1.337. Lãi suất 20%/ năm nhằm khống chế nạn cho vay nặng lãi

(ND) – Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội chính thức thông qua từ cuối năm 2015 và sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017. Điểm thay đổi đáng kể trong Bộ luật này chính là quy định về lãi suất. Theo đó, luật quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20 %/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác”.

Nếu đọc qua, nhiều người hiểu rằng, tất cả người dân, tổ chức tín dụng, trong đó có cả công ty tài chính chỉ được cho vay với lãi suất tối đa 20 %/năm. Tuy nhiên, theo TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, quy định này có nghĩa là trần lãi suất cho vay 20 %/năm chỉ được sử dụng nhằm điều chỉnh hoạt động tín dụng phi chính thức, khống chế nạn cho vay nặng lãi. Còn cái đuôi “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” hàm ý rằng, các tổ chức tín dụng sẽ được cho vay theo lãi suất thỏa thuận theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trên thực tế, hiện nay, lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng dao động từ 15-25 %/năm, của các công ty tài chính tiêu dùng có thể lên tới 50-60 %/năm, áp dụng cho các khách hàng vay có mức độ rủi ro cao.

Trước đó, trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có đưa ra hai phương án quản lý lãi suất, TS Cao Sĩ Kiêm đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ quan điểm nào bởi theo ông, cả hai phương án nêu ra trong dự thảo về mặt lý thuyết tưởng rằng là có lý, nhưng quan trọng nhất là cơ sở xác định vẫn chưa rõ ràng, chưa có căn cứ khoa học.

“Tại sao chúng ta lại lấy một con số khống chế trần lãi suất không vượt quá 20 %? Tại sao lại đưa ra con số này mà không chứng minh được, áp đặt cảm tính như vậy? Có người bảo rằng, lạm phát cao thì lấy đến 200 %, thế nếu lạm phát thấp thì lấy trần bao nhiêu?”, TS Kiêm đã từng đặt ra câu hỏi.

Về phương án hai đề cập đến trần lãi suất không được vượt quá 200 % lãi suất cơ bản của NHNN, TS Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, thực tế, từ lâu NHNN đã không còn công bố lãi suất cơ bản. Tuy rằng, NHNN cũng đã vài lần công bố lãi suất cơ bản, nhưng sau đó đánh giá lợi ích và tầm quan trọng của việc làm này đối với thị trường là không thiết thực, nên sau đó, NHNN cũng đã quyết định không thực hiện việc công bố này nữa. Như vậy, đã không công bố, biết lấy gì làm căn cứ để quản lý?

Để quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm được sự phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay, theo TS Cao Sĩ Kiêm, cần phải tiến hành tự do hóa lãi suất. Tự do lãi suất là đúng với quy luật cung cầu của thị trường, nó sẽ tạo ra sự cạnh tranh cao giữa các tổ chức tín dụng và chính sự cạnh tranh ấy sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng. Đó là những gì các nước phát triển đã, đang thực hiện và Việt Nam cũng cần phải xác định hướng đi đúng đắn như vậy. Một khi đã đề cập đến nền kinh tế thị trường, theo ông, cần phải tính để làm sao các công cụ điều chỉnh thực sự mang tính thị trường, không thể áp đặt một con số nào cụ thể vào đó, để rồi ít lâu sau lại phải điều chỉnh luật.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng cho rằng, quy định “trừ trường hợp liên quan” có nghĩa cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện lãi suất thỏa thuận như trước đây. “Trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) không tác động đến hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng”, ông Trương Thanh Đức nhận xét.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng có chung nhận định: “Trần lãi suất chỉ nên áp dụng để ngăn chặn tín dụng đen, còn với các tổ chức tín dụng, nhất là các công ty tài chính, nên để tự do hóa lãi suất. Bởi vay tiêu dùng dựa trên tín chấp là chính, rủi ro rất cao nên nếu áp trần, chắc chắn các công ty tài chính sẽ không thể triển khai cho vay. Trên thực tế, tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, lãi suất cho vay tiêu dùng cũng lên tới 30-40 %”.

VIỆT PHONG

——————

Nhân dân (Kinh tế) 13-9-2016:

http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/30681502-lai-suat-20-nam-nham-khong-che-nan-cho-vay-nang-lai.html

(76/881)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,035