1.349. Rối như “ma trận” bán hàng đa cấp

(HQ) – Vỡ nợ, phá sản, tự tử, bố mẹ, anh em từ nhau, người thân sơ, bạn bè lừa nhau, đã có những vụ lừa đảo với quy mô hàng nghìn tỷ đồng… là những gì mà mô hình kinh doanh bán hàng đa cấp mang lại cho Việt Nam sau hơn 10 năm du nhập. Lợi ích chưa thấy đâu mà hậu quả thì rất nặng nề và có không ít người đặt câu hỏi nên duy trì hay không loại hình kinh doanh này?

roi nhu quotma tranquot ban hang da cap

Nói sai, nói quá và đánh vào tâm lý kinh doanh “1 vốn 4 lời” là “chiêu” mà nhiều người sử dụng để lôi kéo người đến sau. Ảnh: ST.

Bán hàng đa cấp hô “biến”

Nhắc đến bán hàng đa cấp, ít ai không biết đến vụ lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt khi số lượng người bị “sập bẫy” lên tới 60.000 người trên phạm vi 27 tỉnh, thành với số tiền trên 1.900 tỷ đồng. Trước đó, năm 2014, vụ lừa đảo của Công ty CP đào tạo mua bán trực tuyến- MB24 (kinh doanh gian hàng thương mại điện tử) chưa được cấp phép hoạt động thương mại điện tử song vẫn bán hơn 120.000 gian hàng ảo và thu về 630 tỷ đồng cũng từng gây “chấn động” dư luận một thời. Đây chỉ là một vài trường hợp điển hình cho những “biến tướng” của hoạt động bán hàng đa cấp mà thôi bởi trên thực tế còn rất nhiều vụ việc khác nữa chưa được thống kê.

Cần khẳng định một điều rằng, bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh vốn được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. Song khi du nhập vào Việt Nam, nhiều trường hợp bán hàng đa cấp đã “biến tướng” thành một loại hình kinh doanh lừa đảo. Đổ lỗi cho người tiêu dùng kém hiểu biết, để lòng tham dẫn dắt cũng đúng nhưng việc để cho hàng nghìn người “sập bẫy” trong suốt chục năm qua thì trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Tại sao rất nhiều vụ bán hàng đa cấp lừa đảo chỉ bị phát hiện sau một thời gian dài hoạt động, hàng chục nghìn người bị lôi kéo, dụ dỗ với số tiền lên đến cả nghìn tỷ đồng, lúc ấy cơ quan chức năng mới nhập cuộc?

Trên thực tế, những vụ lừa đảo trá hình, “đội lốt” bán hàng đa cấp không thiếu, thậm chí còn hoạt động ngang nhiên, rình rang làm hội thảo. “Cơn bão” đa cấp những năm qua càn quét từ làng quê đến thành phố, từ người nông dân nghèo cho đến sinh viên, rồi đến các cụ hưu trí… và đã xảy ra cả chục năm nay nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Để xảy ra tình trạng này, có phần lớn trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc buông lỏng, thả nổi, thậm chí còn là sự tiếp tay. Không thể có chuyện một bộ máy hoạt động cả trăm chi nhánh, hàng chục nghìn người, số tiền huy động hàng nghìn tỷ đồng với thời gian dài mà cơ quan chức năng, lực lượng quản lý, địa phương lại không hay biết.

Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định rõ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi cả nước. Cơ quan Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp, sửa đổi, bổ sung gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp; trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp khi cần thiết… Vậy nên khi vụ lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt vỡ lở với số lượng và quy mô lớn như vậy thì sự nghi ngờ của nhiều người về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp không phải không có lý. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như Liên Kết Việt, mà trước đây đã xảy ra khá nhiều. Vì thế, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cơ quan quản lý phải nghĩ cách, có biện pháp kịp thời để ngăn chặn thay vì… lờ đi.

Lỏng đã lâu

Những “biến tướng” của bán hàng đa cấp chỉ được “phanh phui” khi có đến 60.000 người “sập bẫy” đa cấp của Công ty Liên Kết Việt. Lúc này, cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp- tức Bộ Công Thương, mới “giật mình” “xông” vào kiểm tra (sau 6 tháng khi được giao nhiệm vụ quản lý bán hàng đa cấp từ tháng 9-2014), ngày 9-3-2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp).

