(DĐDN) – Thời gian gần đây, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang ngày một phổ biển trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Vậy lợi thế của phương thức này là gì? Có những cơ chế riêng nào cho việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng?
Hội thảo “Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua hòa giải và trọng tài” diễn ra sáng 6/6/2017 do Trung tâm trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) tổ chức đã giải đáp tường tận những thắc mắc trên.
Tham dự Hội thảo có: Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam; Bà Nina Mocheva – Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường và Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới; GS Michael Hwang S.C., Cố ván cao cấp và là thành viên của tổ chức Chartered Arbitrator, Singapore; Luật sư Trương Thanh Đức – Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC); Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, vấn đề xử lý nợ xấu đang được xem là “cục máu đông” trong hệ thống tuần hoàn không khoẻ mạnh. Hệ thống tuần hoàn đó lại là của một cơ thể (PV-nền kinh tế Việt Nam) vừa vượt ra khủng hoảng lại đang oằn người ra gánh nợ công như quả núi khổng lổ đặt lên.
“Nợ xấu và nợ công nếu xử lý không tốt sẽ gây ra bất ổn cho nền kinh tế. Đấy là lý do vì sao mà Quốc hội đang phải ráo riết để thực hiện giải quyết nhưng vấn đề này” – LS Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh.
Chia sẻ về mục đích của việc tổ chức hội thảo ngày hôm nay, ông Huỳnh cho biết, thông qua phương thức giải quyết tranh chấp như thế này các doanh nghiệp có tìm cách gì để giúp cho việc giải quyết khối nợ xấu khổng lồ đó, giúp cho việc thu hồi nhanh những khoản nợ hiện tại và trong tương lai.
Đây cũng chính là một trong những mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ hướng tới. Việc rút ngắn thời gian xử lý các vụ án theo bộ luật tố tụng dân sự đều mong muốn giảm xuống 300 ngày. “Nhưng thực tế điều này vẫn là tính toán trên lý thuyết, toà án đang quá tải, thẩm phán có quá nhiều công việc, vậy thì vấn đề trọng tài và hoà giải liệu có giải quyết được không?” – LS Trần Hữu Huỳnh đặt vấn đề.
Bà Nina Mocheva – Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường & Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, bà tham dự Hội thảo với mục tiêu tìm hiểu những cơ hội cho ngành tài chính ở Việt Nam để cải thiện, hoàn thiện những phương thức giải quyết tranh chấp trong tài chính ngân hàng thông qua hòa giải.
“Ngân hàng Thế giới đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, cụ thể và VIAC từ 2013. Trong những năm qua, chúng tôi rất ấn tượng bởi Việt Nam đã có những bước đổi mới cải cách thể chế trọng tài, cùng với đó là một loạt loạt văn bản được. Mặc dù trong thực tế còn phải làm nhiều hơn nữa để đạt được kết quả mong muốn, tuy nhiên, với phương thức trọng tài ở Việt Nam, hiện nay, chúng ta đã có thể giải quyết nhiều hơn nữa những tranh chấp trong ngần hàng”. – bà Nina Mocheva nói.
Từ năm 2010 đến nay, Luật phá sản đã được ban hành, một loạt thiết chế đã được hình thành và cải thiện và mới đây bộ Luật tố tụng dân sự cũng được sửa đổi, cùng với đó là một loạt hội thảo được tổ chức trong thời gian vừa qua nhằm tháo gỡ các khó khăn trong tranh thương mại trong lĩnh vực ngân hàng.
Mặc dù vậy, bà Nina Mocheva vẫn cho rằng những quy định về pháp luật ở Việt Nam vẫn chưa đủ, việc thực thi trên thực tế vẫn còn nhiều vướng.
Thực tế, trên các nước, hành lang pháp lý của họ cũng chưa hoàn hảo nhưng thông lệ giải quyết lại rất hiệu quả để giải quyết tranh chấp. Khi nói đến ngân hàng và các định chế tài chính, các nước thế giới luôn ưu tiên hàng đầu. Trong những năm gần đây, ở Ngân hàng Thế giới, xu hướng hòa giải và trọng tài càng ngày càng tăng Luật Thương mại đã giúp ngân hàng rất nhiều trong việc giải quyết vướng mắc, tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng.
