1.274. Luật hỗ trợ DNVVN nên nhìn vào thực tiễn

(TBKD) – Thể hiện quan điểm về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) lần thứ IV, các chuyên gia và đại diện cộng đồng DN đều chung ý kiến: “nghe ra to tát nhưng nhiều viển vông”. Trước đánh giá này, thiết nghĩ luật đưa ra nên phù hợp với thực tiễn để mang lại hỗ trợ thiết thực cho DN, đó phải là những điều DN đang rất thiếu, rất yếu nhưng rất cần.

Tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ DNVVN diễn ra ngày 13/4, Ts. Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận xét hiện nay, chúng ta đang có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ các DNVVN và Luật này là cơ chế cao nhất để giúp các cơ chế, chính sách đã có đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, theo ông Bảo, việc phải xác định tiêu chí DNVVN thế nào cho hợp lý, doanh thu bao nhiêu mới là DNVVN cho đến nay vẫn gặp nhiều tranh cãi.

Cần xem lại nhiều điều luật

Kiến nghị cụ thể dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa – cho biết, Điều 29 trong dự thảo Luật này về trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DNVVN và các hiệp hội ngành nghề có phải là sáng tạo hay “lobby”, dễ gây cơ chế “xin cho”, trong khi không bao quát hết các DN đang thực sự cần được hỗ trợ, nhất là DN ở địa phương?

Ông Đệ cho rằng “đây là luật, không phải điều lệ hiệp hội. Cụ thể, Điều 29 quy định VCCI đại diện cho DNVVN cả nước, có nên không? Nếu thấy cần thiết chúng tôi tham gia, không thì thôi. Đồng thời, nếu không tham gia Hiệp hội DNVVN chúng tôi có được hỗ trợ không; Phải chăng có “lobby”. Nếu vậy sẽ ít cạnh tranh, gây nên bất bình đẳng”.

“Luật bàn về luật khung, còn chi tiết từng nhiệm vụ của hội có vẻ không ổn. Các tỉnh đang sáp nhập thành Hiệp hội DN các tỉnh nên Hiệp hội DNVVN của tỉnh không còn. Nhiều thứ như vậy sẽ không hợp lý nữa”, ông Đệ nói”.

Về Điều 29 trong dự luật này, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị: “Chúng tôi có hiệp hội ngành hàng và thực hiện trách nhiệm của VCCI, do vậy, dự luật hãy định nghĩa rõ thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội, không nên gom về Hiệp hội DNVVN. Bởi ngay ở hiệp hội ngành hàng vẫn đang thực hiện theo cơ chế tự nguyện, 5 năm một nhiệm kỳ, đại hội bỏ phiếu, những DN không chịu nổi sẽ tự bỏ”.

Ông Vũ Đức Giang trăn trở: “Về quy định DNVVN có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng được một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng; doanh thu của năm liền trước không quá 300 tỷ đồng. Liệu có thể được không. Hiện nay, nhiều DN dệt may vốn dưới 10 tỷ đồng nhưng tới 4.000 lao động.

Vì vậy, ông Giang kiến nghị, nên quy định tiêu chuẩn DN theo ngành hàng. Bởi có DN vốn tới 100 tỷ nhưng chỉ có 1.000 lao động. Như vậy không thể gọi DN này là nhỏ được. Định nghĩa phải rõ ràng.

Ngoài ra, quy định về nguồn lực, tín dụng có hỗ trợ của Nhà nước như thế nào. Theo ông Giang, với Luật Ngân sách, khả năng tài chính liệu có quá viển vông.

“Nguồn vốn từ ngân sách, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, tôi có vốn tôi góp kinh doanh sao phải đem đi hỗ trợ làm gì? Thiếu thực tiễn, nên suy nghĩ lại. Nhìn vào, xem ra có rất nhiều chuyện nhưng xa vời quá”, ông Giang bình luận.

Chỉ cụ thể về những điều khoản được xem là xa vời, ông Giang cho biết, Điều 12, hỗ trợ thị trường, DN nhỏ được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đấu thầu. Tôi nói Luật Đấu thầu, các anh có dám bỏ tiền ngân sách cho DNVVN áp dụng điều luật này không? Rất thiếu thực tiễn.

Điều 16, điểm d, căn cứ điều kiện ngân sách, UBND, HĐND các tỉnh… góp vốn vào các quỹ đầu tư, sáng tạo, vốn địa phương không quá vốn điều lệ cũng là viển vông. Bởi hiện nay rất ít địa phương tự chủ được ngân sách, còn lại đang xin trung ương.

“Đối với các nhà thiết kế trong ngành dệt may cần thiết kế để phục vụ đời sống người tiêu dùng, đừng thiết kế ý tưởng trên sàn diễn. Do đó, Luật mới cũng vậy thôi, hãy thiết kế cho cuộc sống, không nên thiết kế để trình diễn”, ông Giang bày tỏ.

