(CT) – Trước khó khăn thực tế của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về những vướng mắc liên quan đến cơ chế đầu tư kinh doanh nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung, sáng nay (3/6), báo Thời báo Kinh Doanh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Làm gì để môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, ổn định?”.
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Rủi ro chính sách
Chia sẻ câu chuyện thực tế từ chính DN mình, ông Tào Quốc Tuấn- Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh- cho biết, năm 2007, Công ty TNHH Bình Minh đã đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Nghi Sơn, với công suất 90.000 m3/ngày đêm tại xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, để phục vụ cho Khu kinh tế Nghi Sơn và Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.Theo quy hoạch, Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Nhà máy nước sạch Nghi Sơn sẽ bảo đảm cấp nước cho khu vực Đông Nam khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2025. Đến năm 2010, Công ty Bình Minh đã hoàn thành giai đoạn 1 Nhà máy với công suất 30.000 m3/ngày đêm và từ tháng 2/2016, tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2.
Thế nhưng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 10/6/2016, chấp thuận chủ trương cho liên doanh Công ty Anh Phát – Sông Chu làm chủ đầu tư nhà máy nước sạch mới tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với công suất 60.000m3/ngày đêm, chặn ngay đầu nguồn Nhà máy nước Nghi Sơn. Điều đáng nói là nhà máy này không có trong quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn. Ông Tào Quốc Tuấn chua xót cho biết: “Họ đặt nhà máy nằm ở vị trí yếu hầu, bóp nghẹt luôn nhà máy chúng tôi đã đầu tư. Nguy hiểm hơn, với nhà máy mới này thì nguồn cung nước cho khu vực bị thừa. Nên với sự ra đời của nhà máy đó, nhà máy chúng tôi đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị “bức tử”. “Dù chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị, nhưng tỉnh vẫn cứ quyết tâm làm”- ông Tuấn nói.
Từ câu chuyện thực tế này, theo Luật sư Trương Thanh Đức- Trọng tài viên VIAC – GIám đốc Công ty Luật ANVI, lẽ thường kinh doanh là phải chấp nhận lãi, hòa hoặc lỗ và rủi ro lớn nhất là mất toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, kể từ năm 1945 đến nay, dường như rủi ro lớn nhất trong kinh doanh lại là rủi ro pháp lý hay rộng hơn là rủi ro chính sách, thay vì rủi ro thị trường hay bất cứ thứ rủi ro nào khác. Luật Đầu tư năm 2005 và 2014 quy định rõ về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Như vậy, khi pháp luật thay đổi theo hướng bất lợi hơn thì nhà đầu tư vẫn được bảo đảm ưu đãi tốt hơn hoặc không bị giảm đi. Tuy nhiên, trên thực tế lại diễn ra nhiều hành động vô tình hay cố ý gây khó và đánh đố nhà đầu tư.
Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định
Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI- chia sẻ, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh, Việt Nam dù tiến bộ nhưng vẫn thuộc nền kinh tế ở mức trung bình, do đó, cần tiếp tục cải cách thể chế. “Theo khảo sát của cộng đồng DN, còn 24 điều kiện kinh doanh không hợp lý, cần được xóa bỏ. Cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch đang là nhiệm vụ quan trọng đặt ra”– ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, khi nói tới việc “trên nóng dưới lạnh, thờ ơ vô cảm” thì không chỉ cấp địa phương mà còn ở cấp bộ ngành trung ương. Thủ tướng quyết liệt nhưng xuống tới cấp bộ, ngành địa phương thì đã bị nguội đi. Do đó, cần nhất quán việc thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ phải được thực hiện ở mọi cấp.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đừng để diễn mãi nghịch lý, rủi ro pháp lý và rủi ro chính sách vẫn là rủi ro lớn nhất đối với DN và nhà đầu tư. Muốn môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thì mọi thứ phải được giải quyết bằng pháp luật, tháo gỡ, giải tỏa nhanh chóng, dứt điểm các vụ việc kiểu trên, thay vì hô hào chung chung.
Nguyễn Hạnh
————
Công thương (Doanh nghiệp) 03-6-2017:
http://baocongthuong.com.vn/de-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-minh-bach-on-dinh.html
(241/818)