Đây là quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI trong cuộc trao đổi với PV TBTCVN về vấn đề xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách.
PV: Vừa qua, dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 có đề cập đến việc nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách để xử lý một phần nợ xấu. Trước đây, vấn đề này từng được đề cập nhưng không được chấp thuận. Vậy theo ông thời điểm này có phù hợp để tính đến phương án này hay chưa?
LS Trương Thanh Đức: Như chúng ta đã thấy, nợ xấu giờ không còn chỉ là vấn đề của ngân hàng mà là của cả nền kinh tế. Nợ xấu cản trở sự lưu thông của dòng vốn trong nền kinh tế, từ đó đã ảnh hưởng nhiều đến ngân sách, bởi ngân sách là thu từ lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng, của doanh nghiệp mà ra, nên việc ngân sách hỗ trợ lại để xử lý nợ xấu là hợp lý. Khi nợ xấu ở mức độ vừa phải thì các ngân hàng, doanh nghiệp có thể xoay sở được nhưng khi đã ở mức độ lớn như hiện nay, nếu không xử lý thì chính ngân sách cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Để sử dụng ngân sách, vấn đề cần bàn ở đây là cách xử lý thế nào, sử dụng ngân sách bao nhiêu, sử dụng vào xóa nợ hay hỗ trợ lãi suất… đó là những điều phải tính toán để tìm cách hợp lý nhất. Còn về nguyên tắc, không thể không dùng đến ngân sách, đó là bài học ở nhiều nước trên thế giới. Luật sư Trương Thanh Đức |
Mấy năm vừa qua, chúng ta vẫn muốn là không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, nhưng thực ra không thể tránh được.
Thực tế hiện nay, nợ xấu vẫn đang phải xử lý bằng ngân sách. Đó là chi phí cho hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) với hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ, nhà nước vẫn đang phải bỏ ra; chưa kể hàng chục ngàn tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng dùng để xử lý nợ xấu, thì trong đó ngân sách đã bị giảm thu 20% phần thuế thu nhập và rất nhiều các chi phí khác chưa tính hết.
Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải nói thẳng với nhau về điều này. Tất nhiên ngân sách có nhiều thì dùng nhiều, có ít dùng ít nhưng phải rõ ràng.
PV: Trong số nợ xấu hàng trăm ngàn tỷ đồng hiện nay, bên cạnh nguyên nhân do thua lỗ từ hoạt động kinh doanh, biến động thị trường, thì cũng còn số đáng kể nợ xấu xuất phát từ những sai phạm của các ngân hàng, doanh nghiệp… Vậy chúng ta nói đến việc dùng tiền ngân sách để bù đắp nợ xấu nói chung, liệu có phù hợp hay không?
LS Trương Thanh Đức: Chắc chắn là sẽ không chính sách nào cho phép dùng ngân sách sẽ bù lại những sai phạm, những thất thoát kia. Ở đây, tôi hiểu rằng đề án muốn nói đến nợ xấu nói chung, một cách tổng thể.
Còn chắc chắn ngân sách cũng không thể xóa hết nợ xấu mà chỉ là hỗ trợ, xử lý một phần nào đó bằng cách này, cách khác, chứ không phải là ngân hàng thua lỗ, nợ xấu từng này thì ngân sách bù lỗ từng này tiền.
Ví dụ như với trường hợp Ngân hàng Xây dựng, giờ là ngân hàng 100% vốn Nhà nước. Một khi Nhà nước đã mua lại thì Nhà nước sẽ phải “cho ăn”, “nuôi” cho khỏe, với mục đích tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống, đến xã hội. Còn những sai phạm trước đây thì đã được đưa ra xét xử, xử lý theo pháp luật, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, phải đền bù…
Tuy nhiên, để sử dụng ngân sách, vấn đề cần bàn ở đây là cách xử lý thế nào, sử dụng ngân sách bao nhiêu, sử dụng vào xóa nợ hay hỗ trợ lãi suất… đó là những điều phải tính toán để tìm cách hợp lý nhất. Còn về nguyên tắc, không thể không dùng đến ngân sách, đó là bài học ở nhiều nước trên thế giới.
PV: Vậy việc xử lý nợ xấu bằng ngân sách nên bắt đầu như thế nào, phải chăng Nhà nước có nên bỏ tiền ra mua nợ xấu?
LS Trương Thanh Đức: Cách dùng tiền hỗ trợ trực tiếp như vậy là không nên, không chỉ với xử lý nợ xấu mà với bất cứ lĩnh vực nào vậy. Chúng ta đã có nhiều bài học về vấn đề này, từ hỗ trợ người nghèo, cho đến hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ nhất là chúng ta không thể có đủ tiền để hỗ trợ trực tiếp như vậy, thành ra tiền hỗ trợ như muối bỏ bể. Hai là điều mà các đối tượng hỗ trợ cần hơn là cơ chế thông thoáng, là môi trường bình đẳng, minh bạch… chứ không hẳn là tiền.
Đối với nợ xấu, theo tôi, trước mắt đang vướng ở các điều kiện về mua bán nợ. Tại sao không để thị trường mua nợ theo giá thị trường, mà phải là Nhà nước mua nợ theo giá thị trường? Ngay Nghị định 69 mới đây về điều kiện mua bán nợ cũng không gỡ được các vướng mắc mà lại thêm một loạt các điều kiện khắt khe.
Nợ xấu phần lớn liên quan đến tài sản thế chấp là nhà đất, nhưng chỉ có ngân hàng trong nước được nhận thế chấp, ngân hàng nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài không được nhận, quyền chủ nợ không được đảm bảo thì ai dám mua nợ xấu…
Những vướng mắc về chính sách đã được đề cập rất nhiều lâu nay, nếu được cương quyết khắc phục thì sẽ có tác dụng lớn giúp xử lý nợ xấu, mà không cần dùng đến một đồng ngân sách nào.
PV: Xin cảm ơn ông!
——————
Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 31-8-2016:
(1.159/1.159)