1.336. Những quy định kỳ lạ: Bỏ thì lấy gì để quản lý?

(VNN) – Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân quy mô và năng lực của DN tư nhân ngày càng thu nhỏ bé và teo tóp dần, bởi Nhà nước can thiệp quá nhiều vào hoạt động kinh doanh.

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) liên tục 7 năm qua cho thấy, DN tư nhân ngày càng nhỏ bé và teo tóp dần.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, gần 30 năm mở cửa, đa số DN tư nhân Việt Nam không thể lớn mạnh được, bởi có quá nhiều quy định can thiệp quá nhiều vào hoạt động kinh doanh. Việc ban hành các điều kiện kinh doanh chính là cách để can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN.

Những quy định kỳ lạ

Hiện nay DN đang bị quản lý quá chặt chẽ và cứng nhắc, từ điều kiện kinh doanh phải đáp ứng, đến các nghĩa vụ phải báo cáo cơ quan chức năng, rồi đến quản lý chất lượng sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là thanh tra, kiểm tra. Điều này khiến DN bị trói chặt chân tay, không cựa quậy được.

Khi chúng tôi rà soát và yêu cầu loại bỏ một điều kiện kinh doanh nào đó, thì các cán bộ quản lý Nhà nước thường chất vấn: Bỏ thì lấy gì để quản lý? Cán bộ Nhà nước mà không được làm chức năng quản lý, thì làm gì? Như vậy có khác gì không hoàn thành nhiệm vụ? Vì vậy, việc loại bỏ các điều kiện cản trở tự do kinh doanh của DN rất khó khăn, ông Hiếu cho biết.

Trong khi đó, hiện có những điều kiện kinh doanh quy định quá mức cần thiết, như đòi hỏi về kinh nghiệm, số năm làm việc của nhân sự, trong một số ngành nghề. Điều này không giải quyết được vấn đề gì, còn tạo ra rào cản ra nhập thị trường lao động, khiến nhiều sinh viên mới ra trường không kiếm được việc làm, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính, tốn kém chi phí của DN.

Không những thế, còn có những quy định rất kỳ lạ, lo thay cho DN, như điều kiện kinh doanh khí có quy định: muốn trở thành thương nhân kinh doanh khí đầu mối phải có ít nhất 100.000 vỏ bình và kho chứa 3.000m3. Chất vấn cơ quan soạn thảo, được biết, quy định này để đảm bảo DN đủ nguồn cung đáp ứng cho thị trường. Như vậy cơ quan chức năng đã can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh. Lo DN không đáp ứng đủ thị trường nên phải đưa ra điều kiện về quy mô, cơ sở vật chất. “Trần hay sàn sản lượng, quy mô kinh doanh hãy để DN tự quyết định theo thị trường, đó là việc của DN, không phải của Nhà nước”, ông Hiếu nói.

Thậm chí, còn can thiệp vào cả quyền lựa chọn của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ. Chẳng hạn Dự thảo Nghị định về Điều kiện kinh doanh ô tô , do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, có yêu cầu, với kinh doanh xe nhập khẩu phải có xưởng bảo hành bảo dưỡng và bắt buộc phải bảo hành bảo dưỡng xe cho khách hàng. Điều này bỏ qua vai trò của người tiêu dùng, cho rằng cứ thấy bán xe nhập khẩu là người ta nhắm mắt lao vào mua, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì họ không biết lựa chọn.

Cảnh báo ‘cài cắm chính sách’

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Pháp chế VCCI, hiện nay, đa số các điều kiện kinh doanh đã được đưa vào cấp Nghị định, nhưng thường kèm theo một câu: Bộ hướng dẫn về thủ tục hành chính. Đến Thông tư hướng dẫn, các Bộ mới quy định về thành phần hồ sơ và đây mới là cái được áp dụng thực tế. Và điều thường thấy là có nhiều thành phần hồ sơ chẳng liên quan gì đến các điều kiện kinh doanh đã được nêu trong Nghị định.

Ví dụ, Nghị định chỉ yêu cầu nhân lực phải tốt nghiệp đại học, đến Thông tư, ngoài quy định nộp bằng đại học, lại yêu cầu thêm “chứng chỉ hành nghề”. Nghị định chỉ yêu cầu người phụ trách kỹ thuật có bằng cấp, đến Thông tư lại yêu cầu phải nộp cả bằng cấp của người quản lý DN. Nói chung, có muôn vàn cách để cài cắm chính sách.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, cho rằng, thách thức đáng lo ngại hiện nay là điều kiện kinh doanh “chui” vào các quy chuẩn kỹ thuật. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 quy định: tiêu chuẩn do một tổ chức công bố để tự nguyện áp dụng, còn quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Thế nhưng, quy định về điều kiện kinh doanh và quy chuẩn kỹ thuật đều có chung ít nhất 2 mục tiêu là bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn sức khỏe. Điều kiện kinh doanh thì không thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, nhưng quy chuẩn kỹ thuật lại thuộc thẩm quyền của các Bộ. Vì vậy, tình trạng biến điều kiện kinh doanh thành quy chuẩn kỹ thuật, một cách trái luật theo kiểu “ốc mượn hồn”, còn khủng khiếp hơn.

Một vấn đề nữa, cũng được các chuyên gia cảnh báo, Điều 7 Luật Đầu tư có quy định: Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành nghề đáp ứng điều kiện về an toàn xã hội. Đây chính là con dao 2 lưỡi, bởi có thể suy ra bất cứ sản phẩm nào cũng gây mất an toàn cho xã hội và đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Kinh doanh ô tô nhập khẩu , bị đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chính là vận dụng quy định này, cho rằng có nguy cơ gây rủi ro cho xã hội. Những ngành nghề khác như kinh doanh thực phẩm cũng có thể gây mất an toàn cho xã hội khi có độc tố trong đó.

Với cách làm này, nguy cơ được cảnh báo là thời gian tới có thể lại “bùng nổ” và rối tung các điều kiện kinh doanh, khiến DN không tránh khỏi khó khăn vướng mắc và chẳng bao giờ phát triển được. Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần ban hành mới và sửa đổi lại các điều kiện kinh doanh, ông Hiếu đề xuất.

Theo Trần Thủy

Vietnamnet

————

Vietnamnet (Kinh tế) 01-6-17:

http://cafef.vn/nhung-quy-dinh-ky-la-bo-thi-lay-gi-de-quan-ly-20170601072827234.chn

(166/1.170)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,832