1.313. Tạo nền tảng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

(BNEWS) – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 doanh nghiệp đang hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ thuế trong tổng số 959.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp từ chính sách vĩ mô. Ảnh minh họa: TTXVN

Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có rất nhiều cơ hội thuận lợi để gia nhập thị trường với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, khối này cũng phải đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển cũng như bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp với các nguyên tắc thị trường, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế… để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Cần sự bứt phá mạnh mẽ của khu vực tư nhân

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 doanh nghiệp đang hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ thuế trong tổng số 959.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, có một thực tế là từ năm 2005 cho tới nay, khoảng cách giữa các doanh nghiệp đăng ký và doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động trong năm ngày một lớn.

Tính trung bình trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ giữa các doanh nghiệp đăng ký và doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động và vẫn duy trì được hoạt động chỉ đạt 45%. Cá biệt, có những năm tỷ lệ giữa doanh nghiệp đi vào hoạt động so với doanh nghiệp đăng ký trong năm đạt tỷ lệ rất thấp, ví dụ như năm 2009 tỷ lệ này chỉ đạt 35,2% hoặc năm 2012 đạt 32,7%.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2005-2008 cho thấy, sự cần thiết phải có các hoạt động hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng các doanh nghiệp đã đăng ký đi vào hoạt động.

Từ đó, duy trì các doanh nghiệp này hoạt động một cách bền vững và có các đóng góp thực sự cho nền kinh tế – xã hội. Việc nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp sau khi khai sinh vì vậy đã trở thành một yêu cầu hết sức cấp thiết tại Việt Nam.

Cùng với những đột phá của Luật Doanh nghiệp và những cải cách của Luật Đầu tư, các nỗ lực về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đang được Chính phủ tích cực thực hiện, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp đang thực sự hoạt động vào năm 2020.

Số liệu phân tích cho thấy với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp thực sự đi vào sản xuất kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, sẽ có thêm 410.000 doanh nghiệp mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động trong vòng 4 năm tới. Các doanh nghiệp mới thành lập sẽ hoạt động chủ yếu trong các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ, công nghiệp…

Như vậy, sẽ góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu ngành, dịch chuyển lực lượng sản xuất sang các ngành và lĩnh vực có hiệu suất sử dụng vốn, lao động, đất đai cao hơn.

Điều này sẽ đóng góp trực tiếp cho việc cải thiện nâng cao năng suất của Việt Nam và hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, với 1 triệu doanh nghiệp được thành lập và duy trì hoạt động, Việt Nam sẽ hình thành hàng triệu chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các doanh nghiệp…

Ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, sự khởi sắc bứt phá mạnh mẽ của khu vực tư nhân sẽ mang lại những đóng góp to lớn và trở thành động lực vô cùng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới.

Cụ thể hóa hơn nữa các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp 

Thời gian qua, cũng còn nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên cụ thể hóa hơn nữa các hỗ trợ nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An, Thành phố Hải Phòng cho rằng, các điều luật cần phải lượng hóa được nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng càng chỉ rõ được những việc hỗ trợ thường xuyên, cụ thể càng tốt, đồng thời đưa ra được cách thức hỗ trợ.

“Cần làm rõ được các hỗ trợ tín dụng thông qua các quỹ thì doanh nghiệp sẽ phải như thế nào, qua ngân hàng thương mại thì ra làm sao, hay các Ban quản lý khu công nghiệp hỗ trợ trong việc bố trí mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào?… Nếu trong trường hợp chưa cụ thể được thì có thể Chính phủ có hướng dẫn thi hành nhưng phải đảm bảo đồng bộ với quan điểm, mục tiêu và kịp thời để khi Luật được thông qua và ban hành có thể triển khai được ngay”, ông Lưỡng gợi ý.

Không hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo kiểu tràn lan. Ảnh minh họa: TTXVN

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Cường cũng thống nhất với Ban soạn thảo về cách thức tiếp cận và phương pháp xây dựng Luật và nhấn mạnh việc xây dựng luật là rất cần thiết nhằm mục tiêu hỗ trợ đúng và trúng vào các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là khu vực yếu thế nhưng lại chiếm số lượng đông nhất trong nền kinh tế.

“Cộng đồng doanh nghiệp mong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm được ban hành, làm khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo nền tảng và điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập và phát triển”, ông Cường nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình, ông Trần Viết Đán cho biết, hiện nay năng lực tiếp cận các văn bản và hệ thống pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh còn rất hạn chế. Nhu cầu được tiếp cận các thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật là rất cần thiết, do đó rất cần bổ sung vào trong dự thảo luật; đồng thời, cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ để thay đổi nhận thức, năng lực tiếp cận của các doanh nghiệp.

Liên quan đến đối tượng hỗ trợ, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI lưu ý một thực trạng là phần lớn doanh nghiệp hiện nay không phải là nhỏ hay vừa, mà là siêu nhỏ.

“Cần đặc biệt lưu ý doanh nghiệp siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các Hiệp hội doanh nghiệp. Do đó, Luật cần phân biệt giữa các đối tượng doanh nghiệp để có sự hỗ trợ khác nhau”, ông Đức đề nghị và cho biết thêm, có thể xem xét bỏ việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa, mà chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; trong đó có các hộ kinh doanh.

Trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hành động thiết thực nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra của thực tiễn và phù hợp với các thông lệ tại nhiều quốc gia khác.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết: “Luật có mục tiêu và biện pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với các nguyên tắc thị trường, bình đẳng, công khai, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế và thống nhất với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng không là ngoại lệ”.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng khẳng định, với những nội dung được đưa ra trong dự thảo Luật không có chồng lấn với các Luật chuyên ngành nào. Và một trong những nhiệm vụ bắt buộc trong quá trình làm luật, đó là ngoài sự tham vấn, còn phải đảm bảo rà soát đánh giá tác động; trong đó, đánh giá tác động tới các Luật khác.

Với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý là bệ đỡ cho các chính sách phát triển khu vực quan trọng này, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có vai trò không thể thiếu trong việc nuôi dưỡng, tạo nguồn lực để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể “sống, phát triển mạnh mẽ” sau khi được khai sinh, Thứ trưởng nhấn mạnh./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXV

————

Bnews (Doanh nghiệp) 22-5-2017:

http://bnews.vn/tao-nen-tang-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien/45427.html

(129/1.631)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.428. Lãi từ đầu tư bất động sản chịu thuế...

Lãi từ đầu tư bất động sản chịu thuế sao cho hợp lý? BĐT) - Nghiên...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,810