(CP) – Dù kêu gọi DN đầu tư dự án nhưng nhiều cơ quan không thực sự “chung thủy” với DN khi thay đổi chủ trương, trong khi DN cần một môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định, công khai minh bạch để phát triển.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là một nội dung được trao đổi tại Hội thảo “Làm thế nào để môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, ổn định” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức ngày 3/6.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những năm gần đây, Chính phủ đã rất quan tâm và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, cởi mở tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Chủ tịch VCCI cho rằng Việt Nam vẫn đang là địa điểm đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ. Thị trường Việt Nam đang hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ chính trị xã hội ổn định, quy mô thị trường tương đối lớn, kết nối vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chi phí lao động thấp.
Nhưng so với thế giới, môi trường kinh doanh Việt Nam còn phức tạp, chi phí chính thức và phi chính thức còn cao, do đó, dù có tiến bộ nhưng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn ở mức trung bình, vẫn cần phải cải quyết liệt hơn.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những cải cách đáng ghi nhận là việc xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực trong phát triển kinh tế. Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chính sách, sáng kiến mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu DN.
Tuy vậy, những rào cản lớn về môi trường kinh doanh và khả năng tiếp cận hạn chế đối với các nguồn lực sản xuất đã khiến khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam khó lớn mạnh. Trong đó, tiếp cận về đất đai, tài chính và bộ máy hành chính là 3 điểm khó khăn lớn đối với đầu tư và phát triển của kinh tế tư nhân ở Việt Nam…
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, một khi đã kinh doanh thì DN phải chấp nhận nhiều loại rủi ro lỗ lãi, hay mất toàn bộ tài sản. Nhưng đáng lo ngại là ngoài các rủi ro về thị trường, doanh nghiệp lại phải chịu thêm cả rủi ro pháp lý, hay rộng hơn là rủi ro chính sách…
Doanh nghiệp cần chính sách minh bạch, ổn định
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, vì những vấn đề vướng mắc, bất ổn về chính sách, sự thiếu công bằng giữa các DN khiến không ít DN “bình thường” e ngại đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh lâu dài vì quá nhiều rủi ro. Theo ông Hiếu, DN cần được bảo vệ tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trước tình trạng quy hoạch có vấn đề về chất lượng cần quy trách nhiệm rõ ràng cho cấp phê duyệt quy hoạch không hợp lý. Cần chấm dứt tình trạng quy hoạch “la liệt”, với tính hiệu quả, khả thi kém, trong đó, nguy hiểm nhất là tầm nhìn hạn chế.
“Ở một số địa phương có tư duy nhiệm kỳ, nay ông muốn quy hoạch thế này, ngày kia ông khác lên lại muốn quy hoạch cách khác. Do vậy, tôi cho rằng thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch phải là cấp trên của ông phê duyệt quy hoạch. Ngoài ra, quy trình điều chỉnh quy hoạch cần làm chặt chẽ hơn xây dựng quy hoạch”. TS. Vũ Đình Ánh nói.
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, dường như thông tin quy hoạch đang là công cụ thu lợi nhuận lớn, do đó, cần quan tâm tới câu chuyện minh bạch, công khai quy hoạch, trong Luật Quy hoạch cần quy định rõ khi điều chỉnh gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong quy hoạch đó, người làm quy hoạch phải đền bù
Theo ông Vũ Tiến Lộc, khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án, nhiều nơi cơ quan không thực sự “chung thủy” với doanh nghiệp khi thay đổi chủ trương khiến DN bị đẩy vào tình thế khó khăn. Còn Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, quy định pháp luật phải bảo đảm một cách trọn vẹn, tiến bộ và sòng phẳng về quyền sở hữu và hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần rà soát hệ thống pháp luật, chính sách về sở hữu tài sản, khuyến khích bảo đảm đầu tư, kinh doanh an toàn. Hơn nữa, theo Luật Đầu tư 2014 có quy định về “trường hợp văn bản pháp luật mới ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án”…
Huy Thắng
———–
Chính phủ (Kinh tế) 04-6-2017:
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Can-loai-bo-rui-ro-phap-ly-cho-doanh-nghiep/307892.vgp
(102/960)