1.278. Mạnh dạn cho ngân hàng phá sản

(CAND) – Về Dự án Luật cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và tính cấp bách của việc cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý riêng, mang tính chuyên ngành để cơ cấu lại các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu. Trong đó, Chính phủ thống nhất từ nay Nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng.

Trường hợp các TCTD được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, thì ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho TCTD có năng lực tài chính tốt. Trường hợp không chuyển giao được mà không thể phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động.

Có thể thấy đây là một giải pháp mạnh tay của Chính phủ để xử lý ngân hàng yếu kém. Biện pháp này được giới chuyên gia ủng hộ.

TS Cấn Văn Lực – Phó Tổng Giám đốc, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, phương án Nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc ngân hàng 0 đồng là một trong 4 phương án khác nhau về tái cơ cấu các TCTD.

Trong đó, thay vì trước đây NHNN đứng ra mua lại ngân hàng với giá 0 đồng thì nay chuyển sang tìm kiếm một nhà đầu tư mới. Một TCTD đủ năng lực và uy tín để đảm nhiệm vai trò này.

Cho ngân hàng phá sản là một giải pháp mạnh tay của Chính phủ để xử lý ngân hàng yếu kém.

TS Cấn Văn Lực hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Chính phủ, bỏ qua giai đoạn mua ngân hàng 0 đồng. Trên thực tế, bước mua lại ngân hàng giá 0 đồng là không cần thiết, chỉ mang tính giai đoạn, tạm thời.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, với một ngân hàng yếu kém trước đây xử lý để tự phục hồi; mua bán, sáp nhập; đưa vào kiểm soát đặc biệt; mua lại với giá 0 đồng và vẫn cần phải có Ban chỉ đạo kiểm soát đặc biệt, thì đến nay, Chính phủ đã đưa ra những hướng giải quyết mới nhanh, gọn, rõ ràng hơn về trách nhiệm của các bên. Theo đó, vẫn theo trình tự như cũ nhưng nét mới là ngân hàng yếu kém được đưa về TCTD, tổ chức đó sẽ tiếp nhận hỗ trợ và sẽ đánh giá và định giá cụ thể.

Trong quá trình tái cơ cấu, nếu ngân hàng có khả năng phục hồi thì cho sáp nhập và tìm nhà đầu tư mua lại. Rõ ràng, NHNN bớt được 1 khâu quá độ khi NHNN tiếp quản và chuyển giao ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, thách thức với NHNN là rất lớn trong việc tìm được TCTD mới đủ tiêu chuẩn để tham gia tái cơ cấu và có cơ chế để hỗ trợ tìm kiếm TCTD đủ điều kiện.

Biện pháp trên áp dụng với những ngân hàng yếu kém, bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và cho thời gian để phục hồi, song vẫn không có phương án phục hồi hiệu quả thì cho ngân hàng phá sản. Đây là một phương án cực chẳng đã mới phải thực hiện.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc mua 0 đồng chỉ là tượng trưng, còn muốn duy trì được tổ TCTD yếu kém, âm vốn điều lệ thì rất phức tạp, tốn kém, dù là hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp.

Thực tế, những năm qua, một số ngân hàng đã được âm thầm giải thể và không ảnh hưởng đến hệ thống như Việt Hoa, APBank…

Bên cạnh đó, với các ngân hàng yếu kém, trước khi cho giải thể, phá sản hay mua lại 0 đồng như dự thảo, NHNN đã cho một khoảng thời gian khá dài để xử lý, nên việc phá sản các TCTD sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp mua ngân hàng 0 đồng thời gian qua (áp dụng với CB, Ocean Bank, GPBank) đã tránh được đổ vỡ hệ thống, giữ được uy tín, niềm tin của người gửi tiền.

Tuy nhiên, ở giai đoạn tới, với những ngân hàng, TCTD quá yếu kém, trước hết, phải thu hẹp dần cả huy động và cho vay một cách nhẹ nhàng để người dân không hoang mang lo sợ và xử lý dần dần.

Với những ngân hàng quá lớn, đã âm vốn, NHNN không nên tiếp tục mua lại với giá 0 đồng vì vẫn mất chi phí xử lý, mà thay vào đó, nên cho phá sản. Việc cho phá sản ngân hàng cũng sẽ khiến người dân phải lựa chọn ngân hàng tốt để gửi tiền, triệt tiêu sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất là hạn mức bảo hiểm tiền gửi cần phải nâng lên từ hạn mức hiện hành là 50 triệu đồng lên mức 200 triệu đồng sẽ làm người dân an tâm khi biện pháp phá sản được thực hiện.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu không thể là giải pháp tình thế, mà phải là vĩnh viễn, vì nếu chỉ xử lý vấn đề này trong một vài năm thì chỉ là sự lùi lại tạm thời.

Theo đó, để có cách xử lý nợ xấu triệt để, cần phải có sự chung sức của cả hệ thống, cả nền kinh tế.

Thậm chí có thể tính phương án dùng đến ngân sách. Đó không phải là Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho doanh nghiệp, mà chỉ là dùng tiền tạm ứng để giải quyết triệt để nợ xấu, khi nợ được thu hồi hay bán đi thì tiền đó lại trở về với ngân sách.

Lưu Hiệp

———————————-

Công an Nhân dân 19-4-2017:

http://cand.com.vn/doanh-nghiep/Manh-dan-cho-ngan-hang-pha-san-437431/

(130/1.058)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,784