Hòa giải đã phổ biến hơn nhiều trong lĩnh vực ngân hàng khi giải quyết thu nợ, nợ xấu. Hiện, các khách hàng đều mong muốn sử dụng hệ thống hòa giải trong tranh chấp nhiều hơn so với tòa án như trước đây.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, LS Trương Thành Đức – CLB Pháp chế ngân hàng cho biết, VIAC với lịch sử hơn 50 năm nhưng nhiều tổ chức vẫn còn e dè khi coi đó là một tổ chức quốc tế.
Về giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng, theo ông Đức, từ khi có luật trọng tài đã thay đổi tàn bộ cục diện.
Cũng theo ông Đức, về các bên tranh chấp hiện nay bao gồm: Tranh chấp TCTD – khách hàng và tranh chấp tín dụng với tổ chức tín dụng.
Nội dung tranh chấp bao gồm: Thẩm quyền, tiền gốc, tiền lãi, bảo đảm, đáo hạn và khác. Riêng về thời hạn đáo hạn và tranh chấp về tiễn lãi rất ít khi xảy ra bởi Luật pháp Việt Nam và văn bản của Ngân hàng đã quy định rất rõ ràng.
Về phương thức giải quyết tranh chấp, trong trường hợp không thương lượng được sẽ tiến hành hòa giải, nếu không giải quyết được sẽ đưa ra tòa án, trọng tài. Nếu như trước đây, quy định về hòa giải được giải quyết trong tố tụng thì hiện nay Nghị định mới của Chính phủ đã mở ra cơ chế giải quyết hòa giải. Đối với trọng tài, trước đây hòa giải phải lựa chọn cụ thể từ cá nhân nhưng hiện nay cần 1 trung tâm hòa giải. Và quan trọng nhất nguyên tắc từ trước đến nay và hòa giải phải tự nguyện.
“Từ năm 2010 đến nay phán quyết có hiệu lực y như bản án, tuy nhiên, cơ chế bản án với ngân hàng là chậm trễ phải xếp lịch mới được xử lý vì quá tải. Riêng ngân hàng NN&PTNN đến nay đã có trên 6800 vụ. 1/8 trong số đó đã được giải quyết còn lại vẫn phải chờ giải quyết bởi bình quân tòa án phải mất 2-3 năm mới xử lý xong 1 vụ. Trong khi đó trọng tài mất 5-6 tháng” – ông Đức thông tin.
Về phương thức giải quyết: Hiện phí trọng tài cao hơn tòa án nhưng có hạch toán rõ ràng. Tòa án khá chậm trễ, tốn kém, tiêu cực và nhiều vấn đề về chuyên môn, chuyên sâu đặc biệt với hợp đồng liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Trên thực tế giải quyết, tại tòa án chưa có một vụ việc hòa giải trong khi đó nếu thông qua tổ trọng tài thì đã có số lượng dù ít là tiến tới hoà giải. Tuy vậy, tính đến thời điểm hện tại, tòa án vẫn là cơ quan xử lý chính.
Trong trường hợp lựa chọn khởi kiện sẽ phải giải quyết 3 vấn đề: Khởi kiện hợp đồng cho vay khi không có tài sản đảm bảo, không có tài sản người thứ ba; Chỉ khởi kiện hợp đồng thế chấp; Khởi kiện cả hợp đồng cho vay và thế chấp.
Hiện các chi nhánh ngân hàng là đơn vị thừa hành, thực hiện hợp đồng lại thiếu thông tin để lựa chọn trọng tài và có nguy cơ bế tắc khi không biết thủ tục lựa chọn trọng tài và thi hành hợp đồng mẫu như thế nào.
LS Trương Thanh Đức cho biết, tố tụng trọng tài đã có thay đổi căn bản, nếu như trước đây gặp khó khăn vướng mắc khi không đưa được người thứ 3 (có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) vào tham gia tố tụng thì hiện nay, có thể lựa chọn thỏa thuận trong cả hợp đồng tín dụng và bảo đảm hay thỏa thuận 3 bên bằng văn bản riêng.
