1.348. Phú “chọi trâu” và cuộc chiến chống tham nhũng

(VT) – “Mình cũng là đảng viên mà khi nói với họ là các anh ra nghị quyết để cấp đất như thế là sai, cũng là người Đồ Sơn với nhau mình can ngăn hành động sai trái mà họ lại nói vào mặt mình “chó sủa cứ sủa, đường ta, ta cứ đi”- Ông Đinh Đình Phú buồn rầu kể lại.

Minh Thụy Người hùng chống tham nhũng- Đinh Đình Phú

Cuộc chiến “ba mất một còn”

Những ngày hè oi ả về biển Đồ Sơn, gặp người dân nơi đây hỏi ông Đinh Đình Phú, ai cũng biết. Người ta gọi ông là Phú “chọi trâu”, rồi chỉ dẫn cho tường tận nhà ông…

Ông sống một mình trong căn nhà nhỏ xây từ cách đây đến hơn nửa thế kỷ ở tổ dân phố số 5, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Nhà ở lưng chừng núi bên phải là Suối Rồng ngày đêm nước chảy róc rách, phía trước là đình làng xây bằng đá, nơi các chú trâu chuẩn bị ra “võ đài” đều phải đến trình Thần Hoàng…

Ông Phú “chọi trâu” bắt đầu câu chuyện với chúng tôi trong nơi như cái lều cà phê sành điệu ở trước cửa căn nhà cũ nát trên núi của ông.

Ông Đinh Đình Phú tại buổi giới thiệu sách của mình

Cách đây hơn chục năm vụ quan tham ở Đồ Sơn lợi dụng chức vụ quyền hạn còn ra nghị quyết để tư lợi đất đai bị ông phanh phui. Cũng vì dám đứng ra phanh phui sai trái bè phái tham nhũng của dân mà ông bị một số kẻ có quyền có chức lúc đó miệt thị. “Chúng bảo với nhau ngay trước mặt tôi, khi tôi can ngăn hành động sai trái: “Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”- ông nâng bát chè xanh lên môi định uống nhưng rồi lại đặt xuống bàn, giọng buồn rười rượi.

Ông bảo, trong cuộc chiến chống tham nhũng đã có lúc ông mất tất cả tiền bạc lẫn tinh thần.

Ngày ấy, mẹ ông gần trăm tuổi đang cần tiền sinh sống hàng ngày, vợ thì ốm nằm liệt giường cần tiền để thuốc thang chữa bệnh. Cả nhà gom góp bao năm  mới có được 40 triệu đồng, ông dằn lòng cho hết vào những chi phí đi lại … để đội đơn tố cáo. Mỗi lần cầm tiền đi đều phải nói dối vợ là đi lên Hà Nội mua thuốc.

Đến bây giờ ngồi trước ảnh mẹ và người vợ đã mất trong những ngày tháng ông đội đơn tố cáo tham nhũng ông bảo: “Đó là cuộc chiến ba mất một còn!”

Ba mất, theo ông: Một là, mất vợ. Vợ ông bị sốc đã ra đi lúc người ta đến áp đảo tại nhà khi ông đi thưa kiện. Hai là, mất họ hàng thông gia. Họ hàng, thông gia thân thuộc trong gia đình không được đất nữa nên họ chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Ba là, mất một cán bộ sai trái. Ông này đã treo cổ tự tử. Còn một được là vẫn còn là đảng viên và ngăn chặn được tham nhũng.

Ngày ấy, mãi đến lần thứ 9 ông đội đơn tố cáo, sai phạm mới được xét xử công khai…

“Khối thuốc nổ…”

“Đồng chí tự nguyện là khối bộc phá nổ tung khối tham nhũng, gióng hồi chuông để người dân chống tham nhũng”, ông Phú nhớ lại lời một cán bộ cấp cao nhận xét về mình.

Ngày ấy, suốt bốn năm trời ông đi tố cáo trải qua bao nỗi niềm cuộc sống. Vui ít buồn nhiều! Buồn vì gia cảnh như thế, buồn vì không ít người không ủng hộ mà còn bảo “ông đang mang trứng chọi với đá đấy”.

