(NLĐ) – Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất loại bỏ thêm 76 ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp người dân, doanh nghiệp cởi trói được giấy phép con và thuận lợi hơn trong đầu tư, kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa đưa ra dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh để lấy ý kiến các bộ, ngành. Dự luật hướng đến việc tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn để tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân và doanh nghiệp (DN).
Loại dần Thông tư 20
Theo đó, Bộ KH-ĐT đề xuất loại bỏ 76 ngành nghề ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, đồng thời đề xuất bổ sung 14 ngành nghề vào danh mục này. Như vậy, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giảm từ 267 như hiện nay xuống còn 214.
Các ngành nghề được đề xuất loại bỏ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện gồm: kinh doanh than, dịch vụ mua bán nợ, đại lý bảo hiểm, sát hạch lái xe… và cả những ngành nghề xưa nay được cho là nhạy cảm như dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, sản xuất vàng miếng, hoạt động in, đúc tiền…
Đáng lưu ý, trong số các ngành nghề được đề xuất cởi trói để DN, người dân có quyền tự do kinh doanh có cả dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Đây chính là một trong những vấn đề được quy định tại Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương về nhập khẩu kinh doanh ô tô dưới 9 chỗ ngồi đã hết hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng lại bị bộ này “cố níu” bằng cách đề xuất Chính phủ ban hành một nghị định mới để áp dụng các điều kiện về bảo dưỡng, bảo hành xe tại khâu đăng ký lưu hành thay vì áp dụng từ công đoạn nhập khẩu.
Ban soạn thảo dự luật cho biết đã đặt ra nhiều phương án, sau đó chọn phương án tiếp tục cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết, bất hợp lý; bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Song song đó, sửa đổi một số khái niệm để làm cơ sở phân định ĐKKD với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo ban soạn thảo, giải pháp này tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Người dân, DN cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đối với hệ thống pháp luật, giải pháp này sẽ bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất, tăng tính khả thi, chất lượng.
Có thể cắt bỏ nhiều hơn
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư, bình luận việc Bộ KH-ĐT tiếp tục rà soát, đề xuất loại bỏ thêm 76 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về việc xây dựng một chính phủ kiến tạo. Tuy nhiên, cần mạnh tay hơn nữa vì hiện vẫn còn nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện không thực sự cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và thiếu tính khả thi, từ lâu trở thành giấy phép con gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và DN.
Cụ thể hơn, theo luật sư Đức, là bãi bỏ nhiều hơn ĐKKD trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bổ sung ít hơn các ngành nghề mới vào danh mục này. Ví dụ, các ngành nghề kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim, tư vấn du học dự kiến bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không hợp lý vì những ngành nghề này không nên hạn chế kinh doanh.
Tuy nhiên, ban soạn thảo cho biết đây là nội dung tiếp thu góp ý của các bộ liên quan. Cụ thể, theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, dịch vụ phát hành và phổ biến phim phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì Luật Điện ảnh đã quy định DN phát hành phim phải có rạp chiếu phim… Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng theo Quyết định 05/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học, đây phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung nhóm vấn đề về ĐKKD, dự thảo luật còn rà soát các nhóm vấn đề về thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và các quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tại 12 luật hiện hành, trong đó có Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…
Đề xuất 14 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Theo dự thảo luật, 14 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được đề xuất bổ sung gồm: Dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; quản lý, vận hành nhà chung cư; quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; phát hành và phổ biến phim; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tư vấn du học; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; kiểm toán năng lượng; hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; dịch vụ tư vấn du học; đóng mới, cải hoán tàu cá; dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền internet.
Tô Hà
——————
Người lao động (Trong nước) 09-9-2016:
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/manh-tay-triet-giay-phep-con-201609092234568.htm
(199/1.075)