 

Dự thảo luật hỗ trợ DNVVN vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều

Như văn mẫu và làm cho có

Trong khi đó, một đại diện DN khác bình luận, Luật hỗ trợ DNVVN không nên cố gắng tạo điều kiện cho thông tư, nghị định ra đời. Còn về vấn đề hỗ trợ tín dụng ưu đãi DN nhỏ nhưng lãi suất thế nào, không thể quy định DN này phải chịu lãi suất cao vì nhỏ và uy tín thấp, còn DN lớn, uy tín lớn nên được hưởng lãi suất thấp.

Bình luận về dự thảo Luật lần này, ông Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN Bộ Công Thương, nêu quan điểm, “buồn vì nhận thấy dự luật này giống một loại văn mẫu và làm cho có. Tôi chợt nhớ tới Luật 8 chữ của Park Chung Hee cuối thập niên 1960 thế kỷ XX, buộc các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc không được làm chi tiết nhỏ”.

Ông Tuất cho biết, Luật 8 chữ của Park Chung Hee quy định: “Cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ”, đi kèm với danh sách 350 chi tiết nhỏ mà các tập đoàn lớn không được làm. Ngay sau đó, các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, Deawoo phải kêu gọi các DN nhỏ tham gia vào chế tạo, sản xuất. Chỉ ba năm sau, hàng vạn DN nhỏ của Hàn Quốc đã ra đời và đảm nhận khâu chế tạo các linh kiện nhỏ ở tầm công nghệ cao. “Ở Việt Nam, các vị làm luật như làm văn và bài văn này không đáng chấm điểm. Khi nghe về dự luật hỗ trợ DNVVN, tôi phản đối ngay từ đầu với một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư ”, ông Tuất nói.

Ông Tuất cho biết là do ông hết sức lo ngại về từ “hỗ trợ”. Hiện nay, từ “hỗ trợ” là điều tối kỵ đối với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết. “Tôi không hiểu tại sao 500 đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành cứ thích từ hỗ trợ”, ông Tuất nói.

Bên cạnh đó, ông Tuất cũng cho rằng cả chủ thể hỗ trợ và khách thể hỗ trợ đều không hợp lý. Bởi dự luật quy định cả Chính phủ, các bộ, ngành, UBND, HĐND các tỉnh, VCCI… đều phải có nhiệm vụ hỗ trợ các DNVVN. Hơn nữa, dự luật nêu ra tới bảy nội dung phải hỗ trợ, từ đất đai, thuế, tín dụng, công nghệ… “Đây là một thứ lẩu không bình thường. Bảy món này, nếu chiếu theo luật thì không “đè” được lên các luật về thuế, đất đai, tín dụng”, ông Tuất phân tích.

Vì vậy, ông Tuất đề nghị bỏ từ “hỗ trợ” bởi từ này nếu đưa vào luật sẽ xúc phạm các DN chân chính. Các DN đang cần kinh doanh sòng phẳng, có trách nhiệm với đất nước. “Tôi muốn nói bỏ đi, nếu không sẽ ăn đủ trong hội nhập. WTO và các FTA đều kỵ điều này. Các DN không cần hỗ trợ mà cần được bảo vệ, nếu có sửa nên sửa thành luật bảo vệ”, ông Tuất bày tỏ.

Trước phản ánh trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ, các thảo luận về dự án luật hiện nay cũng đang xem xét kỹ tên gọi của dự án có thể đề xuất đổi thành “Luật phát triển DNVVN” để phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Lê Thúy

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Hiện nay, DNVVN chiếm tới 98% số lượng DN trên cả nước, nếu tính cả các hộ kinh doanh, tỷ lệ còn nhiều hơn. Dự thảo mới nhất của Luật Hỗ trợ DNVVN có những thay đổi rất quan trọng và bất ngờ, do vậy cần phải tham khảo ý kiến cộng đồng DN, nhất là khi dự thảo này đang bị đánh giá quá tham vọng, mà tham vọng nhiều khi dẫn tới thất vọng.

Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI 

Tôi cho rằng dự án Luật đang hỗ trợ đối tượng quá rộng, cần phân biệt rõ để có sự hỗ trợ khác nhau. Có thể xem xét bỏ việc hỗ trợ đối với DN vừa (nhất là tiêu chí xếp hạng DN vừa theo dự thảo đúng ra có thể coi là DN lớn). Đồng thời, chỉ nên hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, đây là nhóm DN gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các hiệp hội DN.

Ông Phan Đăng Tuất – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN Bộ Công Thương

Có DN từng chia sẻ với tôi rằng họ bị “hành hung” rất nhiều từ nhiều thế lực. Do đó, họ cần bảo vệ hơn là hỗ trợ. Cũng như câu chuyện các DN Việt Nam hiện nay đang bị thương lái Trung Quốc dùng đủ mọi trò để ép giá, bị cạnh tranh bất chính và bị “hành là chính” ngay trên đất nước mình. Vậy nên, thay vì chờ vào các chính sách hỗ trợ, họ cần được che chở, bảo vệ hơn.

——————————

Thời báo Kinh doanh (Diễn đàn) 14-4-2017:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Dien-dan-10/Luat-ho-tro-DNVVN-nen-nhin-vao-thuc-tien-32198.html

(97/1.774)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780