(SGGP) – Không ngoài dự kiến của những người trong cuộc, hội nghị đề xuất ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu (được tổ chức ngày 9-5 tại Hà Nội) đã rất “nóng”.
Một trường hợp ngộ độc rượu đang được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai
Theo một số ý kiến tại hội thảo, nếu như ma túy và thuốc lá thực sự có hại đến sức khỏe, thì với rượu bia, không hoàn toàn như vậy. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét, bia, rượu ngoài tính chất độc hại, thì còn là thực phẩm, còn là một loại thức uống bổ dưỡng, nhất là rượu vang, rượu hoa quả, nếu uống chừng mực là có lợi.
Do đó, để chuẩn xác, tên gọi của luật cần thể hiện ý “phòng, chống lạm dụng bia rượu”. Và ngay cả trong trường hợp bia, rượu có hại, cần rà soát, đối chiếu với rất nhiều quy định hiện hành quản lý trực tiếp, gián tiếp việc kinh doanh và sử dụng rượu bia để đảm bảo sự thống nhất của pháp luật, không trùng lắp và mâu thuẫn. Theo Bộ Y tế, hiện có 85 văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này, như Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn năm 2006; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014 và 2016); Luật An toàn thực phẩm năm 2012; Luật Quảng cáo năm 2012; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật Đầu tư năm 2014… Bên cạnh các luật, còn có khoảng trên dưới chục loại “hàng rào” khác, từ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép cho đến quy hoạch sản xuất (đối với rượu), quy chuẩn kỹ thuật…
Đáng lưu ý, cũng như với nhiều luật khác, đề xuất lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng, với mục tiêu tạo nguồn lực cho phòng, chống tác hại do lạm dụng bia, rượu là nội dung nhận được nhiều ý kiến tranh luận hơn cả. Theo đa số ý kiến tại hội thảo, cần có nguồn tài chính đủ lớn và ổn định cho mục tiêu phòng, chống tác hại của việc lạm dụng bia, rượu, nhưng phải là từ nguồn thu thuế, thu ngân sách, thu và từ tài trợ, đóng góp tự nguyện. Thuế tiêu thụ đặc biệt 30% – 65% đánh vào rượu bia chính là để phục vụ cho việc hạn chế tác hại của rượu bia, nâng cao sức khỏe của cộng đồng. Nhìn rộng hơn, “quỹ” dường như luôn là một từ khóa khiến cho các nhà làm luật phải thận trọng. Điều hành các phiên họp về xây dựng chính sách pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhiều lần nói thẳng, có một tình trạng chung là luật nào cũng tìm cách “đẻ” ra một vài loại quỹ. Theo ông, cứ như thế thì Luật Ngân sách Nhà nước và các luật về tài chính sẽ mất “thiêng”, hơn nữa sẽ tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực. Ngoại trừ một số quỹ được coi là có cơ sở pháp luật vững chắc, có “triết lý” thành lập rõ ràng như quỹ phòng chống thiên tai, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ xã hội, quỹ từ thiện…, thì việc cho ra đời thêm một loại quỹ cần được cân nhắc rất kỹ.
Tất nhiên, việc những quy định về sản xuất, lưu hành và sử dụng rượu bia đã được nghiêm túc tuân thủ hay chưa lại là vấn đề khác. Yêu cầu siết chặt việc kiểm soát tuân thủ pháp luật và có chế tài nghiêm minh đối với mọi hành vi vi phạm là không cần phải bàn cãi, và có lẽ – trong nhiều trường hợp – còn quan trọng hơn cả yêu cầu “có luật”. Bởi có luật mà không tuân thủ thì luật cũng không có ý nghĩa gì.
ANH THƯ
———–
Sài Gòn Giải phóng (Xã hội) 10-5-2017:
http://www.sggp.org.vn/phong-chong-lam-dung-bia-ruou-443953.html
(251/630)