1.278b. Giảm thuế trước mắt, tăng nguồn thu lâu dài

(HQ)- Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó đề xuất giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% như hiện nay xuống còn 17% trong vòng 4 năm.

giam thue truoc mat tang nguon thu lau dai

Một mức thuế TNDN hợp lý là điều cần thiết để doanh nghiệp phát triển. (Ảnh: Thùy Linh)

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách giảm thuế không chỉ thiết thực bồi dưỡng nguồn thu mà còn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, từ đó đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

3% để tái tạo sản xuất

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng
Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính:
Ngân sách sẽ giảm khoảng 473 tỷ đồng
“Với tiêu chí doanh nghiệp có doanh thu năm trước liền kề đến 20 tỷ đồng sẽ được hưởng mức thuế TNDN 17% trong 4 năm tới thì sẽ có khoảng 430.000 doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này. Số lượng doanh nghiệp này hiện chiếm 85-86% số doanh nghiệp đang hoạt động, ước tính mỗi năm đóng góp vào ngân sách khoảng 2.470 tỷ đồng. Như vậy, việc giảm thuế TNDN 3% sẽ tác động giảm ngân sách khoảng 473 tỷ đồng”.Ông Nguyễn Thành Long,
Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Cát Lợi:Một đồng được giảm cũng quý
“Một chính sách thuế hợp lý vào thời điểm này là thực sự cần thiết với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Với chúng tôi, một đồng được giảm cũng quý. Nếu như mức thuế 17% được áp dụng ngay trong năm tới, theo tính toán của chúng tôi, số tiền doanh nghiệp tiết kiệm được sẽ rơi vào khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này đóng góp đáng kể vào số vốn quay vòng, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hay đơn giản nhất, thay vì bỏ ra số lương cơ bản để thuê những nhân sự bậc thấp ít kinh nghiệm, chúng tôi có thể đầu tư để thuê thêm những nhân sự giàu sự trải nghiệm và giàu kỹ năng trên thương trường. Nhờ vậy công việc kinh doanh cũng hiệu quả hơn, dự đoán doanh thu năm sau cũng sẽ cao hơn năm trước.
Tôi đánh giá cao những hành động của Nhà nước trong thời gian qua để tạo môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước dành cho bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo niềm tin và kỳ vọng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thực sự”.

Thuế TNDN là loại thuế trực thu, điều tiết trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và là loại thuế đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, một chính sách thuế hợp lý, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường hạch toán kế toán, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước.Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, khi nền kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ huy động thuế/GDP càng giảm xuống. Minh chứng cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta có thể nhìn thấy rõ ràng qua lộ trình giảm thuế trong thời gian qua: Từ mức 32% (năm 1999) giảm dần xuống mức 28% (2004), 25% (2009), 22% (2014). Từ ngày 1-1-2016, mức thuế TNDN giảm xuống mức 20%. Mức thuế TNDN của Việt Nam hiện nay khá thấp so với các nước trong khu vực như Philippines là 30% và Trung Quốc là 25%.

“Tôi cho rằng mức thuế TNDN 17% cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thời điểm này là hợp lý. Mức thuế này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư”, bà Cúc nhận định.

Đồng tình với mức thuế TNDN mới mà Bộ Tài chính đang đề xuất, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đóng góp GDP hơn 40%, hơn 20% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 29% các khoản thu ngân sách Nhà nước. Không những vậy, khối doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho 5,12 triệu lao động. Bởi vậy, việc giảm thuế TNDN đối với nhóm này là cần thiết để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thuế.

“Đặc biệt, tôi cho rằng, nếu thuế giảm, các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, sẽ có một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức chuyển sang thành doanh nghiệp và số doanh nghiệp tăng thêm này sẽ có đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước trong thời gian tới”, bà Thảo cho biết.

Bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, giảm thuế thực chất là chính sách nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, là sự động viên khuyến khích thiết thực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thêm hiệu quả.

“Cho dù giảm thuế trước mắt sẽ gây áp lực lên ngân sách Nhà nước, tuy nhiên về lâu dài tôi cho rằng khả năng thu ngân sách sẽ cao hơn bởi nếu áp thuế suất quá cao doanh nghiệp sẽ nảy sinh tâm lý trốn tránh dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Mặt khác, phần 3% thuế giảm sẽ được doanh nghiệp để lại để tái tạo kinh doanh đầu tư sản xuất, từ đó tạo ra nhiều doanh thu hơn, nộp thuế GTGT cao hơn”.

Giám sát tiêu chí phân loại

Việc đề xuất mức thuế 17% đối với doanh nghiêp có quy mô nhỏ và vừa, được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là nỗ lực lớn của Bộ Tài chính để bám sát Nghị quyết 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016 và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, xung quanh mức đề xuất này vẫn còn khá nhiều băn khoăn về tiêu thức, ngưỡng xác định quy mô doanh nghiệp được hưởng mức thuế này.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với tiêu chí xác định doanh nghiệp được hưởng mức thuế ưu đãi là doanh nghiệp có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, vấn đề đáng lo ngại nhất là việc sẽ có tình trạng doanh nghiệp gian lận như giấu doanh thu, doanh nghiệp không chịu lớn, không muốn tăng quy mô. “Nếu tiêu chí phân loại doanh nghiệp không rõ ràng cùng với việc buông lỏng giám sát sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng tới số thu ngân sách và gây bất bình đẳng trong sự phát triển kinh tế”.

“Một mức thuế suất ưu đãi hợp lý cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn cũng giống như việc người nghèo được cho ‘cá’ trong lúc đói. Tuy nhiên về lâu dài, Nhà nước không thể nuôi người nghèo bằng cá mãi được. Cùng với đó, nên cho họ thêm ‘cần câu’ để họ có thể tự lực, thoát nghèo bằng chính sức mình. ‘Cần câu’ đó chính là các chính sách khác gián tiếp tác động đến môi trường kinh doanh như: Thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, tư vấn hỗ trợ cùng những ưu đãi khác ngoài thuế. Như vậy sự hỗ trợ cho doanh nghiệp mới thực sự hiệu quả”, ông Đức cho hay.

Những nỗ lực của Bộ Tài chính cũng như ngành Thuế trong ưu đãi thuế cho doanh nghiệp thời gian qua là không thể phủ nhận. Điển hình phải kể đến việc chi phí tính thuế TNDN đã được nới rộng hơn. Theo bà Nguyễn Thị Cúc: “Nếu như trước đây nhiều loại chi phí không được trừ để tính thuế thì nay danh sách các khoản được trừ đã nới rộng lên không ít. Đây là cách gián tiếp để giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp”.

Bà Cúc cũng cho rằng, cùng với những ưu đãi thiết thực này, cơ quan Thuế cần nghiên cứu, bổ sung, xây dựng chế độ chính sách thuế mới theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần cải cách hệ thống quản lý thuế, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức Thuế để có thể đáp ứng nhu cầu quản lý và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thùy Linh

——————

Hải quan (Tài chính) 20-8-2016:

https://haiquanonline.com.vn/giam-thue-truoc-mat-tang-nguon-thu-lau-dai-40252.html

(234/1.541)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,829