Ông Đinh Đình Phú (áo sáng màu) cùng với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ngày ấy còn phải dặn dò ông Phú: “Đồng chí làm thế nào thì làm, có bảo vệ được mình thì mới bảo vệ được Đảng.”

Còn ông Phú thì xác định rõ ràng: Chống nội xâm cũng phải chấp nhận hy sinh. Không ai một mình tố cáo tham nhũng mà chiến thắng được. Tham nhũng thường có bè nhóm lợi ích với nhau. Vì vậy ông đã tìm những đảng viên trong sạch, những cán bộ Mặt trân và quần chúng nhân dân tích cực để cùng chống tham nhũng và đặc biệt là báo chí cả nước. Ngày ấy có tới 58 cơ quan báo chí có bài viết về chuyện tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng.

“Khối bộc phá” ấy đã nổ tung! Ông Phú ví von “cháy nhà ra mặt chuột”. Bốn cấp ủy đảng phải hầu tòa! Biết ông khi làm đơn tố cáo cũng đã 4 lần bị cảnh cáo kỷ luật Đảng, nên tôi đùa vui, ngày ấy bác cũng về hưu rồi mà vẫn còn hăng thế! Ông bảo, vì tuổi tác thì về hưu là đúng nhưng Đảng viên thì không về hưu!

Sau vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng được phanh phui, ông được Thủ tướng chính phủ thời bấy giờ là ông Phan Văn Khải biểu dương là “Công dân dũng cảm”, còn người dân thì tôn ông là “Anh hùng”.

“Tham nhũng có lơ lửng ở trên trời đâu”

Nhấp một ngụm chè xanh do tự tay mình pha mời khách ông tiếp tục: Phải thượng tôn pháp luật. Những kẻ tham nhũng họ cũng sống với nhân dân chứ có lơ lửng ở trên trời đâu mà dân không biết. Ông còn nhấn mạnh: Trên biết, dưới biết, trong biết, ngoài biết mà tệ nạn cứ tồn tại. Người dân không có quyền điều tra nên muốn chống tham nhũng người đứng đầu phải có quan điểm rõ ràng: Tham nhũng và bao che cho tham nhũng đều phải xử thật nặng. Bao che cho tham nhũng là tòng phạm rồi. Thế mới thượng tôn được pháp luật. Làm sao để cho người dân không phải sợ, không phải nặc danh khi viết đơn tố cáo thì mới an sinh được xã hội, bảo vệ được người tốt.

Ông Phú bảo các cụ xưa nói, “mía sâu có đốt”. Vẫn có rất nhiều cán bộ tốt, vì dân vì nước nên chống tham nhũng là để mọi người thêm đồng lòng xây dựng đất nước giàu đẹp! Đừng thấy người giàu mà ghen ghét… vì người ta tài giỏi và bằng sức lao động chính đáng của mình mà giàu thì đáng hoan nghênh lắm”- ông chia sẻ.

“Hỏi xoáy đáp xoay”

Ông Phú là một trong những người khôi phục lại  Lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn, lại từng 2 lần có trâu chọi vô địch. Không những thế ông còn huấn luyện trâu biết cúi chào khán giả, nên tôi  bảo hai bác  cháu “hỏi xoáy đáp xoay” chút nhé cho vui:

“Chọi gà, chọi dế, chọi chim

 Không gì phấn khích bằng nhìn chọi trâu

 Đầu ghì thân áp vào nhau

Chú nào sức yếu, xuất mau hiệp đầu

 Biết rồi sướng mãi về sau

Chẳng như quy luật “cứt trâu hóa bùn”

 Định kỳ trâu lại chọi trâu

 Quý vị nhớ lấy câu sau mà về:

“Dù ai buôn đâu bán đâu

Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai bận rộn trăm bề

Mồng mười tháng tám thì về chọi trâu”.

