1.317. Đừng biến ngân hàng thành người “hành khất”

(DT) – Nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Trong khi đó, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Đã xử lý được 611.590 tỷ đồng nợ xấu

Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, trong 4 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 611.590 tỷ đồng nợ xấu.

Đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Tuy nhiên, theo lưu ý của ông Lê Minh Hưng, nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Đánh giá về quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua, TS.Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết: Mấy năm qua, các ngân hàng đã tự xử lý được khoảng 53% nợ xấu, còn lại 47%, trong đó 43% là nợ xấu đang vướng mắc về mặt cơ chế không thể tự xử lý được trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh dẫn đến tăng trưởng thấp.

Ông Hưởng nhấn mạnh, chúng ta phải nhìn thẳng sự thật đó mới mạnh dạn cho ra đời những cơ chế phù hợp. Tuy nhiên, nghị quyết xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành người “hành khất”! Theo diễn giải của ông Hưởng, nếu không cho phép ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ xấu thì dễ dẫn tới tình huống: ngân hàng đi “lạy” công an, “lạy” tòa án, cầu xin thi hành án, từ chủ nợ biến thành con nợ, khi cho vay thì đứng còn khi đi đòi nợ thì “quỳ”… mất rất nhiều thời gian, chi phí tăng lên, nợ xấu tích tụ lại thành “cục máu đông”.

Trình bày tại Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho hay, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Trong đó, quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án, thi hành án rất chậm, không hiệu quả. Theo đó, thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm; chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ.

Chưa kể, việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để. Thống kê cho thấy, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án dân sự tính đến 31/3/2017 là 17.184 việc, với số tiền còn phải thi hành án khoảng 65.489 tỷ đồng.

Tiền cho vay là tiền của dân

Chiều nay 23/5, Báo Người đại biểu nhân dân đã tổ chức Hội thảo Xử lý nợ xấu – Nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật. Tại hội thảo, các diễn giả đã phân tích, “mổ xẻ” những khó khăn, vướng mắc của quá trình xử lý nợ xấu. Các diễn giả cho rằng, quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi.

Với vai trò là trung gian tài chính, số tiền TCTD cho vay được huy động từ người gửi tiền. Việc không cho phép thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hồi nợ của TCTD, có thể gây ra tình trạng TCTD không thu hồi được các khoản nợ này. Khi TCTD không thu hồi được nợ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh khoản, khả năng chi trả các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động để cho vay trước đây (tiền gửi của cá nhân).

Dù đã xử lý được 611.590 tỷ đồng, nhưng quá trình xử lý nợ xấu đến nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ (ảnh minh họa).

Như vậy, việc TCTD không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm như các quy định trước đây có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đa số người gửi tiền. Điều này có nghĩa là, việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng chây ỳ, vi phạm cam kết theo hợp đồng sẽ có thể ảnh hưởng lớn đến quyền hợp pháp của đa số người gửi tiền, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn hệ thống TCTD, an toàn trật tự xã hội.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI ví nợ xấu “giống như sản phẩm tồn đọng, như hàng hóa khuyết tật, như đồ dùng quá hạn, như thời trang lỗi mốt. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải giải quyết thanh lý, hạ giá, giải tỏa càng nhanh càng tốt”.

Ông Đức cho hay, nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt và nguy hiểm đến việc cho vay. Không thu được nợ thì cũng đồng nghĩa với không có khả năng cho vay; Thu được nợ càng ít thì cho vay càng ít và lãi suất càng cao. Do đó, theo phân tích của ông Đức, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về quyền được thu giữ tài sản bảo đảm trong “trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Việc Quốc hội ban hành một đạo luật (hiện nay đang được thể hiện dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội) là rất cần thiết và hoàn toàn thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

“Và trong mọi trường hợp, cũng chỉ đặt ra việc thu giữ tài sản bảo đảm khi đã có thỏa thuận cụ thể giữa bên sở hữu tài sản bảo đảm và bên nhận tài sản bảo đảm. Khi đã tự nguyện thỏa thuận đưa tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào cầm cố, thế chấp, chủ sở hữu tài sản cũng đã đồng ý cho phép tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi không trả được nợ đến hạn. Do vậy, việc thu giữ tài sản bảo đảm thực ra chỉ là một khâu hỗ trợ cần thiết để có thể xử lý phát mại, chuyển giao quyền sở hữu tài sản bảo đảm trên thực tế”, ông Đức nói.