Theo LS Trương Thanh Đức, về địa điểm giải quyết, VIAC có thể giải quyết tất cả các tranh chấp xảy ra tại các chi nhánh TCTD trên cả nước trong khi trọng tài viên và bộ máy hỗ trợ mới chỉ tập trung ở Hà Nội và Sài Gòn. Có thể tổ chức hội nghị truyền hình kết nối và giải quyết tranh chấp chứ đương sự chỉ phải nộp phí cố định trung tâm trọng tài công bố: hạn chế chi phí đi lại, cho đương sự.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã trình bày một số nội dung chính của nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Theo bà Mai, hòa giải thương mại đang trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng trên thế giới. Việc giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án luôn ở trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng số lượng vụ án tồn đọng (theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao: Số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài chỉ chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại).
Hòa giải thương mại đang có ưu thế hơn so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp
Trong quá trình xây dựng Nghị định, chúng ta đã nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài (Anh, Singapore, Hồng Kông,…). Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các tọa đàm, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia…
Những nội dung chính của nghị định gồm:
Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Theo Điều 2, tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại (bao gồm các tranh chấp phát sinh từ hoạt động tín dụng?); Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Vậy, tranh chấp trong hoạt động tín dụng có được giải quyết bằng hòa giải? Bà Mai cho biết, theo Điều 3, Luật thương mại 2005: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Như vậy, bất kỳ hoạt động nào trong hoạt động tín dụng mang tính sinh lợi sẽ là hoạt động thương mại và được giải quyết bằng hòa giải.
Các hoạt động không sinh lợi khác: Cấp tín dụng cho cá nhân: Nghị định 22/2017/NĐ-CP: Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động sinh lợi.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải.
Theo Điều 4, các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền và lợi ích của bên thứ ba.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại.
Điều 6 Nghị định quy định, tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải nếu các bên có thoả thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của tranh chấp.
Điều kiện trở thành hòa giải viên thương mại.
Theo Điều 7, người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được làm hòa giải viên thương mại: Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan; Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên; Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, hiểu biết tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
Tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại Điều này. Tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại lập và công bố danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình.
Hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các hình thức hòa giải viên thương mại.
Hòa giải viên thương mại vụ việc và Hòa giải viên thương mại của TCHGTM giống nhau ở các điểm: Điều kiện tối thiểu để trở thành hòa giải viên thương mại; Được các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn; Các quyền và nghĩa vụ đối với các bên tranh chấp.
Khác nhau ở các điểm: Hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký tại Sở Tư pháp và hoạt động độc lập. Còn Hòa giải viên thương mại của TCHGTM được tổ chức hòa giải thương mại lựa chọn, ghi tên vào danh sách của tổ chức và hoạt động qua tổ chức hòa giải thương mại.
Về trình tự, thủ tục hòa giải, bà Mai cho biết, nguyên tắc phải tôn trọng tối đa thỏa thuận của các bên, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt, đơn giản; Thỏa thuận hòa giải dựa vào điều khoản trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng theo văn bản.
Về đặc thù về trình tự, thủ tục hòa giải: Các bên lựa chọn trình tự, thủ tục để tiến hành hòa giải; Các bên quyết định lựa chọn một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải.
Bà Mai cũng cho biết, việc công nhận kết quả hòa giải thành là yếu tố quyết định để các bên lựa chọn hòa giải thương mại. Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án (Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) như sau: Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận; Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Khi xem xét công nhận kết quả hòa giải thành lưu ý không xét xử lại vụ việc; Tôn trọng thỏa thuận của các bên trong phạm vi thỏa thuận đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội; Xem xét các căn cứ hủy kết quả hòa giải thành.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai cũng đưa ra một số đề xuất.
Thứ nhất, đối với Tòa án nhân dân tối cao: Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan về hòa giải thương mại; khuyến khích sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nói chung và hòa giải thương mại nói riêng.
