 triệu đồng thì ngân sách đã không chịu nổi. Điều DNNVV cần là được hoạt động trong môi trường kinh doanh sòng phẳng, không phân biệt giữa các thành phần, DN có thể cạnh tranh bình đẳng, từ đó phát triển tốt hơn. Chia sẻ quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng, điều quan trọng của dự luật là tạo ra sự thay đổi cho DN còn hơn là đưa ra “bánh vẽ to”. Một dự luật đưa ra quá tham vọng, không thực hiện được sẽ dễ dẫn đến thất vọng của DN.
NGỌC QUANG
——————————–
Sài Gòn GP (Kinh tế) 14-4-2017:
http://www.sggp.org.vn/kinhte/2017/4/455301/
(119/1.065)