Cũng theo đánh giá của ông Đức, việc pháp luật ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để con (khách) nợ và bên thế chấp tài sản nói chung, thế chấp nhà ở nói riêng phải tôn sự trọng cam kết, thỏa thuận, tăng thêm ý thức, trách nhiệm pháp lý của mình trong việc trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm. Còn nếu như bỏ quy định về quyền thu giữ tài sản thế chấp thì nghĩa vụ “giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý” theo quy định tại Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ lập tức trở về gần như bằng không. Khi đó, nguy cơ càng khó xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

TS. Nguyễn Đức Hưởng: Liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD, có ý kiến đề xuất chia thành 2 trường hợp. Thứ nhất, trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có thỏa thuận đồng ý cho TCTD có quyền xử lý tài sản bảo đảm thì các bên thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm theo nội dung hợp đồng đã thỏa thuận. Thứ hai, trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên về xử lý tài sản bảo đảm thì TCTD có quyền yêu cầu tòa án áp dụng thủ tục rút gọn.

Tôi cho rằng, tách làm hai bước như vậy chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Trước khi đi vay, người vay đã chấp thuận đem quyền sử dụng, sở hữu đi thế chấp có công chứng chứng giám và có đăng ký giao dịch bảo đảm rồi. Tức là nếu người vay không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận thì đương nhiên bị mất quyền sử dụng và sở hữu.

Nhưng nếu biết luật pháp có quy định trường hợp thứ 2, dù biết rằng mình không thực hiện đúng nghĩa vụ nhưng họ sẵn sàng cãi cùn, không đồng thuận để “chạy” tòa án và thi hành án… “hành lại” ngân hàng. Dù ngân hàng có thắng tại tòa thì thi hành án được cũng mất vài năm và cục máu đông nợ xấu lại có môi trường hình thành thì có nên chăng?

Đại diện VPBank: Có một giải pháp khác mà các TCTD có thể sử dụng để tiến hành khởi kiện các khách hàng đã bỏ trốn là đề nghị Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết việc dân sự để tuyên bố người đó mất tích hoặc thực hiện thủ tục giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú trước, sau đó sẽ thụ lý vụ kiện dân sự và tiến hành niêm yết để xử vắng mặt.

Tuy nhiên, tiến hành theo thủ tục này có Tòa án đồng ý thụ lý giải quyết việc dân sự, có Tòa án không đồng ý (với lý giải chỉ thực hiện đối với các trường hợp một người muốn đơn phương xin ly hôn mà vợ hoặc chồng của họ đã vắng mặt khỏi nơi cư trú hoặc mất tích, không áp dụng đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại). Thậm chí, một số Tòa sau khi tuyên bố một người vắng mặt khỏi nơi cư trú và thụ lý giải quyết vụ kiện cho TCTD nhưng sau đó lại tiến hành tạm đình chỉ vì không triệu tập được bị đơn/người có quyền và nghĩa vụ liên quan, dẫn đến tình trạng vụ án bị rơi vào bế tắc, không có hướng giải quyết.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Vietcombank kiến nghị:Xu hướng phát triển của pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại là khuyến khích các chủ thể thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thế chấp ngoài Tòa án. Tại các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp ký kết giữa các bên đều quy định khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì bên nhận thế chấp được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Do đó, pháp luật cần có quy định để đảm bảo và tăng cường quyền chủ động và sức mạnh cho bên nhận thế chấp để thực hiện quyền của chủ nợ và quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.

Nguyễn Hiền

———–

Dân trí (Kinh doanh) 23-5-2017:

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/dung-bien-ngan-hang-thanh-nguoi-hanh-khat-20170523180721236.htm

(460/1.997)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.419. Áp lực nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian...

Áp lực nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian tới. (VTV.vn) - Theo báo...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,203