Tòa án nhân dân tối cao cần tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về hòa giải thương mại cho các thẩm phán Tòa kinh tế; Có các hướng dẫn cụ thể về việc công nhận kết quả hòa giải thành (kinh nghiệm từ việc ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật trọng tài thương mại).
Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ hoạt động hòa giải thương mại, đặc biệt thông qua công nhận kết quả hòa giải thành; Nghiên cứu cơ chế giao một số thẩm phán chuyên trách giải quyết các vụ, việc về công nhận kết quả hòa giải thành.
Thứ hai, đối với Bộ Tư pháp, cần hoàn thiện thể chế về hòa giải thương mại tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho hòa giải thương mại hoạt động; Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về hòa giải thương mại cho cơ quan, tổ chức doanh nghiệp; Có cơ chế hỗ trợ cụ thể để hoạt động hòa giải thương mại phát triển: tổ chức các lớp tập huấn cho hòa giải viên thương mại, cán bộ làm công tác quản lý hoạt động hòa giải thương mại…; Phối hợp Tòa án nhân dân tối cao kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải thương mại.
Bà Mai cũng đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, đối với các bên trong quan hệ tín dụng, thực hiện quyền lực của mình trước khi nhờ đến quyền lực nhà nước (Tòa án); Lựa chọn hòa giải viên, trung tâm hòa giải có đủ điều kiện để hòa giải cho các tranh chấp của mình; Đưa ra các quy định bắt buộc về sử dụng hòa giải thương mại trong các hợp đồng; Sử dụng hòa giải ngay khi có tranh chấp.
Đối với các bên trong quan hệ tín dụng, xây dựng điều khoản mẫu về giải quyết tranh chấp. Mẫu phổ biến hiện nay: “Mọi tranh chấp phát sinh từ và liên quan đến Hợp đồng này trước hết được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp thương lượng, hòa giải không thành thì tranh chấp được đưa ra [Tòa án/Trọng tài] ….để giải quyết”. Bên cạnh đó, xem xét tính hợp pháp, hợp lệ, tính khả thi?
Bà đưa ra khuyến nghị đối với điều khoản giải quyết tranh chấp bằng hòa giải: “Mọi tranh chấp phát sinh từ và liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết tại [tên tổ chức hòa giải thương mại] hoặc bởi [hòa giải viên thương mại vụ việc]”. Đồng thời đưa ra lưu ý, lựa chọn quy tắc hòa giải, số hòa giải viên thương mại.
Hội thảo đã thực sự nóng lên với phiên thảo luận nhanh giữa giờ.
Đại diện Bank of Tokyo – Mitsubisi đặt câu hỏi: Trong bài trình bày, LS Trương Thanh Đức có nói đối với trường hợp lựa chọn khởi kiện có thể khởi kiện cả vay và thế chấp, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục. Xin hỏi: Với trường hợp bên vay ở Việt Nam, tài sản thế chấp ở Việt Nam nhưng bên cho vay lại ở Singapore, khi khởi kiện có gặp khó khăn vướng mắc gì không?
LS Trương Thanh Đức cho biết, cho đến giờ phút này, chưa có vụ kiện nào được phép xử lý riêng mà phải gắn với nhau. Ở trường hợp này, các bên phải lựa chọn thay đổi để có thể giải quyết thuận lợi nhất.
Nếu không có thỏa thuận mới để xác định trọng tài nào giải quyết thì chúng ta sẽ quay lại nguyên tắc chung về thẩm quyền tùy theo bên khởi kiện. Nếu Bank of Tokyo muốn khởi kiện qua VIAC, VIAC sẽ từ chối vì không phù hợp về thẩm quyền.
Từ trái qua phải bà Nguyễn Thị Mai, ông Trần Hữu Huỳnh, ông Trương Thanh Đức
Ông Trần Văn Nam – Giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đặt câu hỏi: Ở góc độ người nghiên cứu, giảng dạy về tranh chấp có thương lượng hòa giải, chúng tôi đánh giá rất cao Nghị định 22 bà Mai vừa chia sẻ. Vậy xin hỏi bà Mai, Nghị định 22 là văn bản duy nhất dưới luật giải quyết tranh chấp tại Việt Nam nhưng còn rất mới, Bộ Tư pháp có tìm hiểu về sự đón nhận của Cộng đồng DN, các bên tranh chấp và dư luận về Nghị định này không? Và những rủi ro mà Nghị định có thể gặp phải?
