1.291. Chung cư bàn giao ồ ạt, tranh chấp là điều dễ hiểu

(DĐDN) – Đây là thông tin được ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) đưa ra tại tọa đàm “Bùng nổ tranh chấp, dân chung cư phải làm gì?” do Báo Trí thức trẻ tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Chưa đầy 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã có hơn chục vụ tranh chấp lớn nhỏ

Theo ông Hiệp, chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã có hơn chục vụ tranh chấp lớn nhỏ giữa cư dân và chủ đầu tư. Trong đó, đa phần tập trung ở những dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng như Home City (177 Trung Kính, Cầu Giấy), CT1 Trung Văn (Cương Kiên, Nam Từ Liêm), Gamuda Gardens (Tam Trinh, Hoàng Mai), Hồ Gươm Plaza (Mộ Lao, Hà Đông)…

Xem xét trách nhiệm hai bên

Ông Hiệp cho rằng, các vụ tranh chấp ngày càng gay gắt trên thị trường cũng là điều dễ hiểu bởi hiện nay có hàng trăm tòa chung cư đi vào bàn giao ồ ạt, trong khi đó luật của chúng ta hiện nay còn nhiều thiếu sót, chưa thực sự chi tiết và bám sát các vấn đề tồn tại. Chính vì vậy gây ra tình trạng tranh cãi của cư dân và chủ đầu tư.

“Hiện nay, các vụ tranh chấp cư dân xảy ra hầu hết cư dân chỉ để ý đến quyền lợi mà chưa để xem xét hết những trách nhiệm của mình. Chủ đầu tư cũng cần xem xét trách nhiệm của mình đối với cư dân và cần thực hiện cam kết một cách chặt chẽ” – ông Hiệp cho biết.

Ông Hiệp cũng không phủ nhận sự ảnh hưởng của những vấn đề tranh chấp chung cư đến giá trị căn hộ sau khi bàn giao. Theo đó, người mua nhà cũng ngần ngại mua những dự án đang có tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Tuy nhiên sự ảnh hưởng này cũng là ít, không phải cứ có tranh chấp là dự án giảm giá. Giá trị căn hộ còn phụ thuộc vào vị trí, chất lượng xây dựng nhà ở.

“Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết ở các tòa chung cư, cư dân vẫn rất quyết liệt trong việc đấu tranh đòi quyền lợi, cũng không vì sợ dự án giảm giá mà giảm đi phần đấu tranh đòi quyền lợi. Các vụ tranh chấp gay gắt thường bởi chủ đầu tư và cư dân không thể thương lượng được và không thể tìm được tiếng nói chung. Trong những trường hợp này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng” – ông Hiệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Bích Sơn – Giám đốc khối phát triển kinh doanh Công ty CP Khai thác & Quản lý tòa nhà PMC cho rằng, khi chọn mua chung cư, khách hàng mới chỉ chú ý tới riêng căn hộ, chứ chưa chú ý tới cả môi trường sống.

Khi chủ đầu tư bắt đầu một dự án thì chưa xác định nhắm đến đối tượng khách hàng nào, mua để ở hay mua để làm văn phòng, có nhiều đối tượng mua với nhiều mục đích khác nhau, dẫn đến sự đa dạng. Chính sự đa dạng này tạo nên những tranh chấp. “Đó mới chỉ là chung cư nhà ở, còn có cả những tổ hợp chung cư bao gồm nhà ở, trung tâm thương mại, thì độ phức tạp còn cao hơn nhiều” – ông Sơn nhấn mạnh.

Mâu thuẫn là sẽ “thua” và “thiệt”

Để tìm tiếng nói chung, ông Sơn dẫn chứng cách giải quyết tranh chấp ở một số quốc gia như: Ở Hong Kong, mỗi căn hộ hoạt động như 1 công ty với các chức năng để tham gia như 1 hội đồng, có các tổ chức hỗ trợ về chuyên môn, công bố thông tin trên ủy ban và cần thông tin gì thì giải pháp cho tất cả các bên là công khai, minh bạch. Với cơ quan quản lý thì vai trò là công tâm để giảm thiểu khác biệt.

Ở khía cạnh luật sư, ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng nếu chủ đầu tư làm ăn lâu dài, uy tín thì không có lý do gì làm khó cư dân chẳng qua hiện nay chủ đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp, thiếu uy tín chính vì vậy có thể giá rất rẻ, đã xây dựng xong nhưng vẫn không bán được hàng.

Còn những chủ đầu tư kiếm tiền chuyên nghiệp cần chú trọng chất lượng phục vụ từ việc cam kết đến thực hiện. Sau đó những dự án tiếp theo người dân truyền tai nhau để mua.

“Không có gì ràng buộc khi xảy ra tranh chấp, người dân thường chỉ gây sức ép bằng báo chí, căng băng rôn khẩu hiệu làm chủ đầu tư sốt ruột, đẩy nhanh tiến độ. Có cư dân còn dọa kiện chủ đầu tư đi tù, cầm tiền mà xây chưa đâu vào đâu nhưng cơ quan công an không khởi tố. Trường hợp này tốt nhất nên đề nghị thanh lý, tự bán cắt lỗ được đồng nào hay đồng ấy”.

Ông Đức cũng chia sẻ, vấn đề bán nhà được cả chủ đầu tư và cư dân đều quan tâm, có thể bên này là lợi thế, bên kia là yếu thế.

Trường hợp 1: Nếu chủ đầu tư chưa bán hết căn hộ, cư dân hoàn toàn có thể cân nhắc đặt thẳng vấn đề với chủ đầu tư, mặc cả với nhau, ai mất nhiều, ai mất ít, chẳng hạn bỏ ra vài tỷ bảo trì để bán ra có lợi hơn.

Trường hợp 2: Là trường hợp bất lợi cho cư dân khi dự án bán hết rồi, hoặc còn vài căn, cư dân cần đấu tranh hết sức cân nhắc. Càng mâu thuẫn lớn, giá có thể xuống, môi trường ảnh hưởng.

“Nói chung, một khi đã có mâu thuẫn thì sẽ có chuyện thiệt hại và chấp nhận thua thiệt. Do vậy đã đến lúc Luật Nhà ở cần xem xét, bảo vệ người dân từ quá trình mua đến lúc ở” – ông Đức nhấn mạnh.

Linh Nhi

—————————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Thị trường) 26-4-2017:

http://batdongsan.enternews.vn/thi-truong/chung-cu-ban-giao-o-at-tranh-chap-la-dieu-de-hieu-20170426100615.html

(364/1.092)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,798