Đầu tháng 8, một khóa đào tạo với chủ để “In tiền tự động trong khi ngủ phiên bản hoàn toàn tự động độc quyền trên thế giới – lần đầu tiên đã có mặt tại Việt Nam” được tổ chức tại TP.HCM, thu hút hàng trăm người tham gia.
“Lãi bèo nhất là 120%/năm?”
Đơn vị tổ chức là Công ty Đầu tư tài chính và Phát triển thương mại Hoàng Gia (RBI), giới thiệu “cỗ máy in tiền thần kỳ” có tên là AMM-V6. Theo RBI, đây là bước đột phá trong việc tạo ra nguồn thu nhập thụ động trong khi ngủ cho nhà đầu tư vô cùng thông minh, độc đáo, đẳng cấp, tối giản; chỉ cần một cái click chuột, siêu lợi nhuận giúp hàng triệu người Việt Nam đổi đời.
Nghe bạn bè giới thiệu, chị Trần Thị Hằng (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) đến văn phòng của RBI tại lầu bốn tòa nhà Happyland, 67 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành để tìm hiểu. Tại đây, chị Hằng được hai nhân viên nhiệt tình tư vấn về một khóa đào tạo hai ngày gồm: Học hoàn thiện bản thân con người, học làm thế nào để trở thành doanh nhân, cách thức đầu tư chứng khoán tự động, làm sao để sử dụng “cỗ máy in tiền thần kỳ” AMM-V6. Chi phí chị Hằng phải bỏ ra là 1.000 USD. Sau khi hoàn tất khóa học, học viên sẽ được tặng miễn phí thiết bị đầu cuối AMM-V6. Người dùng sẽ cài phần mềm vào điện thoại hoặc máy tính để đầu tư chứng khoán một cách tự động. “Có thiết bị này rồi, chỉ cần nạp vào 1.000 USD (tương đương 22 triệu đồng) là có thể chơi chứng khoán. Mỗi tháng bèo nhất chị cũng được lời 10%, tức là 120%/năm” – nhân viên tư vấn tính toán.
Không như mơ!
Tuy nhiên, chia sẻ kinh nghiệm đau thương, anh Trần Tuấn Anh (ngụ quận 1) cho biết: “Máy chơi chứng khoán tự động thực chất giống như con robot, tự động mua – tự động bán. Cách đây hai năm tôi từng mua một phần mềm robot có giá lên tới 1,5 triệu USD (tương đương 33 tỉ đồng). Lúc đầu tôi cũng thắng vài mã nhưng rốt cuộc cũng thua trắng do thị trường chứng khoán biến động không ngừng mà robot thì chỉ hoạt động như một cái máy, tức là tìm đường ngắn nhất để đánh thắng, trong khi không phải lúc nào con đường ngắn nhất cũng đem lại lợi nhuận cho khách hàng. Do vậy, không thể tin tưởng tuyệt đối vào hiệu quả của cỗ máy in tiền kiểu này được”.
Khóa đào tạo “cỗ máy in tiền” tại Công ty RBI. (Nguồn ảnh: rbi.org.vn)
Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng việc học phần mềm chơi chứng khoán tự động vô cùng đơn giản, giống như học thao tác sử dụng một chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, hiệu quả sinh lời của cỗ máy in tiền thần kỳ này lại phụ thuộc vào yếu tố thị trường. “Trong khi thị trường chứng khoán luôn thay đổi và không hoạt động theo bất cứ quy luật nào thì robot lại chơi chứng khoán đúng nghĩa một cỗ máy. Nó không thể thích ứng được trước những biến đổi bất ngờ của thị trường chứng khoán. Vì lẽ đó, lời cam đoan của nhân viên Công ty RBI rằng dùng thiết bị AMM-V6 không bao giờ lỗ là điều vô lý” – ông Khánh phân tích.
Theo chuyên gia tài chính Dương Anh Vũ, cam kết đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu 10%/tháng, tức là 120%/năm là tỉ suất lợi nhuận không bao giờ có thể đạt được. “Có thể người thuyết trình đã căn đúng một vài mã chứng khoán có tỉ lệ tăng tốt nhất trong thời điểm ấy để giới thiệu. Nhưng tôi dám chắc rằng trong vòng một tháng, không thể có chuyện những người sử dụng phần mềm này để chơi mã bất kỳ đều đạt mức lợi nhuận “khủng” như vậy” – ông Vũ khẳng định.
