1.277. Cho phá sản: Thanh lọc để cứu ngân hàng

(TBKD) – Muốn làm trong sạch hệ thống ngân hàng, thay vì mua lại 0 đồng, những ngân hàng yếu kém nên cho phá sản. Như vậy, người dân sẽ không bị nhập nhằng giữa ngân hàng mạnh với ngân hàng yếu kém bởi cách thanh lọc tốt nhất chính là không nên để người ốm nặng “lẫn vào” với người khỏe mạnh.

Đây là quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức trước thông tin vừa được đưa ra tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, với nội dung thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Chấm dứt mua giá 0 đồng

Tại dự thảo Luật, các ý kiến đã thống nhất từ nay sẽ không có chuyện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại những ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng. Thay vào đó, những ngân hàng này sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, sau đó có các biện pháp tài chính như phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản); phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Cuối cùng áp dụng biện pháp mua bắt buộc.

Theo NHNN, riêng với biện pháp mua bắt buộc là pháp áp dụng cho tổ chức tín dụng (TCTD) có thực trạng yếu kém nhất, không thể thực hiện được phương án phục hồi, cũng không thể thực hiện được phương án giải thể (do không có khả năng thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ) và không thể thực hiện được phương án phá sản do tác động quá lớn đến an ninh tài chính, nền kinh tế và trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, điều kiện, quy trình, thẩm quyền cũng được quy định chặt chẽ nhất. Cụ thể, khi bị mua bắt buộc, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức tín dụng được chỉ định hoặc cho NHNN.

Thông qua thảo luận, hầu hết ý kiến thành viên Chính phủ đều thống nhất với đề xuất của NHNN là cần có quy định về biện pháp này.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật quy định: cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của TCTD được kiểm soát đặc biệt không chịu trách nhiệm về kết quả của việc thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, trừ trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng quy định như vậy có thể dẫn tới lạm quyền và thiếu trách nhiệm.

Ngân hàng yếu kém cũng giống như cơ thể của người bị ung thư giai đoạn cuối, “sống dở chết dở” cho dù đã được điều trị nhưng rất khó kéo dài sự sống.

Đúng thông lệ quốc tế

Lý giải việc này, NHNN cho biết, việc xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt trên thực tế đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho các cán bộ xử lý trực tiếp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý. Do đó, cần miễn trừ trách nhiệm để đảm bảo nguồn nhân sự có chất lượng tham gia xử lý TCTD yếu kém.

Trước đó, NHNN đã lần lượt mua lại bắt buộc ba ngân hàng thương mại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (OCB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) rồi giao lại cho hai “ông lớn” là Vietcombank, Vietinbank hỗ trợ quản trị, tái cơ cấu. Nhờ đó, từ việc âm vốn hàng nghìn tỷ đồng, các ngân hàng này sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động đã “thay da đổi thịt”.

Cụ thể, dưới sự “dẫn dắt” của Vietcombank, CB đã có những chuyển biến tích cực khi tập trung cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Năm 2017, ngân hàng này đưa ra gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, vay tiêu dùng, lãi suất từ 6,5%/năm. Đặc biệt, CB đang tích cực xử lý và thu hồi nợ xấu.

Còn OceanBank được Vietinbank hỗ trợ, đến nay kết quả kinh doanh và thu hồi nợ xấu đã có nhiều khả quan. Tính đến hết năm 2016, OceanBank đã có lãi nên trong năm 2017, ngân hàng này đặt mục tiêu tiền gửi khách hàng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay 17.835 tỷ đồng; lợi nhuận tăng gấp đôi năm 2016.

Riêng Vietinbank, GPBank đã cử người sang điều hành nên giờ cũng có những dấu hiệu khởi sắc. Đến cuối tháng 6/2016, số dư huy động vốn tăng 8,7% so với tháng 7/2015. Hiện tại ngân hàng này đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, thành lập Ban thu hồi nợ xấu…

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, hiện nay ba ngân hàng bị NHNN mua lại 0 đồng tuy có kết quả kinh doanh khả quan hơn nhưng để phục hồi hoàn toàn và xử lý những món nợ xấu khủng sẽ phải mất rất nhiều thời gian.

Vì vậy, dự thảo Luật Cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu quy định chấm dứt việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng không chỉ nhận được sự ủng hộ của hầu hết thành viên Chính phủ cũng như các chuyên gia tài chính ngân hàng mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng phá sản ngân hàng là bước đường cùng nên cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ. Phải có Nghị định hướng dẫn sau khi Luật được thông qua. “Ngân hàng yếu kém cũng giống như cơ thể của người bị ung thư giai đoạn cuối, “sống dở chết dở” cho dù đã được điều trị nhưng rất khó kéo dài sự sống”, ông Lực ví von.

Đồng quan điểm cần phá sản ngân hàng quá yếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định đây sẽ là quá trình dài và phức tạp nhưng đúng với thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng đã là kinh tế thị trường nên để thị trường quyết định. Vì vậy, việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết nhằm làm trong sạch hệ thống.

Huyền Anh

———————————

Thời báo Kinh doanh (Tài chính) 18-4-2017:

http://vfpress.vn/tai-chinh/cho-pha-santhanh-loc-de-cuu-ngan-hang-512544.html

(155/1.151)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780