Ông Trần Văn Nam
Bà Nguyễn Thị Mai: Phương thức giải quyết tranh chấp còn mới và chúng tôi chưa thể đánh giá cộng đồng sẽ tiếp nhận như thế nào nhưng về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi thời gian qua đã tham gia rất nhiều hội thảo để quảng bá cho Nghị định hòa giải Thương mại.
Hiện nay, VAC với lịch sử 53 năm nhưng số lượng các vụ việc được giải quyết còn khá ít nên câu trả lời không chỉ của Bộ Tư pháp, của VIAC mà của tất cả mọi người.
Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại do Bộ Tư pháp soạn thảo nhưng nó có sống được hay không là do cộng đồng doanh nghiệp, TCTD,…
LS Đào Ngọc Chuyền – Văn phòng luật sự Hà Hải và Cộng Sự hỏi: Hoạt động hoà giải trong trung tâm trọng tài mất bao nhiêu lâu thì hoà giải chính thức đi vào luật.
Liên quan tới Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại tôi xin hỏi bà Mai: Khi các cơ quan soạn thảo đưa ra thành nghị định thì có cơ chế nào trả lại thù lao cho hoà giải viên, nếu bị đình chỉ thì vấn đề này được giải quyết thế nào? Nếu đã có kết quả hoà giải từ tổ trọng tài nhưng các bên không thực hiện thì sẽ giải quyết như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Mai: Khi nào có hướng dẫn và hoà giải thương mại được cấp phép tức là khi Bộ trưởng tư pháp ký văn bản này thì sẽ được thực hiện. Với quan điểm xây dựng nghị định hoà giải thì ai được làm, kết quả ra sao…thì đó là các vấn đề riêng của các bên tự thoả thuận chứ không cần thiết phải ghi vào trong nghị định.
Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng thư ký, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, Thành viên Viện trọng tài London (MCiArb)
Sau phiên thảo luận thứ nhất, ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng thư ký, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, Thành viên Viện trọng tài London (MCiArb) trình bày tham luận với chủ đề “Giới thiệu thủ tục trọng tài rút gọn và điều khoản trọng tài khuyến nghị riêng cho Ngân hàng”.
Theo ông Đạt, thời gian giải quyết tranh chấp là tiêu chí quan trọng khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Hiện tại, thời gian trung bình giải quyết án kinh doanh thương mại (KDTM) của tòa án là 400 ngày; Thời gian trung bình giải quyết án KDTM của VIAC là 400 ngày và đến năm 2015: 154 ngày; năm 2016: 153,6 ngày). Thời gian giải quyết tranh chấp ngắn nhất là 24 ngày. Kỳ vọng thời gian trung bình giải quyết theo thủ tục rút gọn tại VIAC là dưới 100 ngày.
Các yếu tố giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp theo ông Đạt gồm: Bản chất tranh chấp không quá phức tạp; Sự thiện chí, nỗ lực và kinh nghiệm tham gia tố tụng của các bên; Khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của Trọng tài viên; Sự chuyên nghiệm của Ban Thư ký trong hỗ trợ và điều phối quá trình tố tụng
Đây là lý do khiến cho trước đây, tuy chưa chính thức ban hành một thủ tục rút gọn, trong thực tiễn VIAC đã vận hành thành công những thủ tục giải quyết tranh chấp chỉ trong 24 – 49 ngày.
“Đánh giá các yếu tố trên đây và soi vào các đặc điểm của tranh chấp tín dụng, chúng tôi tự tin rằng sử dụng thủ tục trọng tài rút gọn để giải quyết tranh chấp tín dụng là hoàn toàn phù hợp” – ông Đạt nói.
Tại Hội thảo, Giáo sư Michael Hwang S.C. – Cố vấn cao cấp và là thành viên của tổ chức Chartered Arbitrator, Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng hòa giải thương mại và trọng tài thương mại chọn để giải quyết tranh chấp tài chính ngân hàng.
