1.272. Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV: Thêm trung gian – thêm gánh nặng

(DĐDN) – Mặc dù, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang vào giai đoạn “nước rút”, nhưng nhiều hiệp hội DN ngỡ ngàng với quy định mới của Điều 29 quy định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện cho DN.

Các đại biểu góp ý tại Hội thảo lấy ý kiến Hiệp hội DN, DN và chuyên gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV do VCCI phối hợp với Hội đồng trung ương các hiệp hội DN Việt Nam tổ chức ngày 13/4/2017. Ảnh: Chân Luân

Theo Chương trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp diễn ra trong tháng 5 tới.

Hiệp hội có phải lobby để vào hiệp hội lớn hơn?

Theo ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hoá, Điều 29 của dự thảo đang biến Luật hỗ trợ DNNVV thành điều lệ HH DNNVV Việt Nam.

Ông Đệ lo ngại, dường như có câu chuyện lobby ở đây. Không hiểu vì lý do gì mà ban soạn thảo lại “đẻ” thêm một cơ quan trung gian là Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Trong khi ở tỉnh Thanh Hoá và nhiều địa phương khác mô hình HH DNNVV thuộc tỉnh đang có xu hướng teo dần, thậm chí mất đi, thì dự thảo lại biến hiệp hội này thành cơ quan cấp chứng chỉ công nhận DNNVV.

“VN có 98% DNNVV, hiệp hội ngành nghề nào cũng có DNNVV. Vậy nếu các DN không tham gia HH DNNVV thì có được hỗ trợ không? Lại một cơ chế xin – cho nữa xuất hiện, rất có thể nhiều DN, hiệp hội DN phải lobby để được tham gia HH DNNVV” – ông Đệ băn khoăn.

Cũng theo ông Đệ, hiện nay VCCI đang là cơ quan đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam trên cả nước với cơ cấu tổ chức và điều lệ bài bản. Ở địa phương có HH DN tỉnh là đầu mối của các HH DN ngành nghề. Các luật và văn bản dưới luật đều có những quy định đảm bảo tính hiệu quả của mô hình tổ chức như vậy. Từ việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho các chính sách, nâng cao môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đến các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết DN… đều được thực hiện theo một quy định khá trơn tru. “Chúng tôi phản đối việc thêm một khâu trung gian ở cấp hiệp hội nữa” – ông Đệ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch HH DN tỉnh Quảng Ninh cho biết, các hiệp hội DN ngành nghề thuộc tỉnh Quảng Ninh hiện thuộc HH DN tỉnh Quảng Ninh. Còn Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh thuộc VCCI. Đây là mô hình quản lý hiệp hội khá hợp lý đang được nhiều quốc gia áp dụng thành công. Việt Nam cũng nên sắp xếp và kiện toàn theo mô hình này.

Được biết, nhiều hiệp hội đều bày tỏ ý định tiếp tục kiến nghị bằng văn bản tới ban soạn thảo xóa bỏ vai trò khâu trung gian.

Nên thay từ hỗ trợ thành phát triển

Để phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập hôm nay, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, dự án Luật Hỗ trợ DNNVV nên đổi tên thành Luật phát triển DNNVV. Theo TS Vũ Tiến Lộc, từ phát triển bao hàm ý nghĩa rộng hơn cả hỗ trợ, bảo vệ và phát triển DNNVV.

Ông Phan Đăng Tuất – Phó chủ tịch HH DN công nghiệp hỗ trợ VN cho rằng, thực tế, nếu chỉ dùng từ hỗ trợ có thể sẽ ảnh hưởng đến các quy định về chống trợ cấp của các FTA.

“Các DN Việt Nam rất dễ phải đối diện với các vụ kiện quốc tế về chống trợ cấp. Khi chúng ta đang tham gia rất nhiều FTA như hiện nay thì chỉ cần nghe thấy DN Việt Nam được hỗ trợ là lập tức sẽ bị các đối tác nước ngoài “soi ngay”“ – ông Tuất nhìn nhận.

Theo ông Tuất, các DNNVV của chúng ta đang bị “nhũng nhiễu” bởi nhiều cá nhân, tổ chức như công an phường, các hội tại địa phương đến hỏi thăm… DN nhỏ đang cần được bảo vệ nhiều hơn là hỗ trợ. DN nhỏ chỉ cần được công bằng để cạnh tranh bình đẳng như các khu vực khác. Vấn đề nằm ở chỗ tư duy ban hành chính sách.

Cùng quan điểm này, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Cty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC cho biết, rất nhiều DN và chuyên gia đã góp ý về quan điểm không nên gọi là Luật Hỗ trợ DNNVV với ban soạn thảo. Dùng từ Luật Phát triển DNNVV là phù hợp nhất vào lúc này. Đặc biệt, cần xác định đúng đối tượng cần được giúp đỡ để phát triển. Chúng ta đang có hàng triệu hộ kinh doanh cá thể hoạt động như những DN siêu nhỏ. Họ dường như bị bỏ rơi.

Các ý kiến đại diện hiệp hội DN đều thống nhất, điều quan trọng nhất hiện nay là tạo sân chơi bình đẳng theo quy luật của kinh tế thị trường. Nhưng quy định của luật này đưa ra những ưu đãi nghe thì rất hấp dẫn. Tuy nhiên, thái quá sẽ khiến méo mó sân chơi chung và đẩy 7 luật chuyên ngành như tín dụng, thuế, đất đai… trở nên mất tính khả thi. Hơn nữa còn là vấn đề nguồn lực ngân sách để thực hiện.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HH dệt may VN:Hay nhưng viển vông

Rất nhiều chính sách trong dự thảo luật nghe thì hay nhưng rất viển vông. Làm sao bắt tổ chức tín dụng hỗ trợ lãi suất DNNVV khi họ đang chịu áp lực kinh doanh tiền tệ của bàn thân mình. 
Đối với chính sách đất đai, thực tế, các địa phương đang phải chịu áp lực thu ngân sách rất lớn. Theo phản ánh của nhiều DN trong hiệp hội dệt may, họ đang phải chịu áp lực tăng tiền thuê đất gấp 4 lần vài năm trước đây chứ nói gì đến hỗ trợ tiền thuê đất và tiền giải phóng mặt bằng.

Chúng tôi đang thực hiện vai trò dưới sự điều tiết của VCCI. Chúng tôi không cần thêm một tổ chức phụ thuộc nữa là HH DNNVV. Việc thêm một cấp hành chính là HH DNNVV chỉ khiến DN thêm khó khăn. Các chính sách mới cần chuyển giao dần vai trò đại diện cho các hiệp hội ngành nghề và cao hơn là VCCI là đủ.

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch HH DN TP HCM:Dễ bị kiện chống trợ cấp

Với quy định DNNVV dưới 300 lao động là không hợp lý và không phù hợp chuẩn quốc tế. Trên thế giới hiện nay, hầu hết họ quy định dưới 1.000 lao động là DNNVV và có thể được hỗ trợ. Nếu Việt Nam đưa ra mức hỗ trợ cho DN dưới 300 lao động rất dễ bị kiện chống trợ cấp.

Chúng ta cần nghiên cứu kỹ những gì được phép hỗ trợ. Ngược lại, cần xoá bỏ ngay cơ chế thuế khoán đang tạo sự bất bình đẳng giữa các khu vực. Điều này cũng khiến các hộ kinh doanh cá thể, DN siêu nhỏ phải nhanh lớn lên.

Bá Tú

——————————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 14-4-2017:

http://enternews.vn/du-an-luat-ho-tro-dnnvv-them-trung-gian-them-ganh-nang-109231.html

(84/1.300)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780