(KT&DB) – Trong khi thủ tục gia nhập thị trường đã được tạo thuận lợi tối đa, thì công tác hậu kiểm sau khi đăng ký, nhằm đảm các doanh nghiệp hoạt động tuân thủ pháp luật lại đang gặp nhiều khó khăn.
Đau đầu “hậu kiểm”
Chủ trương đẩy mạnh công tác “hậu kiểm” đã được thực hiện ngay từ những năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp 1999 đi vào thực tế.
Khi đó, việc đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bắt nguồn từ thay đổi cơ bản trong nhận thức về mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, đó là: thay đổi cơ bản phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; chuyển từ quan hệ giám sát, quản lý sang quan hệ đối tác, hỗ trợ phát triển là chủ yếu; chuyển từ can thiệp hành chính, trực tiếp vào các doanh nghiệp sang can thiệp gián tiếp thông qua hệ thống pháp luật, kế hoạch, cơ chế chính sách và các công cụ điều tiết vĩ mô.
Để triển khai việc hậu kiểm, liên bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV, ngày 28/05/2015 về ban hành Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Với những nỗ lực trên, công tác “hậu kiểm” đang dần được chuẩn hóa với quy trình cụ thể, minh bạch để vừa đảm bảo các yêu cầu quản lý của Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển trong khuôn khổ của pháp luật, góp phần tăng cường việc tuân thủ pháp luật và ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác “hậu kiểm” hiện nay đang có nhiều thách thức, khiến số lượng doanh nghiệp làm ăn phi pháp tăng lên.
Dẫn số liệu Báo cáo rà soát doanh nghiệp thực hiện giữa 3 cơ quan Thống kê – Đăng ký kinh doanh – Thuế phục vụ công tác tổng điều tra kinh tế năm 2017, bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế thuộc Tổng cục Thuế tại Hội nghị Phối hợp công tác đăng ký kinh doanh – đăng ký thuế, ngày 30/05/2017 thông tin, cả nước có tới gần 15.000 doanh nghiệp không liên lạc được bằng điện thoại, email hoặc không tìm thấy tại địa chỉ đã đăng ký.
Bà Mai cho rằng, do cơ chế “tiền đăng – hậu kiểm”, nên đã phát sinh một số thông tin doanh nghiệp kê khai trên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không đúng với thực tế, như: địa chỉ trụ sở, số điện thoại…
Không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong đăng ký kinh doanh để làm ăn phi pháp |
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI tại Chương trình Cải cách hành chính: Đăng ký kinh doanh và vấn đề hậu kiểm, ngày 06/06 cho biết, so với quan điểm thời kỳ tiền kiểm, thì đến nay hậu kiểm vẫn không có gì thay đổi. Kết quả cho thấy, sự lộn xộn, sai trái, bất thường sau đăng ký kinh doanh tăng lên, có khi theo cấp số nhân.
Ở góc độ cơ quan đăng ký kinh doanh, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho rằng, hậu kiểm khó khăn là do nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện nhiệm vụ này và chưa có sự phối hợp hiệu quả cùng nhau để triển khai.
Đồng thời, sự tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp qua các năm, cùng với việc gia tăng về số lượng, các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng tăng mạnh, cả về số lượng và mức độ vi phạm, khiến cho việc quản lý doanh nghiệp sau thành lập gặp khó.
Bà Minh cũng cho biết, nhận định về việc đăng ký kinh doanh quá dễ dàng, trong khi cơ chế đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký còn hạn chế đã kéo theo hiện tượng nhiều cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi là chưa thực sự hiểu rạch ròi về bản chất công tác đăng ký kinh doanh và công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Bà Minh giải thích, việc đăng ký doanh nghiệp hoàn toàn khác với việc cấp phép, tức là cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền “cho”. Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ ghi nhận ý chí, nguyện vọng tham gia vào thị trường của doanh nghiệp.
“Nếu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, gần giống như mọi đứa trẻ đều có quyền được khai sinh” bà Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp là chủ thể gây hành vi vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. “Không thể vì con phạm tội mà buộc tội bố, mẹ đã sinh ra người con đó. Nguyên tắc này đã trở thành nguyên tắc cốt lõi trong đăng ký doanh nghiệp được cụ thể hóa từ Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 về đăng ký doanh nghiệp và tiếp tục được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP”, bà Minh cho biết.
Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp là nhằm tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn, kinh doanh chân chính, muốn tạo công ăn việc làm và thu nhập chính đáng cho người lao động. Việc các doanh nghiệp lợi dụng cơ chế, sự thuận lợi để vi phạm pháp luật chỉ là số nhỏ và sẽ luôn đặt ra những yêu cầu, thách thức để cơ quan quản lý phải hoàn thiện hơn công tác “hậu kiểm”, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nhiệm vụ này.
Cần một cơ sở dữ liệu chung cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, để thực hiện tốt khâu hậu kiểm cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia gốc từ chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho đến lý lịch tư pháp, chuyên môn, ngành nghề… để tất cả các cơ quan quản lý đều dùng, từ công an, ngân hàng, thuế… Mỗi một lĩnh vực có đặc thù riêng, thì phát triển thêm dựa trên cơ sở dữ liệu gốc này. Thay vì mỗi cơ quan có một hệ thống cơ sở dữ liệu, thì chỉ nên có một cơ sở dữ liệu chung. Điều này vừa tránh lãng phí nguồn lực, lại vừa kết nối được với các cơ quan quản lý khác.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, kết nối xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng chung từ khâu thanh tra đến thực hiện giám sát cho các cơ quan quản lý là vô cùng cần thiết để phát hiện kịp thời những sai phạm, gây hại cho xã hội, từ đó có các biện pháp xử lý.
Ở góc độ cơ quan thuế, bà Lê Thu Mai cũng ủng hộ đề xuất trên. Bà Mai cho rằng, cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định về pháp luật còn chưa thống nhất hoặc chưa đầy đủ để quản lý doanh nghiệp hiệu quả và làm cơ sở phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan; hoàn thiện các ứng dụng tin học quản lý của mỗi bên và ứng dụng kết nối trao đổi thông tin, phối hợp tìm biện pháp quản lý để xử lý vi phạm và thu nợ thuế đối với các doanh nghiệp giải thể còn nợ thuế, các doanh nghiệp bỏ kinh doanh…
Còn theo bà Trần Thị Hồng Minh, để làm tốt công tác hậu kiểm, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác hậu kiểm của mình, phối hợp tốt với các cơ quan khác như: cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, công an…
Theo đó, các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành chức năng có nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực đó; xây dựng quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình để doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Tại địa phương, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, pháp luật về hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp. Báo cáo Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ những vấn đề phát sinh trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp ở địa phương để kịp thời ban hành chính sách, biện pháp khắc phục.
“Một biện pháp hết sức quan trọng là huy động sự tham gia của xã hội và của các chủ thể khác trong quản lý, giám sát doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Vai trò giám sát của bên thứ ba bao gồm: các chủ nợ và bạn hàng, hiệp hội người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, hội nghề nghiệp và công luận…”, bà Minh nhấn mạnh./.
Kim Hiền (tổng hợp)
————
Kinh tế và Dự báo (Doanh nghiệp) 06-6-2017:
http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/146-8565-giai-bai-toan-hau-kiem-sau-dang-ky-kinh-doanh.html
(195/1.721)