1.280. Lấy ý kiến về Dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa: DN cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ?

(TBKD) – Dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thảo luận trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ nhất năm 2017.


Ảnh minh hoạ

So với phiên bản trước, dự thảo lần này kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi quan trọng tác động lớn tới cộng đồng DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến DN lại tỏ ra lo ngại lẫn thất vọng về dự án này. Thời báo Doanh nhân ghi lại một số ý kiến của đại diện các DN, cơ quan quản lý về vấn đề này tại Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) do VCCI tổ chức mới đây.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn: Sẽ xuất hiện tâm lý trì trệ, lợi dụng chính sách

Trong bối cảnh hội nhập, DN ngày càng phải nâng chất và đầu tư công nghệ, hiện đại hóa hệ thống máy móc để nâng cao năng suất lao động mà quy định DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ có lao động không quá 300 người, có tổng vốn không quá 100 tỷ đồng và doanh thu không quá 300 tỷ đồng là không phù hợp.

Thực tế hiện nay, nhiều DN có quy mô dưới 1.000 lao động đang được hưởng chính sách ưu đãi, nay chuyển cơ chế theo luật mới, liệu có khuyến khích các DN phấn đấu phát triển hay không.  Ngay như chính sách thuế khoán theo quy định của dự thảo luật cũng cần phải nghiên cứu thay đổi. Nếu tiếp tục áp dụng chính sách thuế khoán sẽ khiến DN có tâm lý ỳ chệ, lợi dụng chính sách.

Ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Thời đại hội nhập không thích hai từ “hỗ trợ”

Trong thời đại hội nhập sâu rộng như hiện nay, nếu dùng hai chữ “hỗ trợ” sẽ khiến DN lao đao khi quan hệ thương mại với quốc tế. WTO và các Hiệp định thương mại tự do đều cấm kỵ hai chữ “hỗ trợ” bởi nó tạo ra sự không công bằng giữa các DN.

Tại Hàn Quốc thời cựu Tổng thống Park Chung Hee, chính sách này chỉ gói gọn trong 8 chữ: “DN lớn không làm chi tiết nhỏ”. Kết quả là chỉ sau 3 năm Hàn Quốc đã có hàng vạn DN nhỏ công nghệ cao cung ấp linh kiện cho Samsung, Hyundai, Daewoo… Còn tại Nhật Bản, Luật về linh kiện điện tử của họ chỉ có 3 trang mà cứu được cả nền công nghiệp Nhật Bản. Trong khi Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có tới 37 điều mà chẳng bảo vệ được ai.

Lấy ý kiến về Dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ?

Các FTA cực kỳ kỵ chữ hỗ trợ. Các nước phải giấu hai chữ hỗ trợ đi. Không hiểu sao hội nhập rồi mà ai cũng thích dùng chữ hỗ trợ. 7 lĩnh vực hỗ trợ trong dự thảo cứ như 7 món trong nồi lẩu thập cẩm. 7 món này đều nằm dưới 7 luật chuyên ngành nên… vô dụng. Làm sao qua được Luật Tín dụng, Luật Đất đai và các luật khác?.

Thực tế, DN chân chính không cần hỗ trợ, họ mong muốn được kinh doanh sòng phẳng. DN cần sòng phẳng, cần làm nghiêm túc và có trách nhiệm với đất nước. Thứ DN cần không phải là hỗ trợ mà họ cần được bảo vệ. Nếu có thể thì hãy đổi thành Luật Bảo vệ DNVVN, đó mới là luật xác đáng mà chúng tôi cần. Tôi có một DN bé tí mà bị hành là chính… Do vậy tôi nghĩ DN cần được bảo vệ hơn là được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN TP. HCM: Nên bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là các hợp tác xã

Luật nên bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là các hợp tác xã và không nên phân biệt đối tượng thành lập DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ vì nhìn chung các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này đều được áp dụng như nhau. Nguồn lực hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong dự thảo Luật mới chỉ nói đến vốn là chưa đủ vì ngoài vốn, nguồn lực của DN còn là sức cạnh tranh, chính sách, hạ tầng kĩ thuật, khoa học, công nghệ, nhân lực…

Luật nên quy định các Bộ, ngành chỉ có vai trò tham mưu cho chính sách, không tham gia vào việc xây dựng, phân bổ, kế hoạch, bố trí nguồn lực, việc bố trí nguồn lực nên tập trung về các địa phương để tránh tạo ra sự cồng kềnh cho bộ máy, giảm hiệu quả cho các chương trình hỗ trợ. Đối với các chính sách hỗ trợ cho DN, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư vận hành hệ thống xử lý nước thải cho các DN tại các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo về môi trường, đồng thời nên nghiên cứu bù một phần tiền thuê đất cho DN vì đây đang là những khó khăn của hầu hết các DN vừa và nhỏ.

Ông Trần Viết Đán, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Bình: Cân nhắc tiêu chí doanh thu để giảm số lượng DN loại vừa được hỗ trợ

Cộng đồng DN mong Luật này sớm được ban hành, trở thành khuôn khổ pháp lý giúp DN được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo nền tảng và điều kiện cho hội nhập và phát triển. Việc hỗ trợ mức thuế thu nhập cho DNNVV thấp hơn mức thuế suất thông thường là phù hợp. Bởi tuy việc này làm giảm thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn sẽ góp phần tạo điều kiện cho DN phát triển, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng số lượng DN thành lập mới. Khi đó, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, nên cân nhắc lại tiêu chí doanh thu để giảm số lượng DN loại vừa được hỗ trợ, tránh giảm thu ngân sách lớn trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ thuế trong điều 9 chưa được quy định cụ thể, nên khó có thể áp dụng khi chưa có hướng dẫn. Nên bổ sung việc giao Chính phủ quy định cụ thể về mức thuế và thời hạn hỗ trợ cho các loại hình DN từ khi thành lập.

Hiện nay, năng lực tiếp cận các văn bản và hệ thống pháp luật của DNNVV còn rất hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong khi nhu cầu tiếp cận thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật là rất cần thiết. Vì vậy, cần bổ sung các hỗ trợ về pháp lý cho DNNVV, đồng thời có giải pháp cụ thể để thay đổi nhận thức, năng lực tiếp cận của DN.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Có thể xem xét bỏ đối tượng DN vừa

Hiện đang tồn tại thực trạng là phần lớn DN hiện nay không phải nhỏ hay vừa, mà là siêu nhỏ. DN siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các hiệp hội DN, vì vậy, vị thế trên thực tế như một “đứa trẻ mồ côi”. Do đó cần phân biệt giữa các đối tượng DN để có sự hỗ trợ khác nhau. Thậm chí, có thể xem xét bỏ đối tượng DN vừa, tập trung hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: DNNVV – khu vực vô cùng quan trọng

Việt Nam là nước có lực lượng DNNVV chiếm tỷ lệ rất lớn, đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội. Tuy vậy, DNNVV đang đối diện nhiều khó khăn, bất lợi trong quá trình phát triển, cũng như bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, rất cần có một khung khổ pháp lý để chính thức hóa các hoạt động và chính sách hỗ trợ khu vực vô cùng quan trọng này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng DN và các cơ quan ban ngành địa phương, sẽ hoàn thiện dự thảo Luật để tiến tới trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Thu Hà

——————————–

Thời báo Kinh doanh (Kinh doanh) 20-4-2017:

http://tbdn.com.vn/Lay-y-kien-ve-Du-an-Luat-ho-tro-DN-nho-va-vua-DN-can-duoc-bao-ve-hon-la-ho-tro_n22385.html

(113/1.559)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,055