Thời gian gần đây, các vụ khách hàng tố tiền trong tài khoản ngân hàng bỗng dưng “bốc hơi” liên tiếp xảy ra. Trong khi vụ khách hàng của VPBank báo mất 26 tỷ đồng còn đang được điều tra thì khách hàng các ngân hàng khác cũng bị “tố” mất tiền trong tài khoản.
Tại Nghệ An, nữ cán bộ ngân hàng Eximbank đã lạm dụng rút ruột gần 50 tỷ đồng trên sổ tiết kiệm của hàng chục khách hàng và vụ việc đang được xử lý.
Mới đây, bà Ngô Phương Anh ở Đà Lạt gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long – nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh BIDV Tây Hồ vì cho rằng bà bị mất 32 tỷ đồng trong thẻ tiết kiệm.
BIDV chi nhánh Tây Hồ đang nỗ lực, tích cực phối hợp với cơ quan công an để làm rõ, nhanh chóng xác minh bản chất sự việc và giải quyết khiếu nại của bà Ngô Phương Anh.
Giới chuyên gia nhận định trong một số trường hợp, kẻ gian đã lợi dụng niềm tin của khách hàng để chiếm đoạt tiền và lỗi của các chủ tài khoản là đã cả tin khi ký vào các loại giấy tờ. Các vụ việc rút ruột tài khoản của người dân vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ nhưng điều người dân nên làm lúc này là thận trọng và tuân thủ đúng quy định của ngành ngân hàng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, những vụ việc vừa qua cho thấy đang có sơ hở trong quy định, tuân thủ quy định và lơ là trong thanh, kiểm tra của hệ thống. Người dân không nên yêu cầu ngân hàng tạo điều kiện dễ dãi, thuận lợi cho mình bởi nếu việc này lặp đi lặp lại sẽ thành thói quen, người ta sẽ lợi dụng chấp nhận giao dịch không có mặt, giao dịch bằng điện thoại…, khi đó ngân hàng rất dễ từ chối trách nhiệm.
Luật sư Hoàng Trọng Điểm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Luật B&P (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng khuyến cáo khi làm các thủ tục với ngân hàng, người dân tuyệt đối không ký các loại giấy tờ không có nội dung. Khách hàng phải thực hiện các thủ tục giao dịch tại các chi nhánh, trụ sở chính thức của ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, một số ngân hàng để xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán nói chung, cũng như thanh toán thẻ và thanh toán điện tử. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo về các vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ và thanh toán điện tử nói riêng./.
——————
Vietnam+ (Tài chính) 04-10-2016:
http://www.vietnamplus.vn/khong-ky-cac-giay-to-khong-co-noi-dung-khi-giao-dich-ngan-hang/409184.vnp
(90/513)