(ĐĐK) – Thời gian gần đây, những căng thẳng giữa người dân ở các khu chung cư và chủ đầu tư ngày càng gay gắt. Những tranh chấp về đường đi, phí dịch vụ, phí bảo trì… cứ chồng chất từ năm này qua năm khác.
Theo giới chuyên gia, các vụ tranh chấp gay gắt thường bởi chủ đầu tư và cư dân không thể thương lượng và không tìm được tiếng nói chung.
Một số hộ nhân ở khu chung cư Hồ Gươm Plaza phản đối chủ đầu tư cắt nước và xây dựng căn hộ mini trái phép.
Mâu thuẫn kéo dài
Dư luận những ngày qua nóng lên bởi tranh chấp giữa cư dân tại chung cư Home City (Cầu Giấy – Hà Nội) với chủ đầu tư chỉ vì sự nhập nhằng giữa địa chỉ một đằng, lối đi một nẻo.
Theo phản ánh của người dân ở khu chung cư này, hợp đồng ký với chủ đầu tư có địa chỉ 177 Trung Kính, song thực tế, lại không phải là địa chỉ đó, mà lối đi lại là một con đường… không tên.
Quá bức xúc vì thực tế không đúng với hợp đồng ký kết, hàng trăm cư dân mua căn hộ tại dự án này đã tập trung phản đối chủ đầu tư bịt lối đi cổng chính tại địa chỉ 177 Trung Kính.
Không bức xúc về đường đi, lối ở, song các cư dân ở tòa nhà CT1 Pride (tọa lạc trên đường Lê Văn Lương kéo dài) do DN Hải Phát làm chủ đầu tư rất bức xúc khi trao đổi với phóng viên về những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và các cư dân ở đây. Anh Nguyễn Văn T., người dân ở khu nhà này cho biết, cư dân ở tòa nhà CT1 đang làm đơn kiện vì nhiều hình ảnh cá nhân của họ bị tung lên mạng xã hội và phải nhận những lời lẽ bình luận chỉ trích vô cùng khiếm nhã.
Anh T. cho biết, tại tòa nhà CT1 được thiết kế mỗi tầng có khoảng 3 camera, vậy nên các hình ảnh sinh hoạt của cư dân ở các tầng đều được ghi lại. Vậy nhưng, những hình ảnh xấu nhất của cư dân ở đây đã bị cắt ra từ các camera ghi lại rồi tung lên mạng xã hội.
Theo anh T., những hình ảnh ghi lại trong camera của tòa nhà chỉ được sử dụng khi có sự vụ nào đó và các cơ quan chức năng vào điều tra, do đó chỉ có 3 đối tượng được lấy hình ảnh, một là chủ đầu tư, hai là cơ quan pháp luật và thứ ba là chủ hộ có liên quan đến sự việc đó.
“Song, không hiểu sao, những hình ảnh cư dân tại tòa nhà lại bị tung lên mạng một cách thiếu tôn trọng với mục đích bôi nhọ các cư dân ở đây. Như vậy là phạm pháp và chúng tôi đang làm đơn kiện”- anh T. cho hay.
Tại nhiều dự án khác, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân về phí bảo trì chung cư, phí dịch vụ, chất lượng căn hộ… cũng kéo dài năm này qua năm khác, cho thấy những căng thẳng trong mối quan hệ giữa chủ đầu tư các dự án bất động sản và một số người dân mua nhà tại các dự án đó ngày càng trở nên gay gắt.
Điểm lại, chỉ trong khoảng chưa đầy 3 tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản đã có hơn chục vụ tranh chấp lớn nhỏ giữa cư dân và các chủ đầu tư tại các khu chung cư.
Trong đó, phần lớn là các dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng như Home City (177 Trung Kính), CT 1 Trung Văn (Nam Từ Liêm), Przide (Lê Văn Lương kéo dài), Hồ Gươm Plaza (Hà Đông)…
Thiếu chuyên nghiệp
Những mâu thuẫn nói trên chủ yếu do người mua nhà và chủ đầu tư mất lòng tin vào nhau, do sự thiếu minh bạch trong quản lý và thậm chí, do cả suy nghĩ, cách sống của bản thân mỗi người dân tại khu chung cư.
Nêu lên lý do vì sao các cuộc tranh chấp chung cư xảy ra ngày một nhiều và có chiều hướng ngày càng phức tạp, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HIệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) cho rằng, đó cũng là điều dễ hiểu bởi đang ở thời kỳ qua độ, hàng trăm tòa nhà chung cư được mọc lên và được bàn giao ồ ạt, trong khi đó Luật của chúng ta hiện vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa thực sự chi tiết cụ thể và bám sát những vấn đề tồn tại.
Do đó đã gây nên hàng loạt mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Theo ông Hiệp, khi mâu thuẫn xảy ra, hầu hết người dân chỉ để ý đến quyền lợi mà chưa xem xét đến trách nhiệm của mình, trong khi chủ đầu tư cũng vậy, không nhìn rõ trách nhiệm đối với cư dân và thực hiện đúng các cam kết… do đó căng thẳng càng trở nên kéo dài.
“Các vụ tranh chấp gay gắt thường bởi chủ đầu tư và cư dân không thể thương lượng, không tìm được tiếng nói chung nên không đi được đến hồi kết. Trong những trường hợp như vậy, rất cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng”- ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, các vụ tranh chấp chung cư mặc dù tình tiết không giống nhau nhưng đều có điểm chung là thiếu sự minh bạch của bên bán, còn bên mua cũng chủ quan khi không xem xét kỹ các hợp đồng.
Chủ đầu tư muốn bán hàng thường không cung cấp những thông tin bất lợi của dự án, ngược lại, khách hàng muốn mua sớm để nhận được giá rẻ, ưu đãi lớn… nên không sát sao khi xem xét hợp đồng, đó còn chưa kể có trường hợp khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra đóng trước khi đặt bút ký hợp đồng.
Do vậy, lời khuyên của giới luật gia là, người mua nhà cần rất cẩn trọng trước khi bỏ tiền một món tiền lớn để mua một căn hộ, vì khi có sự cố xảy ra, chỉ có người mua là chịu thiệt.
Tuy nhiên, ở khía cạnh văn hóa kinh doanh, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, người dân hầu hết chỉ muốn mua được một căn hộ để an cư, họ không có đòi hỏi gì quá đáng.
Nếu chủ đầu tư có ý định làm ăn lâu dài, uy tín thì không có lý do gì làm khó cư dân. Song, hiện nay, các chủ đầu tư vẫn chưa chuyên nghiệp, vẫn chủ yếu chỉ nhìn lợi nhuận trước mắt nên có thể dự án giá rất rẻ, đã xây dựng xong nhưng vẫn không bán được hàng.
“Những người kiếm tiền chuyên nghiệp cần chú trọng chất lượng phục vụ từ cam kết đến thực hiện. Như vậy, những dự án tiếp sau người dân sẽ truyền tai nhau để mua chứ khỏi cần quảng cáo” – Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Minh Phương
———————————-
Đại đoàn kiết (Xã hội) 27-4-2017:
http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/tranh-chap-chung-cu-go-roi-van-roi-364420
(155/1.271)