Theo Giáo sư Michael Hwang S.C., việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài so với tố tụng toà án có nhiều ưu điểm như: Bảo mật; Tiết kiệm chi phí; Lựa chọn diễn đàn, trọng tài viên, luật sư tư vấn; Tính linh hoạt và chuyên môn của hội đồng trọng tài; Phán quyết trọng tài được thực thi xuyên biên giới – 157 quốc gia đã phê chuẩn Công ước New York 1958 (Công ước về Công nhận và Thi hành Phán quyết của Trọng tài Nước ngoài); Cho phép tuỳ chỉnh thủ tục trọng tài phù hợp với điều kiện cụ thể.
Bên cạnh đó, Giáo sư Michael Hwang S.C. cũng thẳng thắng thừa nhận Tố tụng trọng tài cũng có một số hạn chế so với Tố tụng toà án. Theo đó, không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết bằng trọng tài (hình sự, phá sản…). Ngoài ra, phán quyết trọng tài khác với quyết định của toà án – không tạo ra tiền lệ về sau (Sở hữu trí tuệ)
Giáo sư Michael Hwang S.C. – Cố vấn cao cấp và là thành viên của tổ chức Chartered Arbitrator, Singapore
Giáo sư Michael Hwang S.C., đưa ra các lĩnh vực tranh chấp tài chính có thể áp dụng trọng tài.
Theo đó, với bối cảnh quốc tế: Giao dịch tài chính xuyên biên giới với khách hàng; mua lại ngân hàng xuyên biên giới.
Với bối cảnh trong nước – Quản lý tài sản: Nghiệp vụ ngân hàng cá nhân trong đó ngân hàng quản lý danh mục của khách hàng; Ngân hàng bán cho khách hàng các sản phẩm cấu trúc đi kèm theo các điều khoản và điều kiện đặc biệt, đặc thù, có thể khó giải thích.
Khi khách hàng không được giải thích đầy đủ về các điều khoản đó, tranh chấp sẽ phát sinh. Các nguyên nhân chính gây phát sinh tranh chấp trong quản lý tài sản là: Thanh toán; Thông tin sai sự thật; Nhầm lẫn; Dẫn dụ sai lệch; Biển thủ; Bất khả kháng.
Theo Giáo sư Michael Hwang S.C., tố tụng trọng tài có ưu điểm là cho phép các bên có cơ hội sử dụng các luật sư có kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng ra quyết định về vụ việc, thay vì sử dụng thẩm phán của toà án quốc gia. Trung gian hoà giải thậm chí còn hiệu quả hơn, đối với cả ngân hàng và khách hàng.
Nghiệp vụ ngân hàng cá nhân, trong đó ngân hàng quản lý danh mục của khách hàng. Ngân hàng bán cho khách hàng các sản phẩm cấu trúc, với các điều khoản và điều kiện đặc biệt, đặc thù, có thể khó giải thích. Khi khách hàng không được giải thích đầy đủ về các điều khoản này sẽ nảy sinh tranh chấp.
Với bối cảnh trong nước – Tài trợ dự án, Giáo sư Michael Hwang S.C. cho biết, tài trợ dự án thường áp dụng với dự án lớn, riêng lẻ, với nhiều bên tham gia. Trọng tài là phương án giải quyết tranh chấp thay thế cho tố tụng tại toà để kết nối nhiều bên liên quan đến vấn đề tranh chấp.
Một điều khoản trọng tài được soạn thảo tốt có thể kết nối nhiều thoả thuận giữa nhiều bên để đưa ra một điều khoản trọng tài chung. Tự nguyện gộp các tranh chấp khác nhau thành một thủ tục tố tụng trọng tài thông qua thoả thuận. Tranh chấp sẽ có ưu điểm hơn khi các bên của dự án đến từ hai quốc gia khác nhau.
Với bối cảnh trong nước – trường hợp các giao dịch phái sinh ISDA, các điều khoản mẫu ISDA thường xuất hiện trong các giao dịch phái sinh – một lĩnh vực quan trọng của hoạt động tài chính.