Mô hình kinh doanh đa cấp
Theo tư vấn của nhân viên RBI, để trở thành nhà đầu tư chứng khoán RBI, điều kiện tiên quyết là phải có người giới thiệu. Khi đã trở thành nhà đầu tư rồi thì sẽ có quyền giới thiệu người mới vào tham gia khóa học. Điểm “hút chết người” ở đây chính là hoa hồng khi kêu gọi thêm người mới.
Theo đó, cứ gọi tìm thêm được ba người trong tuần đầu tiên thì sẽ nhận được 22 triệu đồng, giới thiệu thêm được sáu người thì sẽ nhận được 44 triệu đồng và chín người là 66 triệu đồng. Khi giới thiệu được 15 người, nhà đầu tư đóng thêm 4.000 USD để tham gia khóa đào tạo giám đốc tài chính và sau đó được hưởng hoa hồng “khủng” suốt đời.
Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh nhận định: “Dù RBI chỉ bán khóa học nhưng thực chất lại hoạt động như mô hình kinh doanh đa cấp, học viên chiêu dụ càng nhiều người mới tham gia khóa học thì càng được hưởng lợi nhuận kếch xù. Có thể chủ doanh nghiệp huy động tiền của học viên rồi kinh doanh những ngành nghề khác. Trường hợp kinh doanh có lời thì tốt, nhà đầu tư có thể trả được hoa hồng nhưng ngược lại thì học viên có thể mất trắng. Không phải nhà đầu tư không lường trước được rủi ro nhưng nghe quảng cáo về mức sinh lời quá lớn thì dễ nổi lòng tham và liều mạng dấn thân. Ngoài ra, việc huy động vốn qua hình thức tổ chức khóa học là vi phạm luật pháp. Ở nước ta hiện nay chỉ có ngân hàng và các công ty tài chính mới có chức năng huy động vốn” – ông Khánh nhấn mạnh.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Lao vào thì tự gánh thiệt thòi! Có hai điều cần lưu ý. Một, đưa ra thông tin chắc nịch rằng lợi nhuận không tưởng đối với sản phẩm (không bao giờ lỗ – PV). Điều này chẳng khác nào quảng cáo rằng hàng của tôi là an toàn 100% mà không có cơ sở để chứng minh. Kể cả nó có tốt thật, an toàn thật thì luật pháp cũng không cho phép quảng cáo như vậy. Nếu tồn tại một thiết bị AMM-V6 đảm bảo không bao giờ bị lỗ, lợi nhuận “khủng” thì đây quả là phát minh vĩ đại. Thiết bị này chẳng khác nào một trò chơi, khách hàng tin tưởng và lao vào, khi thất bại thì chỉ bản thân chịu thiệt. Thứ hai là bán dịch vụ đa cấp. Bán hàng đa cấp mà không đăng ký đã là vi phạm luật rồi, đằng này lại còn bán dịch vụ đa cấp bằng cách trả lợi nhuận dựa trên việc thu hút đầu người thì rõ ràng có sai phạm. Hình thức đào tạo này đã vi phạm về quảng cáo và bán dịch vụ đa cấp thì cơ quan chức năng cần kiểm tra, yêu cầu chấm dứt hoạt động và xem xét các dấu hiệu hình sự (nếu có). Người dân tham gia mù quáng thì phải tự gánh hậu quả. Về nguyên tắc, khi bị thiệt hại về quyền lợi thì có thể kiện nhưng để chứng minh được vi phạm, đòi bồi thường thì vô cùng gian nan. Trường hợp công ty phá sản thì cũng không có cơ hội lấy lại những gì đã mất. |
ÁNH MAI
——————
Pháp luật TP HCM (Bạn đọc) 01-10-2016:
http://plo.vn/ban-doc/co-may-in-tien-than-ky-lam-giau-khi-ngu-655847.html
(292/1.354)