1.281. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Sao cho đúng và trúng?

(NDCT) – Những tranh luận xung quanh Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp tục căng thẳng. Đối tượng nhận hỗ trợ, cách thức, phương pháp và đầu mối hỗ trợ nào cho phù hợp đang là điều được bàn tới, với những quan điểm rất khác nhau. Chỉ khi những vấn đề trên được trả lời thỏa đáng, chính sách hỗ trợ mới đến được đúng và trúng đối tượng thụ hưởng.

Việc phân định khái niệm DNNVV, đặc biệt là quy định về vốn và doanh thu theo ngành giúp hỗ trợ đến được đúng đối tượng.

Ai cần hỗ trợ?

Theo đúng logic, đối tượng hưởng lợi mà Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV là các DNNVV. Nhưng, với 97% DN Việt Nam có quy mô có dưới 200 lao động và có tổng nguồn vốn dưới 100 tỷ đồng hoặc có doanh thu năm liền kề dưới 300 tỷ đồng, thì xác định vùng hỗ trợ cho phù hợp lại trở thành vấn đề quan trọng. Đó là chưa kể tới nguồn lực nào đủ để cho số lượng lớn DN như vậy. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thật sự băn khoăn với cách phân định này: “Ngành may, có DN chỉ có vốn 5 tỷ đồng, nhưng tới 1.000 lao động. Nên chăng phân định khái niệm DNNVV, đặc biệt là quy định về vốn và doanh thu theo ngành để bảo đảm hỗ trợ đến đúng đối tượng”.

Cũng phải nói thêm, xu hướng mới trong công nghệ và thị trường đang tác động rất mạnh tới khái niệm DNNVV. DN càng yếu, nhỏ thì càng cần nhiều lao động do công nghệ cũ, chủ yếu là lao động thủ công. Các DN sử dụng công nghệ mới, có tốc độ phát triển tốt thường có số lao động không nhiều. Luật sư Nguyễn Văn Cường, Trưởng Văn phòng pháp lý Cường cộng sự còn lưu ý đến vấn đề, nếu hỗ trợ nhiều quá, bao bọc quá thì DN chủ quan không phát triển.

Trong khi đó, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI lại không nhìn thấy những đối tượng mà theo ông là cần quan tâm hơn cả – đó là các DN siêu nhỏ, các hộ kinh doanh, trong chính sách này. Vì vậy, ông Đức vẫn giữ quan điểm cần bổ sung hộ kinh doanh cũng là một đối tượng cần hỗ trợ. Về bản chất pháp lý cũng như kinh tế, đây chính là dạng DN siêu nhỏ, nhưng đang rất lửng lơ, cần được hỗ trợ nhất. Thậm chí, nên xem xét bỏ việc hỗ trợ đối với DN vừa, chỉ hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh.

“DN siêu nhỏ hiện gần như không có người đỡ đầu, không tham gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay các hiệp hội DN. Làm sao để họ có thể tiếp cận được các hỗ trợ để lớn lên?” – ông Đức đặt vấn đề.

Hỗ trợ gì?

Một cách thẳng thắn, so với các dự thảo trước đây, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV mới nhất đã xác định khá rõ bảy biện pháp hỗ trợ chung cùng các giới hạn đi kèm. Đó là hỗ trợ về tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực và ba nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết). Nhưng một lần nữa, DN lại không thể tìm thấy câu trả lời sẽ được hỗ trợ thế nào, bao nhiêu trong dự thảo này.

“Dự thảo quy định nội dung hỗ trợ thuế, nhưng lại chỉ ghi nhận chung chung thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN. Như vậy, sẽ không có căn cứ rõ ràng để áp dụng, cần kiến nghị cụ thể là bao nhiêu % hay cơ chế cụ thể ra sao, có cần thủ tục xác nhận là DNNVV để được hưởng mức thuế thấp hay không?” – ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV, Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh phân tích. Thậm chí, ông Tuệ còn lo ngại nếu trường hợp áp dụng mức thuế suất thấp hơn cho 97% các DNNVV sẽ dẫn đến sự phân biệt với 3% các DN còn lại. “Hệ quả 3% DN sẽ tìm cách phân tán nguồn lực thành DNNVV để tận dụng thuế suất thấp” – ông Tuệ nói.

Trong khi đó, nhiều DN cho rằng, họ cần được giải tỏa những rào cản hiện có trong tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, cách thức hỗ trợ cụ thể chứ không thể lại đưa ra những nguyên tắc chung, còn chính sách cụ thể vẫn áp dụng theo các chính sách đã ban hành.

Thậm chí, ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hội DN tỉnh Kiên Giang góp ý: Hỗ trợ thuế theo dự thảo là DN được ưu đãi thuế và trừ vào thuế thu nhập DN thực ra “không có ý nghĩa gì”. Bởi nếu mới thành lập, hoặc thua lỗ thì DN lấy đâu ra tiền đóng thuế, nói gì đến ưu đãi kiểu giảm thuế!? “Nên có những hỗ trợ thiết thực hơn như hỗ trợ kinh phí xử lý xả thải, bảo vệ môi trường” – ông Liêm đề xuất.

Thậm chí, các DN của Hội Xuất khẩu Đồng Nai còn đề nghị, Luật không nên quy định việc xây dựng các quỹ tài chính vì trong bối cảnh hiện nay nhiều loại quỹ hoạt động không hiệu quả. “Việc dự thảo Luật nêu ra việc lập một số quỹ như: Quỹ phát triển DNNVV; Quỹ bảo lãnh tín dụng; Quỹ tương hỗ; Quỹ đầu tư khởi nghiệp thì khi Chính phủ ban hành Nghị định sẽ cần phải quy định thật cụ thể, tính toán, đánh giá năng lực, hiệu quả rõ ràng” – Hội Xuất khẩu Đồng Nai gửi văn bản góp ý Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với VCCI.

Cách thức nào?

Thực tế, các chính sách hỗ trợ DNNVV không phải ít, các quỹ hỗ trợ với những nguồn lực từ ngân sách cũng không nhỏ, nhưng vì sao trên thực tế, DN vẫn than phiền không được hỗ trợ? Câu trả lời theo góc nhìn của DN, là do tư duy của những người đang làm công tác hỗ trợ DN.

“Những người được giao trách nhiệm đi hỗ trợ chưa từng kinh doanh bao giờ thì không hiểu được công việc kinh doanh, việc này cũng giống người không biết hát đi tư vấn và dạy cho người khác hát thì làm sao hát hay cho được” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất khẩu Đồng Nai thẳng thắn cho biết.

Lời giải, theo ông Tuấn, cũng không quá khó. Đó là thay đổi mạnh mẽ hơn nữa cách thức hỗ trợ theo kiểu nhà nước có cái gì thì hỗ trợ cái đó mà phải là DN cần cái gì thì hỗ trợ cái đó.

“Để làm được điều đó thì những người xây dựng, thực hiện chương trình hỗ trợ này phải có sự tham gia nhiều của đại diện các hiệp hội DN và các doanh nhân dày dạn kinh nghiệm (cả trong và ngoài nước), nhất là các chương trình như hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, chương trình hội nhập…” – ông Tuấn đề nghị.

 

TUYẾT ÁNH

——————————–

Nhân dân cuối tuần (Góc nhìn kinh tế) 21-4-2017

http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/32666602-sao-cho-dung-va-trung.html

(169/1.327)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,052