(LĐTĐ) – “Việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngân hàng mà ưu ái cần thiết cho nền kinh tế.” Đó là nhận định chung của phần lớn chuyên gia kinh tế xung quanh việc Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu thông qua tại kì họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, điểm chú ý trong dự thảo Nghị quyết này là không phân biệt nợ xấu của ngân hàng nhà nước hay ngân hàng cổ phần; chỉ xử lý số nợ xấu đến ngày 31/12/2016; với các nợ xấu hình thành từ năm 2017, các ngân hàng phải thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng hiện hành và cần thiết sẽ phải sửa đổi một số điều trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng mà Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua vào kì họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.
Quá trình xử lý chậm chạp, không hiệu quả, ảnh hướng đến việc giảm lãi suất và khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao về nội dung mới đáng chú ý trong dự thảo nghị quyết này, đó là đã rút gọn quy trình xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu. Nghị quyết cũng đưa ra quy trình thủ tục trình tự thi hành án dân sự khi người vay cố tình chây ì không chịu thực hiện cam kết hợp đồng dân sự.
Chia sẻ quan điểm về nội dung này tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật” vừa diễn ra tại Hà Nội, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng đặc biệt nhấn mạnh về tính cấp thiết của việc hoàn thiện các quy định nhằm xử lý nợ xấu phải giải quyết càng nhanh càng tốt. Nợ xấu tiếp tục dồn ứ ở mức cao sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Nền kinh tế mất đi một lượng vốn lớn do vốn không được quay vòng, dòng tiền trong kinh tế không lưu thông được.
Đồng quan điểm với Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, bản thân các ngân hàng không đủ quyền lực để thu hồi nợ, thu hồi tài sản đảm bảo hoặc mua bán nợ theo thị trường mà không mâu thuẫn với các điều luật khác. Vị chuyên gia này cũng nêu quan điểm, những vướng mắc này đang khiến cho quá trình xử lý chậm chạp, không hiệu quả, ảnh hướng đến việc giảm lãi suất và khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, cơ quan nhà nước cần một quyết tâm chính trị lớn xây dựng một hành lang pháp lý riêng làm nền tảng cho các ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu.
Khẳng định tính cấp thiết và kịp thời của nghị quyết, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu và Quản lý Trung ương cho rằng, việc thông qua một Nghị quyết về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành ngân hàng mà là sự cần thiết cho cả nền kinh tế. Vấn đề nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch.
Và điều nữa là những người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh chứ không có sự bao che hay dung túng bất kì ai. Những thay đổi tại Nghị quyết về xử lý nợ xấu lần này được đánh giá là thiết thực, cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời bảo đảm tính khả thi, quyền chủ nợ hợp pháp, chính sách của tổ chức tín dụng, quyền lợi của người gửi tiền cũng như các bên có liên quan.
Tuệ Liên
———-
Lao động Thủ đô (Kinh tế) 25-5-2017:
http://laodongthudo.vn/nhieu-diem-moi-thiet-thuc-53717.html
(120/726)