(HQ) – Đến nay gần như các nghị định nằm rong danh mục các nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư đã được Chính phủ ban hành. Cộng đồng DN đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, vẫn còn những vướng mắc, rào cản trong các quy định của pháp luật về kinh doanh được DN phản ánh.
Nỗ lực hoàn thành
Nằm trong lộ trình thực hiện các quy định của Luật Đầu tư 2014 (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành danh mục 49 nghị định sẽ được ban hành để đón thời điểm 1-7-2016, thời điểm những quy định bất hợp lý, trái với Luật Đầu tư phải được gỡ bỏ. Theo danh sách các nghị định đã ban hành được công bố, đến thời điểm này, lộ trình của Chính phủ đã gần chạm đích khi có 42/49 nghị định đã được Chính phủ ban hành. Trong đó, với những ngành nghề, hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, đã có 5/7 nghị định được ban hành như Nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán, Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Nghị định Quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, Nghị định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, Nghị định về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.
Bên cạnh đó, nhiều nghị định quy định về lĩnh vực tiền tệ cũng đã được ban hành như Nghị định quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng…
Nằm trong lộ trình thực hiện việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, dự án Luật sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh cũng đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia và người dân.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội, việc Chính phủ ban hành hàng loạt nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật Đầu tư là động thái tích cực, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ nhằm dần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho các DN trong nước. Cộng đồng DN, trong đó có các DNNVV Hà Nội rất hoan nghênh tinh thần quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, đại điện Hiệp hội DNNVV Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo và giám sát nghiêm túc việc thực thi các quy định này tại các sở, ban ngành ở các địa phương, bởi trên thực tế vẫn chưa hết các dấu hiệu gây khó khăn cho DN.
Đánh giá về những kết quả đạt được, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, quá trình cải thiện môi trường đầu tư thời gian qua cho thấy Chính phủ thể hiện quan điểm rõ ràng, với tinh thần “sôi sục”, tuy nhiên, vẫn có những bộ, ngành “cố thủ” để giữ quyền lợi, trong đó điển hình là Bộ Công Thương. Dẫn trường hợp Thông tư 20 quy định về điều kiện kinh doanh nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi gây “bão” dư luận thời gian qua, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, hiện nay các bất hợp lý lớn nhất đang “nằm” tại Bộ Công Thương, bao gồm các quy định liên quan đến kinh doanh gas, gạo, rượu, xăng dầu, ô tô… Rất nhiều quy định bất hợp lý đang tồn tại trong các văn bản này cần sớm phải được sửa chữa, cho dù có cả những quy định mới được ban hành như Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí.
Chưa hết bất cập
Liên quan đến Thông tư 20, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An cho biết, theo công bố của đại diện Bộ Công Thương, Thông tư 20 đã hết hiệu lực, tuy nhiên có một điều bất hợp lý là Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, ban hành sớm các quy định có tác dụng tương đương Thông tư 20. Theo đề xuất của Bộ Công Thương, quy định mới bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam. Nếu đúng theo tinh thần này, có thể hàng ngàn xưởng sửa chữa ô tô phải đóng cửa, kéo theo hàng chục ngàn người mất việc làm.
Ông Nguyễn Tuấn cũng cho biết thêm, dự thảo văn bản về thủ tục hành chính của Bộ GTVT đang lấy ý kiến, trong 2 dự thảo (ngày 4-7 và dự thảo ngày 14-7), đều quy định nếu có giấy chứng nhận xuất xưởng chính hãng thì sẽ được miễn kiểm, nếu không có thì sẽ phải kiểm tra hiện trường. “Tuy nhiên, không hiểu do áp lực nào, trong dự thảo ngày 29-8, Bộ GTVT lại yêu cầu các DN NK bắt buộc phải có giấy xuất xưởng chính hãng của nhà sản xuất, trong khi đó những DN NK ô tô như chúng tôi không thể có được giấy chứng nhận này. Nếu NK trực tiếp từ công ty mẹ thì sẽ có giấy chứng nhận này, còn nếu mua từ các nhà NK thứ cấp từ nước ngoài thì giấy xuất xưởng họ phải thu lại để làm thủ tục hoàn thuế ở nước sở tại. Họ đang định “lách” quy định này vào để gây khó khăn cho nhà NK. Chúng tôi đang làm văn bản kiến nghị xin sửa đổi lại nội dung này theo hướng như hai lần dự thảo trước đó”, ông Nguyễn Tuấn cho biết.
Theo ông Chu Hưng Giáp, Công ty TNHH Huy Hoàng (Hà Nội)- DN chuyên về kinh doanh khí, với nội dung Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí cũng như Thông tư 03 hướng dẫn Nghị định, DN không thể xin được giấy phép để trở thành thương nhân phân phối gas, vì khi xin giấy phép làm thương nhân phân phối gas thì phải có giấy phép nạp gas, còn xin giấy phép nạp gas thì phải có giấy phép là thương nhân phân phối. Cụ thể, theo quy định của điều 9 Thông tư 03 hướng dẫn Nghị định này, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai phải có Bản sao Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG, nhưng Điều 8 Thông tư này lại quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG phải bổ sung các giấy tờ như là Bản sao Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai hoặc hợp đồng thuê nạp LPG vào chai.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu việc bãi bỏ các giấy phép con bất hợp lý quá khó, thì đây không phải là việc của các bộ nữa, mà Quốc hội, Chính phủ phải ra tay, bởi nếu để các bộ xử lý theo cách như thời gian qua thì không biết bao giờ mới thay đổi được những bất cập, chưa kể các địa phương, nơi mà lợi ích sát sườn sẽ khiến họ bảo vệ quyết liệt hơn.
“Thời gian quan trọng nhưng không phải là cái quyết định, cái quyết định vẫn là quan điểm. Các vấn đề phải được làm rõ ràng, cụ thể thì việc giải quyết sẽ dễ dàng, còn nếu cố làm cho mọi việc rối tinh lên, cố giữ khư khư những cái không hợp lý, thì đương nhiên sẽ tranh cãi, mất nhiều thời gian hơn”, ông Đức nhận định. Theo các chuyên gia, không chỉ dừng lại ở mốc 1-7, tiến trình tháo gỡ rào cản trong kinh doanh sẽ phải tiếp tục quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Hoài Anh
——————
Hải quan (Doanh nghiệp) 11-09-2016:
https://haiquanonline.com.vn/cat-bo-giay-phep-con-phai-tiep-tuc-quyet-liet-manh-me-hon-63923.html
(325/1.573)