Ông nhìn tôi từ đầu đến chân rồi cười bảo: Đúng là chống tham nhũng là việc cần làm ngay chứ không thì  “để lâu cứt trâu hóa bùn” thì hỏng. Rồi hỏi lại, thơ của ai đó? “Luật sư Trương Thanh Đức bác ạ”- tôi trả lời. Ông gật gật đầu…

Phú “chọi trâu” trước giờ chọi trâu

Rồi ông bảo chọi trâu ở Đồ Sơn bây giờ người nông dân cũng khó vào lắm vì ai muốn tham gia cho trâu của mình vào dự lễ hội phải đóng 50 triệu đồng. Hội như thế thì sao là của dân được mà chỉ là của những người giàu thôi. Tôi đã kiến nghị bao lần lên các cấp mà đến nay vẫn im hơi lặng tiếng.

Biết ông từng là Đại tá an ninh nên tôi “xoáy” tiếp: Hiện tại ông nhìn nhận việc chống tham nhũng có gì khác với vụ Đồ Sơn xưa của ông? “Tham nhũng bây giờ cũng không khác trước ở một điểm người tham nhũng và người bao che tham nhũng đều có chức có quyền. Người bao che cho tham nhũng họ như cái nhà che chở cho người tham nhũng, chứ không có bao che kẻ tham nhũng sẽ trơ mặt ra ngay”- ông Phú trả lời.

Rồi ông bảo, ông vẫn tin trong hệ thống của chúng ta vẫn còn rất nhiều người tốt, họ sẽ như ngọn nến tỏa sáng giúp sức cho cuộc chiến chống tham nhũng.

Hạnh phúc cả một đời chỉ cần “cái nhìn”…

Ông Phú năm nay đã 83 tuổi. Trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Đồ Sơn, ông “tổng kết” là cuộc chiến “ba mất một còn”. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công là mặt trận báo chí đã sát cánh bên ông trong những lúc nguy hiểm nhất, buốn rầu nhất, thất vọng nhất.

Cái kỷ luật cảnh cáo đảng lần thứ 4 làm ông buồn nhất, thất vọng nhất, nhưng ông vẫn đứng vững và đấu tranh giành lại danh dự của mình.

Chia tay ông khi bao khách thập phương kéo đến dự lễ hội Suối Rồng ngay cạnh nhà ông ở lưng chừng núi, rồi họ kéo nhau ra biển…

Mấy ngày nay Hải Phòng, Hà Nội nóng như đổ lửa, buổi chiều khách tắm biển và đi dạo, nhiều người dừng lại để xem bức tượng chọi trâu ở ngay đầu khu I.

Nhìn những người giơ điện thoại ra chụp những vết chân mình trên bãi biển không hiểu sao tôi lại nhớ tới một đoạn trong kịch bản mà mình đã xem từ nhỏ. “Mùa hè tới, cậu sẽ đi dạo trên bờ biển với những cô gái thật là thùy mỵ. Lúc ấy cháu nhẹ nhàng hôn những vết chân của cậu còn gửi lại trên cát. Chợt cậu quay lại nhìn thấy cháu. Thế cũng đủ để cho cháu hạnh phúc cả một đời…”.

Ông Phú đã được người dân kông kênh và không ít người gọi là Anh hùng. Những “dấu chân” như thế. Những “cái nhìn” như thế, trộm nghĩ, cũng đủ để ông dịu đi bao nỗi buồn đau, sống hạnh phúc.

“Ông Đinh Đình Phú là một cựu chiến binh rất tâm huyết, khi còn đương chức đã từng hoạt động chiến đấu trên nhiều lĩnh vực, gặp không ít khó khăn, nhưng khi về hưu không hề nhụt chí, vẫn thể hiện được ý chí của một cán bộ cách mạng lo cho nước, cho dân, cho uy tín của Đảng”.

(Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư)

———–

Vietimes (Đời sống) 05-6-2017:

http://viettimes.vn/phu-choi-trau-va-cuoc-chien-chong-tham-nhung-125002.html

(84/1.909)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,834