(TT) – Mặc dù sự việc đã diễn ra gần một năm nhưng đến nay, vụ việc “bốc hơi” tiền tỷ tại VPBank vẫn chưa ngã ngũ.
Bà Tr§n ThË Thanh Xuân (giám Ñc Công ty TNHH §u t° và phát triÃn Quang Huân), khách hàng cça VPBank vëa qua cho r±ng ã bË m¥t 26 tÉ Óng trong tài kho£n ¢nh: NgÍc D°¡ng
Bà Trần Thị Thanh Xuân – Giám đốc Công ty Quang Huân (trụ sở ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) tố Ngân hàng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã để số tiền trong tài khoản của bà bị “bốc hơi” là 26 tỷ đồng nhưng phía VPBank lại khẳng định: chỉ có 11,3 tỷ đồng.
Hồ sơ bị kêu giả mạo, ngân hàng nói làm đúng quy trình
Theo đơn tố cáo của bà Xuân gửi Hội sở VPBank vào tháng 10/2015, bà Xuân chỉ đạo nhân viên Công ty Quang Huân (ông Phạm Văn Trinh – kế toán) tới VPBank để làm rõ thông tin số dư tài khoản của công ty do bà sở hữu nhưng ông Trinh viện mọi lý do để kéo dài thời gian. Cảm thấy sự việc không ổn nên vào 10 giờ ngày 14/9/2015, bà Xuân đến Phòng giao dịch VPBank tại Tân Phú để kiểm tra thì phát hiện, số dư tài khoản chỉ còn hơn 300.000 đồng. Trong đơn tố cáo, bà Xuân viết: “Tôi thực sự quá bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi phát hiện ra toàn bộ giấy tờ, chữ ký đều là giả mạo do Giám đốc chi nhánh
VPBank Tân Phú (ông Nguyễn Chí Thiện) ký với nhân viên tôi, giả danh họ tên cùng thông tin cá nhân của tôi để rút tiền. Bước đầu xác minh số tiền mà ngân hàng đã để rút đi là 11,3 tỷ đồng”.
Trả lời về nghi vấn hồ sơ bị giả mạo, Phó Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Thành Long cho biết: Hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân được cán bộ quan hệ khách hàng VPBank tiếp nhận từ ông Phạm Văn Trinh – do bà Xuân giới thiệu. Sau khi xem xét, hồ sơ được chuyển cho giao dịch viên và kiểm soát viên kiểm tra, đăng ký mở tài khoản theo quy trình. “Việc mở tài khoản cho Công ty Quang Huân trên cơ sở hồ sơ mở tài khoản đã được hoàn thiện, ký đóng dấu đầy đủ bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân gửi tới VPBank được thực hiện theo đúng qui định tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN. VPBank đã tiếp nhận và ghi nhận về mẫu chữ ký, mẫu dấu của công ty phục vụ việc giao dịch, sử dụng tài khoản”, ông Nguyễn Thành Long khẳng định.
Sau khi số tiền tỷ bị “bốc hơi”, bà Xuân cho rằng, đã đề nghị ông Nguyễn Chí Thiện đem toàn bộ hồ sơ đăng ký chữ ký biểu mẫu ban đầu do chính bà ký ra để đối chứng nhưng ngân hàng trả lời không tìm thấy. Sau khi bà Xuân yêu cầu họp nội bộ công ty thì ông Phạm Văn Trinh đã thừa nhận toàn bộ sự việc giả mạo giấy tờ có sự giúp đỡ từ phía ngân hàng để rút tiền sai trái.
Hiện phía tố cáo là bà Trần Thị Thanh Xuân và người bị tố cáo là ông Phạm Văn Trinh cũng như ngân hàng chưa có cuộc đối chất trực tiếp ba bên. Lý do được VPBank nêu là bà Xuân chưa hợp tác. Tuy nhiên, theo biên bản làm việc giữa ông Trinh và ngân hàng vào tháng 11/2015, nay đã được gửi lên cơ quan điều tra, ông Trinh thừa nhận, chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank là của mình, do bà Trần Thị Thanh Xuân “nhờ ký thay cho tiện”. Theo lời ông Trinh, tất cả lần rút tiền đều theo chỉ đạo của bà Xuân và ông đã giao tiền cho bà này dưới sự chứng kiến của người khác. Dù nhận chữ ký khi mở tài khoản, cũng như trong các lần rút tiền (qua séc) tại VPBank là của mình nhưng ông Trinh khẳng định: Người giữ dấu của Công ty Quang Huân là bà Xuân.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, lãnh đạo VPBank khẳng định: Tài khoản của Công ty Quang Huân đã được thực hiện giao dịch, chuyển, rút tiền bởi các Lệnh thanh toán hợp pháp (chuyển khoản, rút séc..) của chủ tài khoản là Công ty Quang Huân. Các giao dịch rút séc đề cập trong đơn tố cáo đều được thực hiện tại các chi nhánh khác của VPBank chứ không phải tại VPBank Tân Phú – nơi mở tài khoản như đơn tố cáo.
