1.311. Đề xuất thanh tra 60 dự án bất động sản: Chấn chỉnh “chảy máu” đất công

(KT&ĐT) – “Chao đảo” là cụm từ được truyền thông nhắc đến nhiều nhất về diễn biến thị trường địa ốc sau thông tin Bộ Tài chính thanh tra 60 dự án bất động sản (BĐS).

Ở góc độ kinh tế, các chuyên gia cho rằng, động thái thanh tra là cần thiết, chống thất thu ngân sách, tạo sự minh bạch trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước. Đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý cho người mua nhà, tránh tình trạng nhiều DN địa ốc “lách luật” bán xong dự án mới nộp thuế hoặc trốn thuế, gây khó khăn khi cấp sổ đỏ sau này.

Có làm chững thị trường?

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long cho rằng, sự tác động đến các DN BĐS là có nhưng đến mức “chao đảo” có vẻ thái quá. “Ngay sau khi Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra, tạm dừng 60 dự án chuyển đổi “đất vàng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục thanh tra nhưng không yêu cầu đình chỉ thi công. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường địa ốc đang khôi phục như hiện nay thì việc thanh tra sẽ có tác động đến nhà đầu tư. Một khi tác động đến nhà đầu tư chắc chắn tác động đến thị trường. Cho nên, tốc độ phát triển của thị trường địa ốc sẽ bị ảnh hưởng nhưng chỉ ngắn hạn.” – vị chuyên gia kinh tế này nhận định.

Dự án Capital Garden tại ngõ 102 Trường Chinh. Ảnh: Phạm Hùng

Có mặt tại dự án Capital Garden tại ngõ 102 Trường Chinh (phường Phương Mai, quận Đống Đa), một trong số 60 dự án nằm trong danh sách của Bộ Tài chính, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận hơn 300 căn hộ đang trong quá trình bàn giao cho khách hàng, trong đó có khoảng 100 hộ gia đình đã dọn về sinh sống. Tuy nhiên, số đông cư dân đều tỏ ra ngạc nhiên với thông tin dự án nằm trong danh sách bị đề xuất thanh tra.

Chị V.A, một hộ dân của Capital Garden cho biết, hiện gia đình chị đã đóng 95% tổng giá trị căn hộ, chỉ còn 5% đợi đến khi cấp sổ đỏ thì đóng nốt. Nếu thanh tra buộc chủ đầu tư dự án phải đóng thêm tiền sử dụng đất sẽ gây rắc rối, khó khăn cho người dân vì tiền sử dụng đất có thể tăng. Nguy cơ phải đóng thêm tiền vì thế rất lớn. Không những vậy, dự án đang trong giai đoạn hoàn công, nếu bị thanh tra chắc chắn thời gian làm sổ đỏ cho dân sẽ trở nên nhùng nhằng, phức tạp hơn.
Trong khi đó, những khách hàng tại dự án tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng – Eco Green Tower (số 1, phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai) cũng như đang “ngồi trên đống lửa”. Hiện tại, theo chia sẻ của các cư dân, họ đang đóng tiền theo tiến độ đến đợt 2, dự kiến đầu năm 2018 được nhận nhà. Việc dự án có khả năng bị thanh tra khiến người mua nhà lo lắng tiến độ dự án chậm lại, ngày bàn giao nhà sẽ không đúng hạn định.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI nêu rõ, nếu Bộ Tài chính nghi ngờ Nhà nước đã bị thất thoát tài sản thì cần thanh tra quy trình chuyển đổi có đúng quy định, hoặc có sai sót gì trong thực hiện cổ phần hóa, khi định giá tài sản DN đã bỏ sót, định giá thấp. “Việc của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay nếu cần làm là thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân cố ý làm trái các quy định trước khi bán ra thị trường hoặc thực hiện cổ phần hóa DN nhà nước. Đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có)” – ông Đức nói.

Càng phản ứng mạnh, càng có vấn đề

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ở góc độ Nhà nước, việc Bộ Tài chính đề xuất tiến hành thanh tra là hết sức bình thường. Trong vấn đề này, DN nào càng phản ứng mạnh chứng tỏ càng có vấn đề. Ngược lại, chỉ cần trả lời khách hàng là yên tâm và trình hồ sơ hoàn tất các nghĩa vụ với Nhà nước là ổn thỏa. Bởi, 60 dự án trên chỉ là danh sách Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra đất đai theo kế hoạch năm 2017. Vì thế, mới chỉ ở dạng đề xuất, không phải quyết định thanh tra.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định: “Đang có một lỗ hổng quá lớn trong việc quản lý nguồn đất công giao cho các DN có vốn Nhà nước. Điều này khiến các đơn vị vô tư “phù phép” đất công. Việc siết lại quản lý dù chậm nhưng cần thiết. Không chỉ có 60 dự án trên, tôi cho rằng thị trường BĐS còn nhiều dự án khuất tất lắm. Với giá trị đất vàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi dự án thất thoát cả trăm, nghìn tỷ đồng là điều dễ hiểu”.
Ở góc độ pháp lý, hầu hết các luật sư đều cho biết tình trạng “chảy máu” đất công vẫn là hiện tượng nhức nhối. Luật Đất đai quy định phải đấu giá nhà, đất công khi mục đích sử dụng đất là xây dựng nhà, kinh doanh BĐS. Luật Phòng, Chống tham nhũng cũng quy định đầy đủ về các hành vi sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà đất thuộc diện công sản. Hiện tượng một số chủ đầu tư cùng một số cơ quan chủ quản báo cáo không đầy đủ về hiện trạng các khu đất để xin chuyển nhượng không qua đấu giá, đã diễn ra trong nhiều năm qua, là việc làm không phù hợp, gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.

Quy định Nhà nước giao đất cho DN là để quản lý sử dụng chứ không giao quyền sở hữu. Trong khi đó, DN tự ý bán hoặc cho thuê đất là trái nguyên tắc. Nhà nước phải tổ chức đấu giá khi DN Nhà nước phá sản, hoặc có nhu cầu di dời. Khi lỏng lẻo trong khâu quản lý đất công, hàng loạt DN bên ngoài sẵn sàng nhảy vào kiếm lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh

Chuyên gia nhận định
Tinh thần là công khai minh bạch

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng việc thanh tra các dự án có nguồn gốc đất thuộc sở hữu Nhà nước theo kiến nghị của Bộ Tài chính là đúng quy trình và cần thiết. Tại Hà Nội, những năm qua, nhiều công trình mọc lên từ đất công, nhưng ít ai biết sự định giá có đúng với mức giá thị trường hay không. Thực tế, không ít dự án đất vàng xây cao ốc gồm nhà ở, văn phòng không thông qua đấu giá, gây thất thoát ngân sách. Do đó, không ít đề xuất cho rằng cần sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu chân gỗ, quân xanh, quân đỏ. Tuy nhiên, cũng cần xem xét thấu tình đạt lý cho những dự án mà chủ đầu tư có năng lực để họ tiếp tục hoàn thiện, tránh gây hoang mang cho khách hàng.

Gia Tuấn ghi

VÂN HẰNG

Kinh tế và Đô thị (Bất động sản) 18-5-2017:

http://kinhtedothi.vn/de-xuat-thanh-tra-60-du-an-bat-dong-san-chan-chinh-chay-mau-dat-cong-288318.html

(157/1.439)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,105