(TBNH) – Nếu mỗi người Việt Nam là một hướng dẫn viên du lịch, ắt hẳn du khách đã đến là sẽ không muốn về, đã chia tay chỉ mong ngày gặp lại. Để có được điều này, nó vượt qua cả luật.
15 năm nữa mới bằng Thái Lan
Ngày 19/6/2017, theo lịch dự kiến buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số luật, nghị quyết trong đó có Luật Du lịch sửa đổi. Nhưng vẫn còn những điều băn khoăn trăn trở để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Danh thắng Tràng An – Ninh Bình. Ảnh: Trương Thanh Đức |
Du lịch cũng là một nội dung các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trong phiên họp sáng 14/6. Trong buổi chất vấn này, trả lời câu hỏi đến bao giờ du lịch Việt Nam theo kịp Thái Lan, Bộ trưởng trả lời: So sánh về lượng khách quốc tế năm 2016 đến Việt Nam là 10 triệu lượt – còn cách khá xa so với 32 triệu lượt của Thái Lan, 26 triệu lượt của Malaysia và 16 triệu lượt đến Singapore.
Nhưng du lịch Thái đang bão hòa, mức tăng trưởng chỉ vài phần trăm còn Việt Nam tăng trưởng 30% ở năm 2016. “Giả sử rằng du lịch Việt Nam tăng trưởng 20-25% và Thái Lan tăng 7% thì chúng ta sẽ gặp Thái Lan sau 15 năm nữa”, theo Bộ trưởng Thiện.
Không chỉ đang ở khoảng cách quá xa, nỗi buồn không hề nhỏ là với một đất nước giàu tiềm năng du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam cũng nhiều nhưng không ít khách du lịch vẫn cảm thấy phiền lòng với chất lượng phục vụ, ngay du khách Việt cũng nhiều khi thất vọng. Còn người làm du lịch thì trong cảnh “cái khó bó cái khôn”.
Giám đốc lo hướng dẫn viên láo nháo
“Người mà du khách tiếp xúc là hướng dẫn viên du lịch, ấn tượng đẹp nhất, xấu nhất để lại cho du khách cũng từ hướng dẫn viên du lịch. Du khách chỉ biết đến hướng dẫn viên chứ có biết giám đốc công ty du lịch là ai đâu. Nhưng chúng tôi rất bức xúc với tình trạng hướng dẫn viên hiện nay”, ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt bức xúc.
Không chỉ ông Long, giám đốc các công ty du lịch khác cũng phàn nàn nhiều vì hướng dẫn viên du lịch. Đội ngũ hướng dẫn viên hiện nay khoảng hơn 18.000 người, nhưng hơn một nửa số này không chịu sự giám sát của đơn vị, tổ chức nào, phần lớn là làm bán thời gian, họ thích thì làm không thích thì bỏ, thậm chí đến ngày tour đi họ cũng bỏ.
Nhiều hướng dẫn viên còn thiếu ý thức, hành xử chưa chuyên nghiệp, phát ngôn bừa bãi, phông nền kiến thức lẫn ngoại ngữ yếu kém. “Đây là vấn đề nhức nhối suốt 15 năm qua”, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói và cho biết thêm: Hy vọng Quốc hội thông qua dự thảo Luật du lịch với các quy định rõ về điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên như: phải có thẻ, phải làm việc ở công ty lữ hành, hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Điều đó giúp chấn chỉnh hoạt động lộn xộn hiện nay của đội ngũ này.
Để bảo đảm chất lượng dịch vụ, ông Nguyễn Hồng Đài – Tổng giám đốc APT Travel cho biết “dứt khoát không thuê hướng dẫn viên làm bán thời gian”.
Ông Phan Đức Mẫn – Chủ tịch Cty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên thì phản ánh tình trạng hướng dẫn viên mắc lỗi, có vi phạm ở công ty này vẫn có thể nộp hồ sơ ở công ty khác.
Du khách sợ khách sạn loạn sao
Dự thảo Luật quy định điều kiện tối thiểu cho các cơ sở lưu trú du lịch và đưa ra hai phương án: các cơ sở lưu trú du lịch tự nguyện đăng ký xếp hạng sao (chứ không phải tự nguyện đăng ký hạng sao) hoặc bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau khi kinh doanh 6 tháng. Quy định này muốn tạo sự chủ động cho các khách sạn, tuy nhiên chính trong giới du lịch lại đang lo tình trạng loạn sao.
Phần lớn các ý kiến đồng tình với phương án để khách sạn tự nguyện đăng ký hạng sao nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Ủng hộ phương án tự nguyện, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Quan trọng nhất là cơ sở lưu trú làm thế nào để thu hút du khách và đảm bảo phục vụ du khách một cách tốt nhất so với số tiền bỏ ra. Ông dẫn chứng ở Thụy Sĩ – cái nôi đào tạo ngành khách sạn, có những khách sạn 0 sao của họ luôn đạt 80% công suất hoạt động trở lên.
“Quan trọng là chất lượng. Nhiều khách sạn chú tâm nâng chất lượng dịch vụ cao hơn hạng sao họ đăng ký để hút du khách, vì khách vẫn mang tâm lý hạng sao cao kèm theo giá đắt”, ông Đỗ Trọng Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên chia sẻ. Ngược lại, là những ý kiến như của ông Hoàng Văn Tuyên – Hiệp hội Du lịch Lào Cai: Đăng ký xếp hạng sao là để bảo vệ quyền lợi của du khách, người tiêu dùng, phải bắt buộc DN đăng ký xếp hạng sao.
Một dòng ý kiến khác là phải có quy định chặt chẽ, cấm “tự phong sao”, tránh hiện tượng khách sạn đăng ký sao, tuy chưa được công nhận xếp hạng nhưng lập lờ mang hạng sao đăng ký đi quảng cáo, tránh tình trạng “loạn sao”, mạo nhận hạng sao… Và cần có chế tài sử phạt nghiêm để đảm bảo sự kinh doanh công bằng đối với những DN làm ăn nghiêm túc và quyền lợi chính đáng của du khách.
Chính phủ cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào du lịch và đã coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 doanh thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD, lượng khách tăng 190%. Dự thảo Luật Du lịch chờ Quốc hội thông qua đã có nhiều nội dung thực tế hơn và khả thi hơn.
Tuy nhiên, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều ngành nghề khác và phụ thuộc khá nhiều vào công tác quản lý tại địa bàn của chính quyền các địa phương. Giới kinh doanh du lịch kỳ vọng Luật sẽ đưa mục tiêu thành hiện thực và cho rằng quan trọng là thực thi luật thế nào.
Phải hành động và thay đổi mới mong ngành du lịch phát triển và theo kịp các nước trong khu vực, để du khách không còn suy nghĩ “đi và không trở lại”. Nếu mỗi người Việt Nam là một hướng dẫn viên du lịch, ắt hẳn du khách đã đến là sẽ không muốn về, đã chia tay chỉ mong ngày gặp lại.
Tri Nhân
———–
Thời báo Ngân hàng (Xã hội) 19-06-2017:
http://thoibaonganhang.vn/nong-long-cho-doi-luat-du-lich-sua-doi-64241.html
(4/1.287)