Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cho biết mục đích ban hành Thông tư 20 là “nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ”. Theo đó, yêu cầu thương nhân nhập khẩu, phân phối xe mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về việc bảo hành xe và với tư cách là nhà nhập khẩu, phân phối được nhà sản xuất ủy quyền hoặc chỉ định, phải thay mặt nhà sản xuất chịu trách nhiệm về xe nhập khẩu đó trong một số trường hợp nhất định, ví dụ như triệu hồi do lỗi của nhà sản xuất.

Lái vấn đề sang hướng khác

Tuy nhiên, việc Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20 khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa thỏa đáng và đang lái vấn đề sang hướng khác.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, thông tư mới sẽ áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Quy định mới bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Xe dưới 9 chỗ nhập khẩu tại cảng VICT (TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh

Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này thể hiện rõ quan điểm bảo thủ của Bộ Công Thương khi muốn cố giữ cho được các quy định trong Thông tư 20 bằng cách khéo léo “khai tử” thông tư cũ và “thai nghén” một thông tư hoặc quy định mới tương đương.

“Không biết Bộ Công Thương kiến nghị Bộ GTVT ban hành một thông tư tương tự như Thông tư 20 phải được hiểu như thế nào? Về tiêu chuẩn bảo hành thì hiện nay Việt Nam đã có tương đối đầy đủ chính sách, quy định để bảo vệ người tiêu dùng, kể cả quy định về triệu hồi xe” – ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến.

Cũng phản đối ý tưởng thay thế quy định trong Thông tư 20 bằng một quy định khác, luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách – Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng vấn đề mấu chốt là thông tư này không có ý nghĩa, không có tác dụng gì trên thực tế cả. Chưa kể nó hạn chế sự tự do trên thị trường, quan trọng nhất là nó trái với Luật Đầu tư.

“Nói là bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng hàng hóa cũng không đúng bởi trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải bảo đảm điều này để cạnh tranh được trên thị trường” – luật sư Trương Thanh Đức trình bày.

Theo vị luật sư này, từ các ý kiến trái chiều về Thông tư 20 đã để lộ một bài toán cần làm rõ để “đả thông” tư tưởng người tiêu dùng. Đó là, nếu người tiêu dùng chấp nhận mua hàng chính hãng, trả thêm chi phí cho các dịch vụ hậu mãi, bảo hành, bảo dưỡng cao cấp theo tiêu chuẩn của hãng thì khi xe hỏng hóc, họ sẽ được hưởng các chế độ tương xứng. Còn người tiêu dùng muốn tiết kiệm tiền đầu tư ban đầu, chỉ mua sản phẩm của doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng thì đến khâu bảo hành, họ phải chấp nhận chi phí cao hơn, khó khăn hơn…

“Tất cả những cái đấy đã có luật chơi, có thị trường hết rồi, không phải can thiệp làm gì. Người tiêu dùng sẽ tự lựa chọn tiếp cận sản phẩm theo phương án nào và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Đồng thời, bãi bỏ hoàn toàn thông tư này sẽ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu bình đẳng như nhau, tăng tính cạnh tranh trên thị trường” – luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Không phụ thuộc Bộ GTVT

Về phía Bộ GTVT, ngày 22-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những đề xuất của Bộ Công Thương, một lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết đến nay, Bộ GTVT chưa nhận được văn bản kiến nghị chính thức của Bộ Công Thương. “Tuy nhiên, nếu Văn phòng Chính phủ yêu cầu thì lúc đó Bộ GTVT sẽ có ý kiến chính thức” – vị này nói.

Cũng theo vị này, trước khi có kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô ra khỏi phụ lục 4 của Luật Đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo đảm phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư 2014. Ngày 21-7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã ban hành Quyết định số 2257/QĐ-BGTVT, công bố Thông tư số 19/2012/TT-BGTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu ô tô đã hết hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016.

Về quan điểm cá nhân, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cho rằng theo các quy định hiện hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư thì Thông tư 20 của Bộ Công Thương hết hiệu lực mà không phụ thuộc vào bất cứ văn bản nào của Bộ GTVT.

“Đối với việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu thì hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT và Thông tư số 55/2014/TT-BGTVT nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ở góc độ kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà thôi” – vị lãnh đạo này nói.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu như Bộ Công Thương còn tiếp tục “lập lờ” về sự tồn tại hay không tồn tại của Thông tư 20 thì Chính phủ cần phải có ý kiến chính thức. “Doanh nghiệp nếu sai phải trả giá, còn bộ ngành sai tại sao lại cho duy trì một chính sách như thế, nghĩa là duy trì cho cuộc chơi không sòng phẳng” – ông Đức nói.

Xe dưới 9 chỗ nhập khẩu tăng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7-2016, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam đạt 10.800 chiếc, tăng 25,1% nhưng trị giá chỉ đạt 208 triệu USD, giảm tới 16% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân lượng xe nhập tăng nhưng trị giá lại giảm do đơn giá nhập khẩu bình quân ô tô nguyên chiếc các loại giảm 32,9% so với tháng trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc cả nước nhập về là 60.600 chiếc, giảm 5,9% so cùng kỳ năm trước; trị giá là 1,42 tỉ USD, giảm 17,3%. Trong đó, nhập khẩu loại ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tăng 16,6% với 25.500 chiếc, riêng ô tô trên 9 chỗ ngồi chỉ nhập 650 chiếc, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường cung cấp ô tô nhập khẩu nhiều nhất cho Việt Nam gồm Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, Ấn Độ trở thành thị trường cung cấp lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi cho Việt Nam nhiều nhất với gần 8.000 chiếc trong 7 tháng đầu năm, trong khi Thái Lan là thị trường cung cấp ô tô tải nhập khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt với khoảng hơn 14.000 chiếc.

T.Phương