(VNN) – Khi bị khống chế tổng chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế không vượt quá 20%, DN có thể lâm cảnh “đói vốn”, dự án đình trệ. Trong khi đó, ngân hàng vốn đang chịu nhiều khó khăn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do nhu cầu của DN có thể hạn chế.
Lãi vay “trói tay” DN
Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (NĐ 20) quy định về Quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết ra đời nhằm thay thế quy định hiện hành về giá giao dịch liên kết (Thông tư 66/2010/TT-BTC), từ đó xác lập các quy định đầy đủ hơn về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết tại Việt Nam…
Nghị định 20 muốn ngăn ngừa tình trạng DN lỗ giả lãi thật |
Nhiều chuyên gia kiểm toán nhận định Nghị định 20 đánh dấu mốc phát triển quan trọng nhất trong hệ thống quy định pháp luật về giá giao dịch liên kết tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thuế mang tính nhất quán đối với khung chính sách thuế toàn cầu về tính minh bạch và nỗ lực chống né thuế, chống chuyển giá.
Song, một số DN cũng đề nghị cân nhắc thêm quy định tại khoản 3 điều 8 của NĐ 20. Đó là việc khống chế tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao). Có nghĩa, DN A hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con có lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí là 100 đồng, thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Nếu vượt quá mức này thì chi phí lãi vay đó không được tính là chi phí hợp lệ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Một điều cần lưu ý, Nghị định 20 không nói rõ chi phí lãi vay trên đây chỉ áp dụng với giao dịch vay liên kết nên sẽ tính dựa trên chi phí lãi vay của tất cả các khoản vay.
Giải thích việc đưa ra mức khống chế chi phí lãi vay này, đại diện của Tổng cục Thuế cho rằng: Có tình trạng công ty mẹ ở nước ngoài, cho công ty con ở Việt Nam vay một khoản vốn rất lớn, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, và đơn vị tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc lỗ nhiều năm và lỗ lớn, không nộp thuế cho ngân sách nhà nước.
Như vậy, có thể thấy, mục tiêu chính đáng của quy định này là “bịt” lỗ hổng khiến DN nước ngoài chuyển giá, gây thất thu thuế cho ngân sách. Thế nhưng, thực tế quy định này lại khiến các DN có giao dịch liên kết trong nước bị “vạ lây” theo, nhất là các DN có giao dịch liên kết kiểu công ty mẹ cho công ty con vay.
Nhiều tính toán cho thấy, nếu “khống chế” chi phí lãi vay được trừ chỉ 20%, nhiều DN sẽ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.
Đánh giá tác động của việc khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ này, đại diện một DN lớn thừa nhận rằng: Các DN sẽ phải cân nhắc việc đi vay vốn, bởi DN Việt vẫn chủ yếu dùng vốn vay để làm đòn bẩy kích thích do có chi phí rẻ hơn huy động từ các cổ đông. Nếu chi phí lãi vay bị khống chế, DN bị hạn chế về quy mô phát triển khi mà bất kì DN nào cũng cần vốn tự có lẫn vốn đi vay để đầu tư cho tương lai.
“Khi DN hạn chế mở rộng vốn thì ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo vì ngân hàng hoạt động dựa trên cho vay. Lợi nhuận thu được của DN làm ra không thể đủ bù đắp cho chi phí lãi vay không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN”, đại diện DN này lo ngại, “DN nước ngoài có nhiều nguồn để huy động vốn như ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư… Nhưng DN Việt lại trông chờ vào ngân hàng là chính. Nếu làm thế này thì rõ ràng bó toàn thân DN, không thể phát triển được”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho rằng, việc đưa ra quy định lãi vay không vượt ngưỡng 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý. Bởi theo quy định, các DN đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ. Đặc biệt, trong khi DN nước ngoài thường chỉ sử dụng nguồn vốn vay với tỷ lệ nhỏ bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu thì ngược lại, hầu hết DN trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn, đến 70 – 80%. Thậm chí nếu có dự án khả thi với khả năng sinh lời cao thì ngân hàng có thể cho vay lên đến gần 100% cũng là bình thường.
“Vì vậy, quy định này sẽ khiến DN mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất”, ông Đức băn khoăn.
Nên áp dụng linh hoạt hơn
Nội dung “khống chế chi phí lãi vay” của Nghị định 20 được xây dựng đã tiệm cận gần hơn hướng dẫn của OECD và các chương trình hành động BEPS (chống xói mòn nguồn thu) tuy nhiên so với OECD thì vẫn chưa đưa hết các điều kiện cần và đủ khi khống chế chi phí lãi vay.
Liên quan đến chi phí lãi vay này, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Việt Nam nên học tập thêm kinh nghiệm của OECD, áp dụng theo hướng “mở” hơn.
Cụ thể, OECD đưa ra các quy định khác biệt như cho phép tính trên chi phí lãi vay ròng (phần chi phí lãi vay vượt thu nhập lãi vay); cho phép DN chuyển sang kỳ sau chi phí lãi vay bị loại vì vượt quá mức khống chế.
Đặc biệt OECD áp dụng thêm 1 tỷ lệ biến động bên cạnh tỷ lệ cố định 20%. Cụ thể: Nếu tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba/lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trên báo cáo hợp nhất của toàn tập đoàn lớn hơn 20% thì cho phép áp dụng tỷ lệ này cho từng công ty thành viên trong tập đoàn.
Trường hợp tập đoàn có công ty thành viên có EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) âm hoặc thậm chí EBITDA của toàn tập đoàn âm thì công ty thành viên vẫn sẽ được khấu trừ toàn bộ chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ nếu tổng chi phí lãi vay được khấu trừ của tập đoàn không vượt quá tổng chi phí lãi vay của tập đoàn từ bên thứ ba trong kỳ. Các công ty có EBITDA dương vẫn áp dụng quy định khống chế 20% hoặc tỷ lệ chi phí lãi vay bên thứ ba/lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao nếu tỷ lệ này lớn hơn 20%.
Ngoài ra, hành động BEPS khuyến nghị các nước cần cho phép DN đủ thời gian sắp xếp lại nguồn vốn này.
Do đó, nhiều DN hy vọng rằng, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 20 sẽ được xây dựng theo hướng cởi mở hơn để tạo điều kiện cho DN phát triển.
Hoài Nam
———–
Vietnamnet (Tài chính) 10-5-2017:
(160/1.359)