Hàng loạt “danh tính” của DN bán hàng đa cấp được công khai với đủ các “thủ đoạn” như: Không thông báo các cơ quan quản lý khi sửa đổi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, khi thay đổi hồ sơ; không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện hoạt động khuyến mại; không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia mạng lưới; tổ chức hội nghị, hội thảo không đúng nội dung thông báo… Tính đến tháng 8-2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý 36 DN vi phạm và bị xử phạt, với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng. Báo cáo từ 63 Chi cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn, trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đối với bán hàng đa cấp, một số cá nhân/tổ chức đã chuyển sang các hình thức khác để tiếp tục huy động tài chính như kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án “bánh vẽ” như bất động sản, nhà hàng, khách sạn… Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp mà cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Mới đây nhất, hàng nghìn người dân ở Gia Lai tiếp tục có đơn tố cáo gửi lên cơ quan điều tra về việc mất tiền trong đường dây huy động vốn đa cấp ponzi. Số tiền người dân đã đổ vào trò chơi này lên tới 48 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp đang rất phức tạp, bên cạnh những chiêu thức truyền thống như thuyết phục, lôi kéo người tham gia bằng các sản phẩm có giá rất cao nhưng chất lượng thấp, còn nhiều hình thức biến tướng khác như giao dịch tiền ảo, đội lốt từ thiện để huy động tài chính. Hệ quả là, anh em, cha mẹ, thân bằng cố hữu vô tình hoặc cố ý “dẫn dắt” nhau vào con đường đa cấp bất chính lúc nào không hay. Có những người thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng cũng không dám tố cáo vì sợ mất tài sản, nên phải chấp nhận tiếp tục tham gia bằng cách lôi kéo, trợ giúp từ người thân để gỡ gạc lại vốn.

Khó nắm đằng chuôi?

Cho rằng, các DN đã thực hiện khá đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương song một số đại diện Sở Công Thương nêu lên bất cập, việc quy định DN không cần có chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh tại địa phương đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, thanh tra và kiểm tra. Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên- Huế dẫn chứng, có những DN hoạt động ở Huế nhưng lại đăng ký ở Quảng Bình. Cùng với bất cập về quy định thì văn bản quản lý của Bộ Công Thương không điều chỉnh kịp thực tiễn phát sinh từ hoạt động bán hàng đa cấp. “Mặc dù văn bản có chỉ đạo rất mạnh nhưng chỉ dừng ở khẩu hiệu ‘tăng cường’, ‘đẩy mạnh’ nhưng không chỉ ra phải tăng cường kiểm tra đối tượng nào”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp tại các DN và qua công tác xử lý khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh còn nhận thấy nhiều DN bán hàng đa cấp cho phép người tham gia mua nhiều mã hàng nhưng không giao hàng cho người tham gia mà yêu cầu người tham gia ký biên bản gửi lại hàng cho DN. Đây là một kiểu “lách luật” rất nguy hiểm, cần được quan tâm xử lý khi sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Không chỉ vậy, các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42 còn chưa đủ sức răn đe.

Là địa phương sớm thấy được những bất cập của sự biến tướng do bán hàng đa cấp, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM nêu ý kiến, số tiền phạt hiện rất nhỏ so với khoản tiền thu lợi bất chính mà DN kinh doanh đa cấp thu được, do đó xử phạt chỉ là một khía cạnh. Nhà nước phải xây dựng khung chính sách để DN làm ăn chân chính được hưởng lợi, DN trục lợi sẽ không có cớ để lách. Cũng đề cập đến vấn đề chế tài, ông Thanh đề xuất, quản lý bán hàng đa cấp phải bổ sung chế tài, hành lang pháp lý theo hướng trao công cụ quản lý chứ không chỉ trao “gậy” cho địa phương trong giám sát, kiểm tra bán hàng đa cấp.

Hiện tại, số người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp đã giảm xuống gần một nửa nhưng có lẽ con số này trên thực tế còn lớn hơn bởi ở đâu đó vẫn có những “vòi bạch tuộc” đa cấp đang vươn tới để “hút máu” người dân. Dù được đánh giá đang diễn biến phức tạp, xoay, lách đủ chiêu trò nhưng nói chung, chiêu bài mà các hình thức này đang áp dụng chỉ có một cách duy nhất là đưa ra một loại sản phẩm (có thể là sản phẩm hữu hình như thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, đồ gia dụng, có thể là sản phẩm vô hình như tiền ảo bitcoin, trò chơi ponzi hay kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bất động sản…) để huy động tài chính, rồi lấy tiền của người sau trả cho người trước.

Hệ lụy của hoạt động này đã được chỉ ra và có lẽ sẽ không chỉ dừng ở đó. Ngay cả ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận, đánh giá báo cáo của các cơ quan chức năng về sai phạm và mức độ xử lý các công ty đa cấp vẫn chưa phản ánh đầy đủ thực tế. Cho đến nay, những tác động và hệ lụy của bán hàng đa cấp đến xã hội vẫn chưa đánh giá đầy đủ. “Nếu chúng ta không đủ mạnh để chống lại, nguy cơ đổ vỡ, gây hệ lụy xấu cho xã hội cũng rất lớn, khi đó trách nhiệm là của cơ quan Nhà nước”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Diệp Anh

——————

Hải quan (Kinh tế) 24-9-2016:

https://haiquanonline.com.vn/roi-nhu-quotma-tranquot-ban-hang-da-cap-51244.html

(33/2.009)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,040