(TNN) – Đó là ý kiến được đại diện các DN SXKD rượu, bia và chuyên gia pháp lý đưa ra tại tọa đàm do Hiệp hội bia, rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội.
DN sẽ bị “đội” chi phí
Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia dự kiến được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vào năm 2018. Tuy nhiên, theo VBA, đến thời điểm này, các đề xuất trong dự thảo không tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn, mà chỉ tập trung các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và nhu cầu sử dụng rượu bia.
Đặc biệt, việc dự thảo luật yêu cầu các DN phải đóng góp từ 1-2% trên giá tính thuế TTĐB vào quỹ phòng chống tác hại rượu bia là rất vô lý. Ông Vũ Văn Việt- Chủ tịch VBA phân tích, sản xuất rượu bia là ngành công nghiệp hiện đại có nhiều đóng góp cho kinh tế, không chỉ tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động mà hàng năm còn đóng góp khoảng 2,5-3% tổng thu NSNN. Riêng năm 2016, các DN SXKD rượu, bia đã nộp NSNN tới 48.000 tỷ đồng.
Hiện, các DN SXKD nhập khẩu rượu bia đang phải chịu thuế TTĐB với thuế suất 60% và sẽ tăng lên 65% từ 1/1/2018. Nếu việc xây dựng quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng(trên cơ sở hợp nhất với quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá)bằng việc bắt DN phải đóng góp 1-2%, tương đương khoảng 500 tỷ đồng/năm trên giá tính thuế TTĐB sẽ gây khó khăn, làm đội chi phí của DN, đi ngược lại với mục tiêu của chiến lược cải cách thuế.
Mặt khác, theo tính toán, với việc hợp nhất với quỹ phòng chống thuốc lá thì ngay từ đầu năm Luật có hiệu lực, tổng nguồn thu cho quỹ đã trên 1.000 tỷ đồng là rất lớn, từ đó lại phát sinh chi phí, thời gian, bộ máy quản lý.Trong khi đó, thực tế thì nhiều quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá gần như chưa đi vào cuộc sống, còn quỹ phòng chống tác hại thuốc lá phân bổ về địa phương hiệu quả còn hạn chế. Do đó, đề xuất xây dựng quỹ cần phải được đánh giá thận trọng.
Nên kiểm soát bằng tiêu chuẩn
Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI nêu quan điểm, rượu bia có hai mặt lợi và hại, do vậy, nếu ban hành Luật phòng chống tác hại rượu, biachẳng khác gì coi rượu, bia là sản phẩm độc hại. Ngoài 85 văn bản liên quan tới quản lý rượu, bia, đây cũng là lĩnh vực kinh doanh có nhiều quy định nhất hiện nay. Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, Luật an toàn thực phẩm, Luật quảng cáo, Luật đầu tư, Luật hình sự… đều có chế tài đối với sản phẩm này. Ngoài ra, để kinh doanh bia, rượu DN cũng phải chịu hàng chục các loại giấy phép từ sản xuất, tiêu chuẩn quy chuẩn, dán tem, quảng cáo, mới đây Bộ Y tế còn đề xuất cấm bán trong quán karaoke, gây nên nhiều khó khăn, rào cản cho SXKD.
Dưới góc độ y tế, bà Phan Thị Kim – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đặt câu hỏi, nếu rượu, bia chỉ có hại thì sao lại tồn tại tới ngày nay. Do đó, bà đề xuất, nên dùng tên là Luật Kiểm soát rượu bia và đồ uống có cồn thay cho tên dự thảo là phòng chống tác hại của rượu bia. Theo bà Kim, để kiểm soát việc lạm dụng rượu bia thì cần đưa ra giới hạn sử dụng tối đa bao nhiêu. Đơn cử như tại Australia quy định mỗi người chỉ sử dụng 2-4 cốc bia/ngày, Nhật Bản cũng 2-4, Hà Lan khoảng 4 cốc bia; Newzelan, 4-6, Thủy Điển 4, Mỹ đối với nữ 3 cốc, nam 4 cốc bia/ngày. Ngoài ra, nên kiểm soát rượu bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, không nên tăng thuế mãi vì cách làm này sẽ tiếp tay cho rượu, bia lậu xâm nhập vào Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất cho rằng nếu cần thiết phải có quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng, thì nên cho xây dựng một dự án luật quy định riêng vì có rất nhiều hoạt động khác liên quan đến sức khỏe cộng đồng như môi trường, giao thông chứ không riêng gì bia, rượu.
Bài, ảnh: Quỳnh Hương
———–
Thuế Nhà nước (DN –Thị trường) 10-5-2017:
http://www.tapchithue.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/11500.html
(146/817)