Các giao dịch phái sinh thường phức tạp, và tranh thấp thường phát sinh từ những nguyên nhân sau: Tư vấn đầu tư sai; Tính toán dòng thanh toán sai; Số lượng và chất lượng hàng hoá; Các quyền và nghĩa vụ của các bên.
Về trung gian hoà giải, theo Giáo sư Michael Hwang S.C., trung gian hoà giải cho phép ngân hàng giải quyết tranh chấp mà không phải ‘dùng đến biện pháp cuối cùng.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Tại Hội thảo, Giáo sư Michael Hwang S.C., cũng chia sẻ thông tin về một số trung tâm hòa giải uy tín.
Cụ thể, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC) – Toà có chức năng thụ lý các vụ kiện nhỏ (Tòa tiểu tụng). Trước đây, tất cả các vụ kiện nhỏ có giá trị dưới 100.000 AED (khoảng 618.227.628 VND) sẽ được xét xử tại Toà tiểu tụng. Quy trình tố tụng hai bước: Hoà giả bắt buộc (Hoà giải); Nếu hoà giải không thành thì đưa ra xét xử (thẩm phán khác).
Tỉ lệ hoà giải thành công là 95%. Tỉ lệ thành công cao dẫn đến việc tăng thẩm quyền cho Tòa tiểu tụng xét xử các vụ tranh chấp lên đến AED 500.000 (khoảng 3.091.138.140 VND).
Trung tâm Giải quyết Tranh chấp trong Ngành Tài chính Singapore – FIDReC. FIDReC có thể giải quyết các vụ tranh chấp lên đến SGD100.000 (khoảng VND 1.636.223.075) – đối với các tranh chấp giữa người được bảo hiểm và công ty bảo hiểm, tranh chấp trên thị trường vốn…
Đối với các tranh chấp giữa người tiêu dùng và các định chế tài chính thì không giới hạn giá trị tranh chấp. Vụ tranh chấp lớn nhất do FIDReC có giá trị SGD729.000. Quy trình tố tụng hai bước: Hoà giải bắt buộc (Hoà giải); Nếu hoà giải không thành thì xét xử (bởi trọng tài của FIDReC). Nếu phán quyết có lợi bên nguyên đơn, thì có giá trị ràng buộc đối với định chế tài chính, song không ràng buộc nguyên đơn. Tỉ lệ hoà giải thành công vào khoảng 70%.
Giáo sư Michael Hwang S.C., cũng cho rằng, phạm vi hoà giải ngày càng tăng ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 22/2017 về Hoà giải Thương mại, có hiệu lực từ ngày 15/4/2017. Đồng thời quy định việc thành lập các trung tâm hoà giải, việc sử dụng hoà giải viên thương mại.
Nghị định cũng quy định rõ các thoả thuận hoà giải có hiệu lực thi hành. Quy phạm pháp luật mới thể hiện rõ sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà nước từ phía Bộ Tư pháp trong việc giám sát và thúc đẩy hoà giải thương mại như một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Về phương hướng tương lai, Giáo sư Michael Hwang S.C., đưa ra cách tiếp cận toàn diện đối với ADR. Theo đó, sử dụng các điều khoản theo nhiều tầng, lớp – Hoà giải là bước đầu tiên trước khi chuyển sang tố tụng trọng tài. Các toà trọng tài khuyến khích sử dụng trung gian hoà giải sau khi làm quen với một vụ việc cụ thể. Để làm được điều này, Giáo sư Michael Hwang S.C., cho rằng cần có sự ủng hộ của cả toà án và nhà nước đối với cả hai cơ chế ADR để phát triển các hình thức giải quyết tranh chấp mới mẻ này.
Các vị diễn giả trong phiên thảo luận 2.
Phiên thảo luận thứ hai diễn ra với sự tham gia của các chủ tọa: Bà Nina Mocheva – Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường và Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới; GS Michael Hwang S.C., Cố ván cao cấp và là thành viên của tổ chức Chartered Arbitrator, Singapore; Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC); Luật sư Trương Thanh Đức – Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Nhóm Phóng viên
————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 06-6-2017:
(798/5.698)