1.351. Trọng tài ít việc, tòa án quá tải

(NLĐ) – Thông lệ quốc tế luôn ưu tiên giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thông qua trọng tài để được xử lý nhanh, hiệu quả, tiết kiệm

Trung tâm Trọng tại quốc tế Việt Nam (VIAC) ngày 6-6 đã tổ chức hội thảo Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (NH) thông qua hòa giải và trọng tài. Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, cho biết nền kinh tế Việt Nam vừa vượt qua khủng hoảng lại oằn mình gánh nặng nợ công như “quả núi” khổng lồ đặt lên vai. Nợ xấu và nợ công nếu xử lý không tốt sẽ gây ra bất ổn cho nền kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng là có phương án thu hồi nhanh những khoản nợ hiện tại và trong tương lai.

“Chúng ta đang hướng tới mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý các vụ án theo Bộ Luật Tố tụng dân sự xuống 300 ngày nhưng vẫn chỉ là tính toán trên lý thuyết. Tòa án đang quá tải, thẩm phán có quá nhiều công việc, vậy thì đặt vấn đề giải quyết tranh chấp qua trọng tài và hòa giải liệu có giải quyết được không?” – ông Trần Hữu Huỳnh đặt vấn đề.

Những tranh chấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam thường được đẩy hết qua kênh tòa án, gây tắc nghẽn, kém hiệu quả Ảnh: Tấn Thạnh

Hợp tác với VIAC từ năm 2013, bà Nina Mocheva, chuyên gia tài chính cấp cao Nhóm Thị trường và Tài chính NH Thế giới (WB), đánh giá quy định pháp luật của Việt Nam về vấn đề giải quyết tranh chấp trong NH thông qua trọng tài vẫn còn chưa đủ, cần hoàn thiện, bổ sung. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quốc gia hành lang pháp lý chưa hoàn hảo nhưng thông lệ giải quyết tranh chấp lại rất hiệu quả. Họ luôn có ưu tiên hàng đầu cho các định chế tài chính, NH. Tại WB, xu hướng hòa giải và trọng tài đã trở nên phổ biến hơn trong việc giải quyết vướng mắc, tranh chấp trong lĩnh vực NH và thu nợ, xử lý nợ xấu, khách hàng cũng mong muốn giải quyết qua kênh này nhiều hơn so với tòa án như trước đây.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, cho biết từ năm 2010 đến nay, phán quyết có hiệu lực y như bản án nhưng cơ chế bản án với NH là chậm trễ phải xếp lịch mới được xử lý vì quá tải. Riêng NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trên 6.800 vụ việc đưa ra tòa. Chỉ 1/8 trong số đó đã được giải quyết vì bình quân tòa án phải mất 2-3 năm mới xử lý xong 1 vụ. Trong khi đó qua trọng tài mất 5-6 tháng. “Tòa án khá chậm trễ, tốn kém, tiêu cực và nhiều vướng mắc vấn đề chuyên môn, đặc biệt với hợp đồng có liên quan đến yếu tố nước ngoài” – ông Đức nói.

Trước đó, thông tin từ các NH cho biết nguyên nhân quá tải án tranh chấp tín dụng tại tòa án dân sự là do nắm được thực trạng này, nhiều “con nợ” đều yêu cầu xử lý qua tòa dân sự để kéo dài thời gian chây ì, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp, cho biết số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài chỉ chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại. Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại có hiệu lực từ ngày 15-4 là hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy phương pháp này nhưng chưa thể đánh giá cộng đồng sẽ tiếp nhận như thế nào. Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại do Bộ Tư pháp soạn thảo nhưng nó có “sống” được hay không là do cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC, Thành viên Viện Trọng tài London (MCiArb), cho biết VIAC đã có điều khoản trọng tài mẫu (thủ tục rút gọn) dành riêng cho ngành NH và tín dụng. Đến năm 2016, thời gian trung bình giải quyết án kinh doanh thương mại của VIAC chỉ còn 153,6 ngày. Thời gian giải quyết tranh chấp ngắn nhất là 24 ngày, kỳ vọng thời gian trung bình giải quyết theo thủ tục rút gọn tại VIAC là dưới 100 ngày. “Thời gian giải quyết tranh chấp là tiêu chí quan trọng khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Đánh giá các yếu tố trên đây và soi vào các đặc điểm của tranh chấp tín dụng, chúng tôi tự tin rằng sử dụng thủ tục trọng tài rút gọn để giải quyết tranh chấp tín dụng là hoàn toàn phù hợp” – ông Đạt nói.

Tô Hà

———–

Người lao động (Kinh tế) 06-6-2017:

http://nld.com.vn/kinh-te/trong-tai-it-viec-toa-an-qua-tai-20170606220540729.htm

(132/882)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,839