1.279. Không thể mãi… đứng nhìn “ma trận” BOT!

(CL&TH) – Thời gian qua, tại Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Thái Bình… liên tiếp các vụ việc người dân bức xúc, chặn các trạm thu phí BOT, phản đối về việc thu phí… Điều đó cho thấy thực trạng đầu tư BOT đang có quá nhiều vấn đề bất cập, cần được tháo gỡ.

Tùy tiện lập các trạm BOT

Hiện nay, việc dựng các trạm thu phí BOT quá dày gây nên sự ức chế đối với người dân. Theo thống kê, cả nước hiện có 88 trạm thu phí BOT; có những cung đường, bình quân 40 km lại có một trạm thu phí.

Như tuyến đường Hà Nội – Thái Bình, chỉ 110 km, nhưng có tới 4 trạm thu phí, trong khi các trạm thu phí này không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km như quy định. Cá biệt, có trường hợp khoảng cách giữa 2 trạm thu phí chỉ… 15 km như trạm thu phí hầm đèo Ngang (km 590, QL1), cách trạm thu phí dự án BOT QL1, đoạn km 597+549 – km 605+000. Huyện Kiến Xương (Thái Bình) có 2 trạm thu phí chỉ cách nhau… 200 m (?!).

Các chuyên gia nhận định, sự tùy tiện lập các trạm thu phí giao thông trái quy định pháp luật của một số dự án BOT dẫn đến cản trở lưu thông, làm tăng chi phí vận tải, cũng là nguyên nhân khiến kinh tế – xã hội trì trệ. Các trạm BOT quá dày đặc, bủa vây người dân, bủa vây tỉnh, thành, khiến phí cầu đường tăng, giá thành vận tải tăng, làm cho chi phí xã hội tăng lên. Đặc biệt, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí.

Chẳng hạn như QL1, QL14, các phương tiện giao thông không có quyền lựa chọn đường đi. Dự án trở thành độc quyền và nhà đầu tư độc quyền thu tiền. Đây là hình thức ép buộc sử dụng dịch vụ, gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.

Hiện nay, Nhà nước áp dụng việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô và xe máy. Song nghịch lý ở chỗ, nhà đầu tư, khi thi công chỉ trải nhựa bề mặt đường, nhưng vẫn được phép dựng trạm BOT để thu phí. Trạm thu phí BOT trên tuyến QL32, xã Thượng Nông (Tam Nông, Phú Thọ), đơn vị thi công chỉ nâng cấp, sửa chữa 12 km nền đường cũ, nhưng lại thu phí rất cao (từ 35.000 – 50.000 đồng/lượt), gây bức xúc cho người dân trên địa bàn.

BOT: Cần công khai, minh bạch

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Hiện tượng tại một số địa phương, người dân tập trung, phản đối trạm thu phí cho thấy vấn đề trong phê duyệt, quản lý các dự án giao thông theo hình thức BOT, cần phải nghiêm túc xem xét lại”.

Theo ông Liên: Việc thu phí không đúng nguyên tắc. Đi đường BOT phải trả phí, có nghĩa đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu, nhưng thực tế nhiều tuyến BOT, người dân chỉ đi vài km vẫn phải trả tiền cả tuyến, thậm chí thu phí BOT cho cả tuyến đường người dân không đi. Như vậy là vô lý!

Đánh giá về thực trạng công tác thu phí hoàn vốn dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua, ông Lê Quốc Đạt, Phó chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT cho rằng, hoạt động thu phí hoàn vốn còn nhiều bất cập và chưa hoàn thiện. Hầu hết các dự án BOT giao thông hiện nay không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi).

Bên cạnh đó, các thông số như thời gian thu phí và giá vé được nêu trong thông tư riêng cho từng dự án được tính toán dựa trên tổng mức đầu tư được phê duyệt tại bước lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư là khái toán, thường có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị quyết toán vốn đầu tư dẫn đến thời gian thu phí quy định trong hợp đồng BOT thường dài hơn nhiều so với thực tế. Chưa kể đến việc, nhà đầu tư thường cố tình chậm quyết toán để trước mắt tận hưởng thời gian thu phí dài hơn và mức phí cao hơn.

Đặc biệt, trong các hợp đồng BOT, ở điều khoản về sự kiện bất khả kháng, chủ đầu tư còn cài thêm nhiều lý do để được kéo dài việc thu phí. Thậm chí, mục này còn có nội dung nếu việc thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư như tính toán, thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư trình cơ quan chức năng có liên quan và Chính phủ hỗ trợ cho nhà đầu tư về cơ chế, chính sách, đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, quy định trong những hợp đồng này đều có lợi cho nhà đầu tư, vô cùng bất lợi cho người sử dụng, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế.

Ngọc Linh

—————————–

Công luận & Thương hiệu (Pháp luật) 19-4-2017:

http://thuonghieucongluan.com.vn/khong-the-mai-dung-nhin-ma-tran-bot-a36963.html

(57/1.009)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,052