1.273. Luật sư Trương Thanh Đức: Được thua là chuyện của doanh nghiệp, ai mượn ông lo thay?

(BL) – Mới đây, Thế Giới Di Động bị Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội phạt 6 triệu đồng vì hành vi quảng cáo (PR) bị cho là “phản cảm”.  Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại, cho rằng chuyện phạt doanh nghiệp như vậy chưa thỏa đáng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Phân tích trường hợp này, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định: Phạt như vậy là hơi liều và quá cảm tính. Được thua là chuyện của doanh nghiệp, ai mượn ông lo thay, phạt hộ?

Chuyện doanh nghiệp bị phạt do hành vi quảng cáo không hợp thuần phong, mỹ tục, phản cảm không còn là đề tài mới trong năm nay, khi cách đây khoảng 3 tháng thì Trần Anh bị phạt 40 triệu đồng vì “tội” để nhân viên mặc bikini đứng giới thiệu, quảng cáo sản phẩm trước bàn dân thiên hạ.

Mới đây, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội lại tiếp tục chứng tỏ sức mạnh của mình khi có quyết định phạt công ty Cổ phần Thế Giới Di Động do dùng xe bán tải chở PG đứng trong lồng kính.

Luật sư Trương Thanh Đức: Được thua là chuyện của doanh nghiệp, ai mượn ông lo thay? ảnh 1

 Thế Giới Di Động số 58 Nguyễn Khánh, xuất hiện một chiếc xe bán tải chở PG đứng trong lồng kính.

Theo đó, để quảng cáo cho sản phẩm mới, vào khoảng 8h sáng ngày 11/8/2016, tại chi nhánh Thế Giới Di Động số 58 Nguyễn Khánh, xuất hiện một chiếc xe bán tải chở PG đứng trong lồng kính. Theo sau chiếc xe bán tải còn có một đoàn xe máy SH với cờ phướn.

Với hành động này tài xế trong đoàn xe diễu hành của siêu thị điện máy Thế giới di động bị xử phạt 900.000 đồng vì vi phạm Luật giao thông đường bộ khi chở người trên xe tải.

Cũng phản ứng nhanh nhạy không kém trước hành vi này, Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội yêu cầu đại diện Công ty Cổ phần Thế giới di động lên làm việc, lập biên bản phạt công ty này 6 triệu đồng với 2 lỗi: thứ nhất là hình thức quảng cáo đoàn người, diễu hành trên phố không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước mà đã triển khai. Thứ hai, hình thức quảng cáo như thế rất phản cảm.

Doanh nghiệp Việt lâu nay vẫn bị cho là “khổ”, vì trên đe, dưới búa. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục tìm đủ chiêu thức để tồn tại. PR là hình thức để một doanh nghiệp giới thiệu, quảng cáo sản phẩm. Nó đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ để có thể thu hút được khách hàng. Vậy, với trường hợp cụ thể của Thế Giới Di Động thì họ có đáng bị phạt?

Phân tích về trường hợp này LS Trương Thanh Đức cho biết: Phạt như vậy là hơi bừa, hơi liều, phạt ẩu, và quá cảm tính.

Theo ông Đức thì tất cả những gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp đều đượcc tự do làm.

Cụ thể, trong luật chỉ cấm 6 lĩnh vực kinh doanh, hàng hóa dịch vụ và một số hành vi bị cấm như đánh bạc, cá cược, quy định trong bộ luật hình sự. Các trường hợp còn lại doanh nghiệp được tự do làm, trong đó có các hành vi phục vụ hoạt động kinh doanh.

Đúng là cái gì cũng có giới hạn, với các “chiêu trò” quảng cáo của doanh nghiệp cũng vậy. Tuy nhiên, luật chỉ quy định cụ thể như quảng cáo thì được bao nhiêu biển ngoài trời, bao nhiêu m2, bao nhiêu % chữ tiếng anh, bao nhiêu % chữ tiếng việt, và viết cái gì, như thế nào. Nếu vi phạm trong trường hợp này sẽ bị phạt.

“Còn những gì không có quy định thì không thể cấm được. Nói phản cảm hay không phản cảm thì quá cảm tính. Đấy là dành cho thời bao cấp, thời nguyên thủy thôi”, ông Đức nhận xét.

Với trường hợp cụ thể của Thế Giới Di Động, ông Đức nhận định: Tôi thấy không có gì phản cảm cả. Kỳ lạ là tại sao như thế mà lại bị phạt được?

“Chúng ta chưa có điều nào cấm hành động PR, quảng cáo của doanh nghiệp như thế. Thiết nghĩ, quảng cáo trái luật, phản cảm thì dư luận, người dân sẽ tẩy chay. Và như thế doanh nghiệp sẽ phải trả giá, chiêu PR sẽ trở nên phản tác dụng. Làm ăn ra sao là chuyện của doanh nghiệp, họ còn lo chán, nghĩ chán mới dám làm. Họ đâu mượn ai lo thay, phạt hộ như thế. Và làm như Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội là không được”, ông Đức phân tích.

Điều gì không cấm trong luật thì doanh nghiệp có quyền tự do làm. Đó là một trong những tiêu chí quan trọng về quyền tự do kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp để họ trông vào mà “dám làm”, “dám chịu” và đóng góp cho đất nước.

Ông Đức cho biết: Ngay cả việc phạt xe tải chở người trong trường hợp đó là chiều thức PR của doanh nghiệp, thì cũng là hơi liều. Pháp luật không cho phép xe tải chở người theo nghĩa mất an toàn, chứ đây là trưng bày, biểu diễn thì đâu thể quy theo điều này.

“Nói thế thì có nghĩa là không cho phép đoàn cờ hoa để trang trí, để quảng cáo diễu hành trên đường sao?”, ông Đức băn khoăn.

Ông Đức cũng lưu ý rằng, nếu luật không rõ, không ngăn cấm thì không thể phạt doanh nghiệp được. Còn cơ quan chức năng mà thấy hành động đó không ổn thì có thể nhắc nhở, lưu ý doanh nghiệp trong quá trình phổ biến pháp luật. Đó là hành động duy nhất mà cơ quan quản lý có thể làm trong những trường hợp này.

NGUYỄN THOAN 

Theo Lao động và Công đoàn 

——————

BizLive (Thời sự) 18-8-2016:

http://bizlive.vn/thoi-su/luat-su-truong-thanh-duc-duoc-thua-la-chuyen-cua-doanh-nghiep-ai-muon-ong-lo-thay-1889913.html

(585/1.060)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.428. Lãi từ đầu tư bất động sản chịu thuế...

Lãi từ đầu tư bất động sản chịu thuế sao cho hợp lý? BĐT) - Nghiên...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,818