1.290. Có hay không ngân hàng tiếp tay cho nhân viên chiếm đoạt 26 tỷ đồng?

Ngân hàng phủi trách nhiệm?

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (sau đây viết tắt là Công ty Quang Huân – trụ sở ở Củ Chi, TP. HCM) cho biết, cuối tháng 3-2015, công ty của bà mở tài khoản tại Ngân hàng VPBank để thực hiện các giao dịch trong làm ăn, kinh doanh. Số tiền mà các đối tác thanh toán vào tài khoản trên cho Công ty Quang Huân ước tính khoảng 26 tỷ đồng. Khoảng 4 tháng sau khi mở tài khoản, bà Trần Thị Thanh Xuân đến VPBank rút tiền để tái đầu tư thì tá tỏa, 26 tỷ đồng này đã “không cánh mà bay” từ khi nào.

Sau nhiều lần làm theo các thủ tục ngặt nghèo mà theo ngân hàng lý giải là để cho “chặt chẽ”, bà Trần Thị Thanh Xuân mới được tiếp cận bản sao kê các lần thực hiện giao dịch từ số tài khoản của Công ty Quang Huân trong khi công ty này không hề thực hiện việc giao dịch chi tiền từ tài khoản này. Đáng ngạc nhiên hơn, việc ký séc, chi séc diễn ra liên tục từ tài khoản của công ty của bà Xuân. Trong khi đó, bà Xuân cho biết bà chưa lần nào mua séc để thực hiện thanh toán.

1

Ngân hàng VPBank

Sau nhiều lần yêu cầu phía ngân hàng phải minh bạch toàn bộ thông tin có liên quan đến việc thu, chi từ số tài khoản của Công ty Quang Huân, bà Trần Thị Thanh Xuân lặng lẽ điều tra mới phát hiện người mua séc của công ty bà chính là Đoàn Thị Thúy Hằng, nhân viên VPBank và người rút séc là ông Nguyễn Huy Nhựt, chồng bà Hằng, cùng 2 người bạn của vợ chồng này tên là Đỗ Đình Bảo và Phạm Văn Trinh.

“Trong thời gian ngắn, số tiền khách chuyển vào tài khoản của công ty tôi bao nhiêu thì Nhựt, Bảo, Trinh dùng séc (do chính nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng mua) để rút tiền mặt hoặc chuyển vào Công ty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên”-bà Xuân bức xúc cho biết.

Từ khi phát hiện mất trắng 26 tỷ đồng gửi ở tài khoản VPBank đến nay, bà Trần Thị Thanh Xuân đã gửi đơn từ khiếu nại vụ việc tới lãnh đạo ngân hàng cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng 1 năm đã trôi qua mà sự việc vẫn chìm trong yên lặng.

VPBank cho rằng nhân viên mua séc là bà Đoàn Thị Thúy Hằng đã nghỉ việc, hồ sơ đã chuyển cho công an điều tra, chỉ có công an mới có quyền mời nhân viên đó lên làm việc, chứ với nhân viên nghỉ việc thì ngân hàng không có quyền mời.

Nhiều dấu hiệu bất thường cần làm rõ

Bà Trần Thị Thanh Xuân cho biết, khi mở tài khoản tại ngân hàng bà đã đăng ký dịch vụ thông báo giao dịch Mobile banking vào số điện thoại cá nhân bà. Trong sao kê tài khoản cũng thể hiện ngân hàng thu phí Mobile banking đầy đủ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là trong tất cả các giao dịch tại tài khoản của Công ty Quang Huân đều không có một tin nhắn thông báo nào được gửi tới số điện thoại của cá nhân bà.

Bà Xuân cũng đã yêu cầu VPBank làm rõ việc nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng đã đứng tên mua séc của công ty bà và tiếp tay cho các giao dịch đánh cắp tiền từ tài khoản của bà, nhưng không được ngân hàng hợp tác. Quá bức xúc, bà Xuân gửi đơn tố cáo đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. HCM từ tháng 9-2015 nhưng đến nay sự việc vẫn “im thin thít” một cách bất thường.

Làm việc với phóng viên (PV) về vấn đề này, bà Đàm Thanh Hương, Trưởng Nhóm dự án truyền thông VPBank, cho xem bộ hồ sơ đăng ký mở tài khoản có chữ ký ghi tên Trần Thị Thanh Xuân (Giám đốc Công ty Quang Huân) nhưng thật ra chữ ký đó là của Phạm Văn Trinh – một trong số những người tham gia rút tiền.