Tranh cãi về tin nhắn thông báo số dư
Một lý do khiến cả thời gian dài bà Xuân không phát hiện được sự biến động số dư của tài khoản vì cho rằng, số điện thoại của bà là 097XXX993 không nhận được tin nhắn SMS của ngân hàng thông báo biến động số dư tài khoản của Công ty Quang Huân và bà Xuân không biết số tài khoản 79094188 tại VPBank.
Thế nhưng phía VPBank cho rằng: Theo hồ sơ lưu trữ tại VPBank thì tại Đơn Đăng ký mở tài khoản ngày 28/3/2015 của Công ty Quang Huân đã đăng ký số điện thoại 097XXX9993 để nhận tin nhắn biến động số dư tài khoản. Đây chính là số điện thoại bà Xuân sử dụng và VPBank đã gọi điện xác minh khi nhận được Đơn tố cáo của bà Xuân. Hệ thống lưu trữ của VPBank có ghi lại toàn bộ các giao dịch tài khoản đều được gửi SMS tới số điện thoại 097XXX9993 đã đăng ký của Công ty Quang Huân, là số điện thoại được sử dụng bởi bà Xuân. Tại buổi làm việc với VPBank ngày 30/10/2015, bà Xuân thừa nhận bắt đầu nhận được tin nhắn SMS thông báo số dư từ ngày 6/8/2015.
“Trong suốt thời gian dài, tài khoản của Công ty Quang Huân có rất nhiều giao dịch cụ thể như: Công ty TNHH MTV XNK Rice thanh toán tiền hàng cho Công ty Quang Huân; Quang Huân thanh toán thanh toán tiền hàng cho Công ty Thanh Tâm… Trong số rất nhiều giao dịch kể trên thì có thể thấy thực tế hiển nhiên là Công ty Quang Huân đã thông báo số tài khoản 79094188 tại VPBank cho đối tác để thanh toán, nên không thể nói là không biết để giao dịch”, lãnh đạo VPBank lý giải.
Đề cập tới quy trình giao dịch tiền, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng: Theo quy định, cá nhân đến gửi tiết kiệm tại ngân hàng bắt buộc phải tới lần đầu tiên, sau đó có thể ủy quyền hoặc thông qua hình thức khác. Đối với giao dịch tài khoản hoặc doanh nghiệp, không bắt buộc người đại diện, trực tiếp ký mở tài khoản phải đến trực tiếp ngân hàng mà có thể ký và đóng dấu tại nhà, sau đó cử nhân viên đến giao dịch (phải có giấy ủy quyền, giới thiệu). Từ đó, ngân hàng căn cứ mẫu hồ sơ, chữ ký đã đăng ký sẵn thì đương nhiên cho rút, gửi tiền.
“Bước đầu theo dõi vụ việc cho thấy, phía khách hàng có những phân công, giao việc cũng như thủ tục chữ ký không bình thường. Còn ngân hàng thì tiếp nhận hồ sơ không thật sự đúng chữ ký của người đại diện pháp luật, chủ tài khoản. Rất có thể hồ sơ ban đầu sai lệch nên lúc giao dịch có thể xảy ra sai sót mà hai bên không thừa nhận. Tình huống thứ hai có thể xảy ra, mặc dù mẫu chữ ký đúng nhưng thực sự không phải do chủ tài khoản, do người thẩm quyền ký ra thì ngân hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, luật sư Đức nói.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang xem xét, xác minh, làm rõ các nội dung có liên quan đến vụ việc này. Phía VPBank đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu, chứng từ gốc để cơ quan điều tra kiểm tra, giám định. Không chỉ các bên liên quan mà dư luận cũng đang rất chờ kết luận, làm sáng tỏ vụ việc, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), phản ánh của VPBank và khách hàng Trần Thị Thanh Xuân hiện chưa đủ cơ sở kết luận ai đúng, ai sai. Phía ngân hàng nói họ làm đúng quy trình trong khi khách hàng lại nói ngược lại. Ít ra phải có cơ quan trung gian, Ngân hàng Nhà nước phải có kết luận sơ bộ ban đầu. Vụ việc không chỉ là khiếu nại thông thường, có dấu hiệu hình sự nên phải chờ cơ quan điều tra làm rõ. Khi đã chuyển hồ sơ qua công an, ngân hàng cũng không giải quyết nữa mà chờ quá trình tố tụng. |
Minh Phương
——————
Tin tức (Kinh tế) 29-8-2016:
http://baotintuc.vn/tai-chinh/can-som-lam-ro-vu-boc-hoi-tien-ty-tai-vpbank-20160828220106869.htm
(370/1.570)