(DĐDN) – Được chờ đợi sẽ tạo nên những cú hích đúng chỗ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm được điểm bứt phá, nhưng cho đến thời điểm này, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể làm hài lòng giới doanh nghiệp.
Có quá nhiều điểm bất cập trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được giới doanh nghiệp và các chuyên gia mổ xẻ khi Dự thảo Luật này được đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Lo luật chung chung
Trong một cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi nghe các cuộc tranh luận đã đặt một câu hỏi, không hiểu tại sao ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại có ý kiến khác.
Nếu Bộ trưởng có mặt trong các cuộc hội thảo về dự luật này do VCCI tổ chức vài ngày trước đó, nghe kiến nghị của các doanh nghiệp tham dự, câu hỏi này đã có thể được trả lời. Bởi, sau rất nhiều phân tích về các đề xuất hỗ trợ trong Dự thảo, các doanh nghiệp đang lo về một cơ chế hỗ trợ “trải mành mành” cho 97% doanh nghiệp Việt Nam.
“Gần như 40 điều của Dự thảo này mang tính chất nguyên tắc chung chung. Nghĩa là tất cả việc thực thi phụ thuộc vào khả năng ban hành văn bản và giải trình của các bộ, ngành. Nếu vậy, có lẽ nên xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hợp lý hơn chăng?”, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ quan điểm. Mối lo này không phải cá biệt. Thạc sỹ Lê Hùng Điệp, Trường Đại học Sài Gòn khi đặt các nguyên tắc chung của Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hệ thống chính sách hiện hành đã phát hiện rằng, cơ chế cụ thể vẫn áp dụng theo các chính sách đã ban hành.
Vấn đề là việc tiếp cận các chính sách này của doanh nghiệp nhỏ và vừa không dễ dàng. Vì, các chính sách này phân tán ở nhiều bộ, ngành khác nhau, thủ tục hành chính để tiếp cận còn khó khăn, nhận thức của một số cán bộ thực hiện cơ chế hỗ trợ chưa cao. Hơn thế, do đặc thù các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu bộ máy quản trị hoàn chỉnh, thiếu nguồn nhân lực nên không có thời gian nghiên cứu đầy đủ các quy định về các thủ tục hành chính, về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Điều 9 Dự thảo về hỗ trợ thuế chỉ ghi nhận chung chung thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, sẽ không có căn cứ rõ ràng để áp dụng, cần kiến nghị cụ thể là bao nhiêu % hay cơ chế cụ thể ra sao, có cần thủ tục xác nhận là doanh nghiệp nhỏ và vừa để được hưởng mức thuế thấp hay không? Hơn nữa, áp dụng mức thuế suất thấp hơn cho 97% các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dẫn đến sự phân biệt với 3% các doanh nghiệp còn lại và hệ quả có thể là 3% doanh nghiệp đó sẽ tìm cách phân tán nguồn lực thành doanh nghiệp nhỏ và vừa để tận dụng thuế suất thấp.
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ tài chính, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai còn đề xuất, không nên quy định việc xây dựng các quỹ tài chính, vì trong bối cảnh hiện nay nhiều loại quỹ hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí. Hiện tại, doanh nghiệp cần vay tín dụng thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vẫn phải có đầy đủ tài sản thế chấp theo quy định về vay tín dụng. “Lúc này, doanh nghiệp kỳ vọng Dự thảo Luật này giải quyết các tồn đọng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang mắc, chủ yếu từ phía cơ quan nhà nước chứ không phải là dẫn chiếu các văn bản khác”, ông Điệp phân tích.
Cần hơn sự an toàn
Một doanh nghiệp thuộc ngành điện, có 20 năm hoạt động kinh doanh sau khi đọc Dự thảo Luật đã thốt lên rằng, nếu luật tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ độc quyền, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên thì tốt quá!
“Tôi đề nghị đổi tên là Luật Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Là một doanh nghiệp tôi thấy, để phát triển được, chúng tôi không chỉ cần hỗ trợ. Trong số các cơ chế hỗ trợ, có những nội dung tôi cho là trách nhiệm của công chức, chính quyền các cấp. Khi doanh nghiệp cần, các đơn vị này làm đúng trách nhiệm thì mới là bình đẳng”, ông này nói. Đây chính là một trong những áp lực… khó nói nhất từ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói ông có một nghiệp nhỏ, nhưng nhiều khi khó khăn khi làm việc với các cơ quan công an, thuế.
“Doanh nghiệp cần sòng phẳng và là một tế bào kinh tế nghiêm túc, có trách nhiệm với đất nước. Doanh nghiệp cần được bảo vệ những quyền lợi chính đáng trong cuộc cạnh tranh này để không bị ép giá, không bị can thiệp, vòi vĩnh”, ông Tuất thẳng thắn nói và đề xuất thêm một phương án về tên của Dự thảo Luật, đó là Luật Bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa!
Đặc biệt, các cơ chế hỗ trợ chung chung còn khiến doanh nghiệp lo không đến được địa chỉ, lãng phí nguồn lực. Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho rằng, để tránh thất thoát ngân sách nhà nước và thuận tiện trong việc quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, nên xây dựng luật theo quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại phần gốc (sau khi doanh nghiệp đã thực hiện), chứ không nên hỗ trợ từ phần ngọn.
“Trong lĩnh vực vay vốn ngân hàng, thay vì nhà nước thông qua các tổ chức cá nhân để cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng phương án kinh doanh hay xây dựng hồ sơ vay vốn, tại sao không quy định rõ là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ lãi vay bao nhiêu phần trăm sau khi đã vay vốn từ các tổ chức tín dụng và sẽ được giảm trừ lãi vay bao nhiêu phần trăm theo quy định của luật khi lập báo cáo tái chính vào cuối năm”, ông Tuấn đề xuất.
Cũng tương tự, các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, mặt bằng sản xuất kinh doanh… cũng nên áp dụng phương pháp hỗ trợ tại phần gốc sau khi doanh nghiệp đã thực hiện thì cho quyết toán và cấn trừ chi phí hỗ trợ và tiền thuê đất vào báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.
“Bởi, khi đó có thể thấy rõ doanh nghiệp đã đáp ứng được các điều kiện như luật quy định hay không, tranh lãng phí ngân sách”, ông Tuấn đề xuất.
Minh An
———–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Doanh nghiệp) 15-5-2017:
http://enternews.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-dang-can-gi-110444.html
(138/1.340)