2

Chữ ký và chữ viết thật của Phạm Văn Trinh tại phòng công chứng trùng với chữ ký mang tên Giám đốc Trần Thị Thanh Xuân trong tờ séc

Trong hồ sơ, tất cả chữ viết đều không phải là chữ viết của bà Xuân. Bà Xuân cho rằng đó là hồ sơ giả do nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng cùng chồng và Phạm Văn Trinh câu kết giả hồ sơ và con dấu công ty của bà. Bà cũng cung cấp các chữ ký và chữ viết trước đây Phạm Văn Trinh ký tại các phòng công chứng, cơ quan thuế để đối chiếu thì đúng đó là chữ ký và chữ viết của Trinh nhưng lại ghi tên giám đốc Trần Thị Thanh Xuân.

Dù phía ngân hàng cho PV xem hồ sơ, nhưng tất cả đều là bản photo, chữ viết kê khai theo các mẫu của ngân hàng không phải của Giám đốc Thanh Xuân (chủ tài khoản). Ngay trong các hợp đồng được ký trực tiếp của Công ty Quang Huân với Giám đốc chi nhánh VPBank cũng được ký chữ ký của Phạm Văn Trinh. PV yêu cầu xem lại camera các ngày giao dịch để làm rõ người ký hợp đồng thì ngân hàng hẹn lại ngày khác.

Bà Xuân cũng yêu cầu ngân hàng cho xem bản chính hồ sơ thì không được ngân hàng cung cấp vì… quy định bảo mật! Trong lúc nóng bỏng, chính chủ tài khoản bị mất tiền muốn xem lại hồ sơ của mình thì ngân hàng gây khó dễ, đòi hỏi phải “làm đơn, đóng dấu” mới giải quyết. “Nếu ngân hàng bảo mật tốt cho khách hàng như thế thì tôi đâu bị mất tiền…”-bác Xuân bức xúc.

Vì sao chưa khởi tố?

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nếu những phản ánh của bà Xuân là đúng sự thật thì trách nhiệm trước hết thuộc về VPBank. Theo LS. Trương Thanh Đức, rất có thể nhân viên VPBank làm séc giả với chữ ký, con dấu khớp với hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp chi tiền, qua đó các đối tượng thực hiện việc chuyển rút tiền. Vì vậy VPBank phải có trách nhiệm giải quyết.

“Nếu đối tượng sử dụng tài liệu giả, chữ ký giả để rút được tiền đương nhiên ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, phải xem xét séc giả khó hay dễ phát hiện để từ đó làm rõ trách nhiệm nhân việc thực hiện giao dịch. Mặt khác, cần phải làm rõ liệu séc có chữ ký hay đóng dấu của giám đốc Công ty Quan Huân hay không”, LS. Trương Thanh Đức cho biết.

3

Có hay không ngân hàng tiếp tay cho nhân viên chiếm đoạt 26 tỷ đồng của khách hàng?

VPBank lấy lý do nhân viên trực tiếp làm việc với khách hàng đã nghỉ việc để thoái thác trách nhiệm vì ngân hàng không đủ thẩm quyền để gọi nhân viên lên đối chứng. Theo Luật sư Đức, đây là lý do vô nghĩa. “Khi xảy ra vụ việc, nhân viên trên đang làm việc tại ngân hàng này, ngân hàng đương nhiên phải chịu trách nhiệm, đứng ra giải quyết”-Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Cũng theo Luật sư Đức, hiện nay vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra nên VPBank phải có nhiệm vụ phối hợp, cung cấp toàn bộ thông tin vụ việc để nhanh chóng làm rõ nguyên nhân. Bên cạnh lỗi ngân hàng, cũng không thể không có lỗi của cơ quan điều tra vì sự việc đã được người bị hại tố cáo cả năm nay nhưng vì sao không khỏi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Trong khi đó, chiều 24-8, ông Nguyễn Thành Long – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã lên tiếng: “VPBank khẳng định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để làm sáng tỏ”.

LÂM VIÊN

Ảnh: SGGP, VPBank

——————

Tiếp thị Gia đình (Tin mới) 25-8-2016:

Có hay không ngân hàng tiếp tay cho nhân viên chiếm đoạt 26 tỷ đồng? (tiepthigiadinh.vn)

(185/1.533)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,023