Ông Phạm Xuân Hòe – Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
Theo ông Phạm Xuân Hòe – phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, để không có thêm nạn nhân của những vụ tài khoản “bốc hơi”, ngân hàng phải đầu tư nhiều hơn cho bảo mật, người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình kỹ năng cần thiết để phòng ngừa rủi ro. Ông nói:
– Có nhiều loại rủi ro trong quá trình giao dịch của ngân hàng. Nguyên nhân của những rủi ro có thể từ tác nghiệp của ngân hàng, hoặc sự chủ quan từ khách hàng không thực hiện theo đúng quy trình mà cán bộ ngân hàng tư vấn, hướng dẫn.
Các yếu tố tác động từ bên ngoài như do hacker tấn công, hoặc chính từ các tội phạm công nghệ cao làm thẻ giả, sử dụng thẻ giả… Đây là những rủi ro mà cả khách hàng và ngân hàng đều phải chấp nhận đối mặt.
* Trên thực tế các khách hàng không biết được khi gặp rủi ro thì lúc nào được đền bù, lúc nào thì không được…
– Người tiêu dùng cần phải đọc kỹ hướng dẫn của ngân hàng, hợp đồng cung cấp dịch vụ. Trong đó cần quan tâm rất rõ phần liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của mình như những điều khoản trường hợp nào xảy ra rủi ro, những nguyên nhân nào thì khách hàng phải chịu, rủi ro như thế nào thì ngân hàng phải chia sẻ. Khi đọc, khách hàng lưu ý những vấn đề trên cần phải có phần mục rõ ràng trong hợp đồng cung cấp dịch vụ. Khi đó khách hàng mới hoàn toàn đảm bảo an toàn trong giao dịch.
Bà Trần Thị Thanh Xuân (giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Quang Huân), khách hàng của VPBank, vừa qua cho rằng đã bị mất 26 tỉ đồng trong tài khoản – Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
* Vậy có giải pháp nào đảm bảo an toàn trong thanh toán cho ngân hàng và người dân?
– Để đảm bảo an toàn trong giao dịch ngân hàng điện tử, luôn đòi hỏi các ngân hàng phải lựa chọn đầu tư cho công nghệ có tính tối ưu cao, tính bảo mật cao. Các ngân hàng cần phải dành nguồn vốn ưu tiên thích đáng cho bảo mật, công nghệ và hệ thống thông tin để chống hacker. Điều này rất quan trọng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần phải hướng dẫn và cảnh báo thường xuyên với khách hàng. Một số ngân hàng thực hiện tốt, cảnh báo qua email, tin nhắn nhưng nhiều khi khách hàng không chú ý, không đọc kỹ tất cả lời cảnh báo.
Trên thực tế các lưu ý, khuyến cáo của ngân hàng là rất hữu ích nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình giao dịch.
Những vụ việc gần đây có rủi ro lớn về mặt vận hành như loại tội phạm lừa đảo, biển thủ tiền của khách hàng, hay cá biệt có vấn đề về đạo đức của cán bộ ngân hàng. Nếu thuộc phía chủ quan của ngân hàng thì phải thống kê bài bản để phòng ngừa.
Ngân hàng cũng phải có cảnh báo và kiểm soát thường xuyên với những giao dịch bất thường, số tiền giao dịch đột ngột tăng hoặc giảm trên tài khoản của một khách hàng nào đó. Thậm chí cần có sự gắn kết, phòng ngừa rủi ro với cơ quan chức năng khác như cơ quan công an phòng chống tội phạm công nghệ cao.
* Lời khuyên của ông với khách hàng để thực hiện các giao dịch ngân hàng được an toàn?
– Với khách hàng là người tiêu dùng tài chính cần phải tìm hiểu kỹ hơn, chỉ chọn sản phẩm dịch vụ công nghệ cao của ngân hàng điện tử, ưu tiên ngân hàng có uy tín và đã am hiểu về nó.
Khách hàng phải am hiểu vấn đề về bảo mật thông tin, phòng chống bị hacker tấn công, khi bị các đối tác đưa mã giao dịch qua email hoặc điện thoại kết nối Internet thì phải rất cảnh giác.
Đây là câu chuyện lớn, cũng là vấn đề đặt ra với quản lý nhà nước. Chính phủ và bộ ngành cần vào cuộc để phổ cập các kỹ năng giao dịch tài chính qua ngân hàng, từng bước luật hóa các quyền lợi của khách hàng, đặc biệt khi có rủi ro.
Hiện có Luật bảo vệ người tiêu dùng nhưng chủ yếu chỉ giao dịch hàng hóa, còn người tiêu dùng tài chính thì chưa rõ ràng và cụ thể.
Trong tương lai không xa, Việt Nam cần có luật bảo vệ cho người tiêu dùng tài chính. Nhà nước cũng phải có chương trình phổ cập tài chính toàn diện, đưa những tình huống và bài tập tài chính lồng ghép vào chương trình đào tạo học sinh phổ thông gắn với tuyên truyền, truyền thông chính sách.
Ông Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI): Phải làm đúng quy trình của ngân hàng Nếu chưa rành về cách thức giao dịch hiện đại như qua mạng, thẻ… khách hàng nên giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, dù có mất thời gian nhưng sẽ an toàn hơn. Trường hợp phát hiện bất cứ vấn đề gì thì phải thực hiện theo chỉ dẫn của ngân hàng, khóa tài khoản của mình. Cũng đừng bao giờ nóng vội và gây sức ép với ngân hàng, đừng bao giờ bỏ qua thủ tục, hay làm không đúng quy trình của ngân hàng đã quy định như cho rút tiền, chuyển khoản rồi mới hoàn tất hồ sơ. Chính những lần giao dịch không theo quy trình này, để nhanh, để được việc sẽ dễ tạo ra những sơ hở mà ở đó bất kỳ người nào tham gia quy trình giao dịch này cũng có thể lợi dụng để trục lợi. |
——————
Tuổi trẻ (Kinh tế) 29-8-2016:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160829/goi-ngan-hang-ky-mot-chut-khong-bao-gio-thua/1162474.html
(162/1.073)