(ĐTTC) – Hôm qua (10-5), Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Dự kiến trong ngày 11 và 12-5, hội thảo về chủ đề này sẽ diễn ra lần lượt tại Đà Nẵng và TPHCM.
Nhiều bất cập
Sau 12 năm thi hành luật, người dân và DN vẫn chưa thấy được tác dụng thực sự của Luật Cạnh tranh. Đặc biệt sự thiếu hiệu quả về chống độc quyền, nhất là đối với khu vực DNNN. |
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng, một số nội dung của Luật Cạnh tranh không còn phù hợp. Chẳng hạn, việc xác định 1 DN có vi phạm các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tập trung kinh tế… phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị phần của DN trên thị trường liên quan.
Do đó, xác định thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan hết sức quan trọng, có yếu tố quyết định trong quá trình thực thi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các yếu tố để xác định thị trường liên quan không còn phù hợp với thực tế, do đó gây nhiều khó khăn trong quá trình thực thi.
Bên cạnh đó, theo Điều 18 của Luật Cạnh tranh, pháp luật cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của DN tham gia chiếm hơn 50% trên thị trường liên quan (trừ một số trường hợp). Đồng thời, các DN tham gia tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30-50% trên thị trường liên quan phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi tiến hành các hoạt động tập trung kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế DN rất khó để tự xác định thị phần của mình trên thị trường liên quan, nên cũng rất khó để biết xem mình có thuộc ngưỡng bị cấm hoặc phải thông báo tập trung kinh tế hay không. Do đó, các quy định hiện nay về vấn đề này không có tính khả thi.
Hiện nay pháp luật cạnh tranh Việt Nam chưa quy định rõ ràng về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Các quy định hiện hành chỉ đề cập đến các hình thức biểu hiện bên ngoài, chưa tiếp cận được bản chất phản cạnh tranh của hành vi. Chẳng hạn, thỏa thuận ấn định mức giá sàn, giá trần; thỏa thuận tăng giá hoặc giảm giá (không chỉ ở mức cụ thể) hoặc thỏa thuận duy trì giá bán lại cho bên thứ ba… là những thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh nhưng chưa được quy định.
Trong khi hành vi kinh doanh, chiến lược kinh doanh của DN, trong đó có hành vi thỏa thuận thay đổi ngày càng phức tạp với nhiều dạng thức, việc tiếp cận quy định “cứng” như hiện nay sẽ gây khó khăn cho cơ quan thực thi trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cụ thể. Ngoài ra, thực tiễn một số vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được cơ quan cạnh tranh xem xét, xử lý cho thấy các hiệp hội đều là tổ chức đứng sau, giữ vai trò tổ chức, lôi kéo DN tham gia và giám sát việc thực thi thỏa thuận giữa các DN.
Thậm chí trong nhiều vụ việc, hiệp hội còn ban hành các “quyết định”, các “nghị quyết” về giá cả, sản lượng… trên thị trường để DN thành viên thực hiện. Tuy nhiên, các hành vi nêu trên của hiệp hội lại chưa được điều chỉnh trong các quy định hiện hành.
Sữa là một trong những mặt hàng thiếu chế tài khi giá cao ngất ngưỡng.
Cần bảo đảm quyền khởi kiện của các bên
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế (VCCI), việc để giá xăng dầu, sữa trong nước chậm giảm dù giá các mặt hàng này trên thế giới giảm, không những DN vi phạm, cơ quan nhà nước cũng là chủ thể vi phạm. Hoặc trường hợp tỉnh Hà Tĩnh ép các huyện, xã tiêu thụ bia Sài Gòn, là hành vi “buộc DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với DN được cơ quan này chỉ định” bị cấm trong Luật Cạnh tranh.
“Tại sao pháp luật cạnh tranh không được áp dụng mà vẫn dùng biện pháp hành chính?… Phải chăng Luật Cạnh tranh không có cơ chế xử lý hay có nhưng chưa thực thi? Do đó, khi sửa luật phải làm sao để cơ quan quản lý nhà nước sử dụng, không nên dùng biện pháp hành chính để can thiệp” – bà Hồng nói.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng cạnh tranh là trụ cột nền kinh tế thị trường, song tinh thần hiểu luật vẫn chưa thực sự thấm vào từng người. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của luật cần thiết có một cơ quan chuyên trách, có đủ quyền lực, chuyên môn, độc lập, chịu trách nhiệm thực thi.
Còn theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, dự thảo cần hướng tới thực hiện 2 nhiệm vụ chủ yếu là chống độc quyền và giám sát các liên minh trong kinh doanh để bảo vệ tự do cạnh tranh. Đối với chống độc quyền, ngoài sự ngăn cấm các hành vi “độc quyền hóa” (hay tập trung kinh tế) một cách cố ý và chủ động, cần kiểm soát chặt chẽ các DN trở thành độc quyền do điều kiện khách quan hoặc các yếu tố ngẫu nhiên.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, cũng cho rằng việc khuyến khích cạnh tranh đồng nghĩa với việc chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh sai luật.
Theo các chuyên gia, để pháp luật về cạnh tranh được thực hiện nghiêm túc phải bảo đảm quyền khởi kiện của các bên. Theo đó, Luật Cạnh tranh sửa đổi cần trao quyền cho các bên hưởng lợi cũng như bị hại, bao gồm DN và người tiêu dùng, tạo điều kiện để nhóm đối tượng này được khởi kiện tư pháp chống lại các hành vi cản trở cạnh tranh tự do và lành mạnh. Dự luật cũng cần có cơ chế để DN bảo vệ quyền lợi của mình nếu cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Hà My
———-
Sài Gòn Đầu tư tài chính (Thị trường) 11-5-2017:
http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/khuyen-khich-canh-tranh-lanh-manh-44793.html
(35/1.161)