1.275. Liên quan đến vụ việc “Cty Global Home quỵt nợ”: DN Việt đã quá… liều lĩnh

(DĐDN) – Theo Bộ luật Hình sự 2015, “quỵt nợ” 4 triệu đồng trở nên đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, với trường hợp tranh chấp kinh tế như Công ty Global Home do ông Otto De Jager – chồng ca sĩ Thu Minh làm giám đốc với các DN trong nước thì rất khó khép tội “quỵt nợ”, bởi các DN Việt sơ hở rất nhiều trong việc ký kết hợp đồng. Đây là chia sẻ của LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Theo LS Trương Thanh Đức, có hai dạng “quỵt nợ”. Thứ nhất là có khả năng trả nợ mà không chịu trả còn gọi là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tiếp đến là có hành vi gian dối để không phải trả nợ thì gọi là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi vụ việc được xác định là tranh chấp kinh tế thường hai bên đều đổ lỗi cho nhau, đặc biệt nếu không có hợp đồng kinh tế bằng văn bản thì rất khó chứng minh lỗi thuộc về bên nào!

Thời gian vừa qua, nhiều DN trong nước “tố” ông Otto De Jager – Giám đốc Công ty Global Home tại Việt Nam cố tình “quỵt nợ” hàng chục tỷ đồng. Trong đó, nhiều giao dịch thương mại giữa các bên chỉ thông qua giao dịch điện tử như emai, không nhận đặt cọc… Vậy theo ông, tranh chấp pháp lý của câu chuyện này nằm ở đâu?

Theo tôi, vì quá nôn nóng muốn bán được hàng hóa, dịch vụ, nhiều DN Việt đã chấp nhận những giao dịch thương mại có giá trị lớn mà không cần hợp đồng bằng văn bản và chỉ dựa vào sự tin cậy lẫn nhau. Không ít trường hợp các đối tác nước ngoài cố tình gây trắc trở trong quá trình đàm phán hợp đồng để khỏi phải ký kết hợp đồng thương mại.

Các DN Việt Nam nhìn thấy rủi ro nhưng vẫn chấp nhận là điều rất đáng tiếc. Nếu chỉ giao dịch qua thư điện tử, không mở L/C, không nhận đặt cọc hay ứng trước tiền thì là hành động rất liều lĩnh. Trường hợp này thường chỉ xảy ra đối với những sản phẩm có giá trị không cao, các đối tác đã có giao dịch thường xuyên từ rất nhiều năm…

Nếu xảy ra tranh chấp các điều khoản về phạt hợp đồng, các quy định về chế độ giải ngân, kiểm tra chất lượng sản phẩm… dường như sẽ hoàn toàn do một bên quyết định. Thực tế vụ việc trên cho thấy, có DN Việt Nam nói rằng sản phẩm của họ đã được bên mua kiểm tra kỹ lưỡng và đóng dấu xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nhưng cuối cùng, đối tác vẫn không thanh toán vì cho rằng sản phẩm kém chất lượng!

Đối tác kéo đến công ty Global Home để đòi nợ. Ảnh: internet

Ở vụ việc này các DN Việt Nam có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trung tâm trọng tài không? Và DN Việt sẽ phải nộp đơn khởi kiện tại đâu, thưa ông?

Đối với những giao dịch thương mại thông qua hợp đồng thương mại bằng văn bản thì DN VN có thể khởi kiện đối tác tại nơi mình đang đặt trụ sở (trụ sở bên nguyên đơn) hoặc tại nơi đối tác đặt trụ sở, văn phòng đại diện (trụ sở bị đơn). Đối với các giao dịch thương mại điện tử, đây cũng có thể được coi là một dạng hợp đồng nếu có các thư điện tử, chứng từ thanh toán, giao hàng, nhận hàng điện tử… Pháp luật Việt Nam thừa nhận rất nhiều loại hợp đồng khác như hợp đồng miệng cũng có thể được tòa giải quyết.

Tuy nhiên, sự khác biệt chỉ là căn cứ để xác định lỗi các bên. Khi có hợp đồng thương mại bằng văn bản thì các điều khoản về cách thức kiểm tra, tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, trả tiền, hình thức xử phạt hay cơ quan giải quyết tranh chấp… đều được xác định. Nhưng với các hình thức giao dịch thương mại khác thì rất khó có căn cứ để xác định lỗi thuộc về ai.

Với các vụ giải quyết tranh chấp về kinh tế thì điều quan trọng nhất là khả năng trả nợ. Các DN có thể thắng kiện nhưng phía Cty Global Home không còn khả năng trả nợ thì thắng cũng vô nghĩa.

Đối với cơ quan giải quyết tranh chấp cũng khá phức tạp. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2016), tòa án buộc phải thụ lý nếu các bên đương sự có đơn gửi đến tòa án. Tuy nhiên, đối với những tranh chấp thương mại không có hợp đồng bằng văn bản thì việc giải quyết cũng khó khăn hơn.

Trước tiên, các bên không được lựa chọn giải quyết bằng trọng tài vì không có điều khoản trọng tài. Tiếp đến, tòa án có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp tại nơi có trụ sở của bị đơn. Trường hợp bị đơn là DN nước ngoài mà chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam thì có thể phải giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài. Nhưng luật pháp của nước mà bị đơn có trụ sở quy định thế nào về dạng tranh chấp này thì còn cả một vấn đề. Ngoài ra, chỉ cần bên đối tác không chịu ký một loại giấy tờ nào đó để đưa nhau ra tòa án thì vụ việc cũng có thể bị giậm chân tại chỗ.

– Trong trường hợp các DN Việt Nam muốn kiện Công ty Global Home thì phần thắng theo ông đánh giá sẽ ở mức nào, DN cũng phải lường trước rủi ro nào, thưa ông?

Một số DN Việt Nam có tuyên bố sẽ hợp sức lại để khởi kiện Cty Global Home. Được biết, các DN Việt Nam đã giao dịch thương mại với Cty Global Home với nhiều hình thức cả hợp đồng bằng văn bản, giao dịch thương mại điện tử… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, để chứng minh Cty Global Home “quỵt nợ, trốn nợ” là rất khó. Bởi vì, họ không dại gì mà nói mình không định trả nợ và sẵn sàng dựa vào những lý do như chất lượng, thời gian và cách thức giao hàng chưa đạt…

Như vậy, đây sẽ chỉ là những vụ việc tranh chấp về kinh tế đơn thuần. Với các vụ giải quyết tranh chấp về kinh tế thì điều quan trọng nhất là điều kiện để thi hành hay còn gọi là khả năng trả nợ. Các DN có thể thắng kiện tưng bừng nhưng phía Cty Global Home không còn khả năng trả nợ hay tài sản họ đã chuyển đi đâu rồi thì thắng cũng vô nghĩa.

Nói tóm lại, trong giao dịch thương mại quốc tế và kể cả giữa các DN trong nước với nhau thì các DN không thể chủ quan và quá vội vàng vì bất kỳ lý do nào. Những nguyên tắc cơ bản như tính pháp lý của các hợp đồng, tìm hiểu đối tác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cách thức chi trả, cơ quan giải quyết tranh chấp… đều phải tính đến từ trước. Chỉ cần một sơ sót nhỏ trong giai đoạn tiền giao dịch thương mại, hậu quả có thể sẽ vô cùng lớn.

– Xin cảm ơn ông!

Bá Tú thực hiện

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 18-8-2016:

http://enternews.vn/lien-quan-den-vu-viec-cty-global-home-quyt-no-dn-viet-da-qua-lieu-linh.html

(1.335/1.335)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,021