(DĐDN) – Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ngoài việc nhất quán trong chính sách, chính quyền cần có sự “chung thuỷ” đối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Phát biểu tại Hội thảo “Làm gì để môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, ổn định?” tổ chức tại Hà Nội sáng nay (3/6), TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vấn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, ổn định là vấn đề muôn thủa.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đang khởi động làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường theo những tiêu chuẩn và thông lệ phổ biến trên thế giới. Kinh tế tư nhân chính là động lực, Nhà nước có vai trò quan trọng trong tạo môi trường, còn làm kinh doanh là sự nghiệp của toàn dân.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, lần đầu tiên thúc đẩy khởi nghiệp được đề cập, nâng cao vai trò cạnh tranh của nền kinh tế. TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Đây là 3 trụ cột trong định hướng xây dựng thể chế trong thời gian tới… Chúng ta cần xây dựng thể chế kinh tế thị trường, mục tiêu môi trường kinh doanh đạt mức trung bình Asean 4, sau đó mới đến chuẩn mực của thế giới. Mục tiêu này rất tham vọng”.
Hội thảo “Làm gì để môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, ổn định?”
Theo TS Vũ Tiến Lộc, mặc dù đã có những tiến bộ trong những năm qua, mà đặc biệt từ năm 2016 đến nay, nhưng theo phản ánh của cộng đồng DN nước ngoài tại Việt Nam thì họ chọn VN vì có môi trường chính trị ổn định, quy mô thị trường tương đối lớn, kết nối vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chi phí lao động thấp.
“Tuy nhiên, môi trường kinh doanh và thể chế của VN vẫn còn phức tạp, chi phí thủ tục hành chính vẫn cao, phức tạp, đánh giá của DN FDI về môi trường kinh doanh vẫn thấp. Dù được tăng hạng nhưng môi trường kinh doanh của VN theo Ngân hàng Thế giới (Wold Bank) vẫn trong nhóm thấp. Vì thế cải cách môi trường kinh doanh là yêu cầu bức thiết” – Chủ tịch VCCI khẳng định.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết, sau cuộc gặp Thủ tướng với DN năm 2016, thực hiện cắt bỏ các điều kiện kinh doanh thì đã có bước tiến là xây dựng 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh, tuy nhiên theo khảo sát của cộng đồng DN vẫn còn 234 ngành có điều kiện, còn có thể bỏ được. Vừa qua VCCI rà soát có 24 ngành có điều kiện kinh doanh không hợp lý, đề nghị Chính phủ xem xét.
“Tôi nghĩ còn nhiều quy định về điều kiện kinh doanh bất lợp lý vẫn tồn tại. Tôi nghe thấy có nhiều việc không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý đều cho rằng bất hợp lý nhưng bảo rằng pháp luật quy định như vậy thì chúng ta phải thực hiện. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị mỗi kì họp Quốc hội nên hình thành một luật sửa đổi nhiều luật, đôi khi chỉ sửa một điều trong luật…”– ông Lộc nêu quan điểm.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết từng nêu một số điều kiện kinh doanh phi lý như mũ bảo hiểm, đóng tàu…. “Tôi cho rằng cần phải sửa đổi, nhìn ra ASEAN họ làm như thế nào thì chúng ta cần làm như vậy. Sửa đổi hệ pháp luật kinh doanh phải làm mạnh mẽ hơn” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Thực tế, tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe” một phần do ý thức, năng lực cán bộ nhưng có nguy hiểm hơn quy định pháp luật giải thích kiểu gì cũng được, mỗi nơi giải thích một kiểu, mỗi công chức giải thích một kiểu, gây khó khăn cho người làm kinh doanh.
Ngoài ra, theo Chủ tịch VCCI, trong thời gian qua, trong chi phí kinh doanh, chúng ta không chỉ nói tới chi phí thấp mà còn nói tới rủi ro thấp. Khi nói tới việc trên nóng dưới lạnh” thờ ơ vô cảm” thì không chỉ cấp địa phương mà còn ở cấp bộ ngành trung ương.
“Thủ tướng quyết liệt nhưng xuống tới cấp bộ, ngành địa phương thì nó “nguội” đi rồi”– TS Vũ Tiến Lộc nói.
Vì thế, ông Lộc nhấn mạnh: Cần sự nhất quán và việc thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ cở mọi cấp. Không phải chỉ có việc nhất quán chính sách mà còn cần tới sự “chung thuỷ” của chính quyền đối với doanh nghiệp.
“Khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án, nhiều nơi cơ quan không thực sự “chung thuỷ” với doanh nghiệp khi thay đổi chủ trương, có những vấn đề do “lợi ích nhóm” làm ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp, đẩy họ vào tình thế khó khăn”– ông Lộc nêu thực tế.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian tới VCCI tiếp tục kiến nghị rà soát sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, trong đó điều kiện đầu tư kinh doanh là “điểm nghẽn” quan trọng với các doanh nghiệp.
“Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp là bỏ các điều kiện kinh doanh. Căn cứ kết quả rà soát, VCCI sẽ kiến nghị các điều kiện này cần được xem xét kỹ lưỡng loại bỏ những điều kiện không hợp lý, việc sửa đổi quy định đó là yếu tố cần thiết”– TS Lộc khẳng định.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo thực hiện nhất quán các quy định của pháp luật, là một việc cần thiết. Do đó, việc tăng cường quyền lực thực thi sẽ là một yêu cầu quan trọng.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Trương Thanh Đức- Trọng tài viên VIAC cho rằng, hiện, rủi ro lớn nhất lớn nhất của doanh nghiệp đều là rủi ro về pháp lý mà mở rộng ra là rủi ro chính sách.
“Ở các nước Mỹ hay Tây Âu hệ thống luật rất minh bạch, tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển, trong khi đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn là “môi trường kinh doanh mạo hiểm”– LS Đức nhấn mạnh.
LS Trương Thanh Đức khẳng định: Chúng ta không thể cứ tiếp diễn mãi tình trạng trên nóng- dưới lạnh, “tiếng tôi vang rưng núi sao ko ai trả lời”… Nếu cứ diễn mãi nghịch lý về rủi ro pháp lý thì doanh nghiệp sẽ còn mãi khó khăn. Ngoài ra, còn một nguy cơ nữa chúng ta không thể không lên tiếng đó là những vấn đề nằm ngoài pháp lý như sân sau, cánh hậu…đó là những rủi ro trong thời gian tới.
Thy Hằng
————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Phát triển doanh nghiệp) 03-6-2017:
http://enternews.vn/chu-tich-vcci-chinh-quyen-can-chung-thuy-voi-doanh-nghiep-111803.html
(171/1.262)