(ĐĐK) – Lãi suất trong thị trường cũng như các loại giá cả khác, quan trọng nhất là cần phải được tự do thoả thuận, khi đó tự khắc thị trường sẽ định hình ra một mức lãi suất thấp, hợp lý và cạnh tranh!
“Tiến theo nền kinh tế thị trường thì phải theo quy luật của kinh tế thị trường. Tất cả các biện pháp can thiệp hành chính phải phản ánh quy luật cung cầu của thị trường, những biện pháp can thiệp không thích hợp thì phải thay đổi, phải sửa lại sao cho lãi suất do các tổ chức tín dụng đặt ra dựa trên quan hệ cung cầu”- ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịchUỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia. |
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), một trong những lý do quan trọng hàng đầu để tín dụng tiêu dùng chính thức đóng vai trò thay thế tín dụng đen là lãi suất thỏa thuận, bởi nó chứa đựng đầy đủ yếu tố thị trường bên trong hai chữ “thỏa thuận”.
Ông Đức phân tích, hầu hết các tổ chức tín dụng đều mong muốn phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng đối với cá nhân. Tuy nhiên, do đồng thời quản lý cả những khoản vay của các tổ chức với hạn mức lớn và có tài sản bảo đảm theo phương thức truyền thống nên những quy định của ngân hàng đòi hỏi điều kiện, hồ sơ chặt chẽ, giấy tờ bài bản. Đó cũng chính là lý do để các công ty tài chính ra đời, thực hiện các dịch vụ cho vay tiêu dùng với các thủ tục hết sức đơn giản, dễ dàng, linh hoạt nhằm từng bước đẩy lùi tín dụng đen trên thị trường.
“Lãi suất trong thị trường cũng như các loại giá cả khác, quan trọng nhất là cần phải được tự do thoả thuận, khi đó tự khắc thị trường sẽ định hình ra một mức lãi suất thấp nhất, hợp lý nhất và cạnh tranh nhất. Chỉ những giao dịch vay mượn nào có dấu hiệu bất thường hay là một trong các bên tham gia có dấu hiệu bị ép buộc, gian dối, lừa đảo… thì mới nên xử lý. Quan trọng nhất là mọi chủ thể giao dịch đều phải được bình đẳng” – ông Đức cũng kiến nghị.
Quan sát cho thấy hầu hết các khiếu nại trong cho vay tiêu dùng đều liên quan đến mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính. Do vậy, tránh những so sánh khập khiễng giữa lãi suất vay truyền thống của Ngân hàng và lãi suất vay tiêu dùng của các CTTC, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành một khung pháp lý riêng, quy định một cách rõ ràng về các hoạt động cho vay tiêu dùng và tách bạch về quản lý đối với hoạt động này sao cho phù hợp với tính chất khác biệt của dịch vụ. Đồng thời, giúp cho thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam phát triển một cách minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người tiêu dùng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần sớm nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn về thực hiện Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015. Trong đó, phải làm sao thể hiện rõ được nội hàm mà Bộ luật Dân sự 2015 chưa thể hiện cụ thể, đó là loại trừ các tổ ra khỏi quy định của Điều 468 – Bộ luật Dân sự sửa đổi, để các tổ chức tín dụng và người vay được tự do thỏa thuận theo đúngquy định của luật chuyên ngành. Có như vậy mới có thể kích thích thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và bảo vệ được người tiêu dùng.
Hà Linh
——————
Đại đoàn kết (Kinh tế) 05-10-2016:
http://daidoanket.vn/lai-suat-chua-dung-day-du-yeu-to-thi-truong-125627.html
(294/706)