(QĐND) – Gần một năm trước, sau bài báo “Hai kiểu biến tướng mới của kinh doanh đa cấp”, Báo Quân đội nhân dân từng nhiều lần cảnh báo về hiện tượng núp bóng kinh doanh đa cấp dạng đầu tư tài chính để lừa đảo. Thế nhưng, những đối tượng lừa đảo vẫn chưa bị xử lý nghiêm và hình thức này vẫn tiếp tục biến tướng. Vụ việc Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Thương mại Hoàng Gia (gọi tắt là Công ty RBI) với bẫy lừa “cỗ máy in tiền chứng khoán” dưới đây thêm một lời cảnh báo.
“Cỗ máy in tiền” ra đời đúng “ngày nói dối”
Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ xôn xao rủ nhau tham gia kinh doanh chứng khoán do Công ty RBI tổ chức, chỉ cần bỏ ra 1.000USD, sẽ được sở hữu một phần mềm tự động chơi chứng khoán có tên AMMV6. Phần mềm sẽ giúp người đầu tư kiếm bội tiền ngay cả trong khi ngủ, với mức lợi nhuận lên tới… 20%/ngày.
Liên hệ với số điện thoại 0439.728.083 trên trang web của Công ty RBI tại địa chỉ www.rbi.org.vn để hỏi về khóa học tài chính, một phụ nữ đầy cảnh giác đáp lời: “Ai là người giới thiệu bạn về phần mềm này thì bảo người đó đưa lên trụ sở công ty” rồi cúp máy. Tại trang web của công ty, ngoài những lời quảng cáo như “rót mật vào tai” thì ngay cả địa chỉ công ty cũng không có. Phải kiểm tra qua thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, chúng tôi mới rõ địa chỉ công ty này tại tầng 12, tháp B, tòa nhà Sông Đà trên đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
May mắn gặp H., một người bạn ở TP Bắc Giang từng dự hội thảo dẫn đường, sáng 15-9, chúng tôi tới công ty. Nhân viên công ty vẫn rất cảnh giác, yêu cầu ra quầy lễ tân để đăng ký số điện thoại di động cá nhân mới được vào dự hội thảo.
Vào tới “lớp học”, chúng tôi bị choáng ngợp trước những tấm pa-nô hoành tráng, giới thiệu các “đối tác chiến lược” của công ty như VTV1, Vietnam Airlines, AgriBank, VPBank… Lớp học còn trưng ra phần thưởng trị giá 0,5 chỉ vàng SJC cho học viên nào đóng đủ số tiền học phí 1.000USD.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Giảng, người xưng là Giám đốc Đào tạo, lý giải: “Để có được lãi suất khủng như vậy là nhờ phần mềm AMMV6 đã giao dịch chứng khoán trên sàn S&P 500 với 500 công ty tài chính hàng đầu của nước Mỹ. Người cũ giới thiệu được một người mới sẽ nhận được 2 triệu đồng, thêm 2 người sẽ nhận được thêm 20 triệu đồng. Giới thiệu được người thứ 3, người giới thiệu nhận được 22 triệu đồng từ việc giới thiệu 2 người trước. Nếu giới thiệu được 15 người, người giới thiệu sẽ được thăng chức lên Giám đốc Tài chính và hưởng hoa hồng khủng suốt cả cuộc đời”.
Tìm hiểu hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty RBI, chúng tôi phát hiện công ty này mới được thành lập đúng vào “ngày nói dối”, 1-4-2016. Thế nhưng, trên trang web của công ty đã “nổ”: “Tầm nhìn đến năm 2016 sẽ hội tụ từ 1 đến 2 triệu thành viên đến từ 15 đến 50 quốc gia trên thế giới…”.
Khẩn trương điều tra, làm rõ
Liên hệ với ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương để làm rõ sự việc, ban đầu ông Tuấn chỉ trả lời ngắn gọn: “Việc này không liên quan tới bên mình”. Phải tới khi chúng tôi đặt vấn đề về trách nhiệm, vai trò quản lý Nhà nước, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh mới trả lời: “Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Cục đã có cảnh báo trên trang web, bạn nên liên hệ với công an”. Cảnh báo của Cục Quản lý cạnh tranh ngày 14-9-2016 đã nêu rõ: “Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ dưới mọi hình thức, vì vậy, tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ là vi phạm pháp luật. Hiện nay, có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản…”.
Được biết, ngoài những lời cảnh báo thì Cục Quản lý cạnh tranh cũng chưa có bất kỳ hoạt động thanh tra, kiểm tra nào đối với các công ty núp bóng kinh doanh đa cấp theo hình thức đầu tư tài chính hay chuyển hồ sơ các vụ việc cho cơ quan công an xử lý.
Tìm hiểu hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty RBI, chúng tôi phát hiện công ty này mới được thành lập ngày 1-4-2016, song trong giấy phép kinh doanh được bổ sung lần 2 đã hợp thức hóa có thêm ngành nghề: “Hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu” và đầu tư tài chính…
Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia về luật kinh tế, tài chính khẳng định: “Đây chỉ là hình thức lừa đảo, có bóng dáng của kinh doanh đa cấp và kinh doanh tiền tệ trái pháp luật. Hành vi trên hoàn toàn có thể xử lý hình sự”.
Hiện nay, trên internet còn rất nhiều thông tin về các đối tượng tham gia công ty. Đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Thu Thủy, hai thành viên hội đồng quản trị là Nguyễn Văn Trinh, Nguyễn Sơn Tùng. Trong số pa-nô quảng bá tại lớp học, có một tấm pa-nô giới thiệu ông Nguyễn Duy Toan, Ủy viên thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP-DV-KT Công nghệ Thăng Long là Giám đốc miền Bắc tại RBI. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khoa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, khẳng định: “Hiệp hội không có chức danh Ủy viên thường trực và ông Nguyễn Duy Toan cũng từ lâu không tham gia hoạt động gì ở hiệp hội, không rõ làm ăn ở đâu”.
Đề nghị các cơ quan công an, quản lý thị trường sớm kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh hành vi kinh doanh đa cấp kiểu đầu tư tài chính có dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng nêu trên, không để sự việc bị “chìm xuồng”. Về phía người dân, không nên vì lòng tham mà sập bẫy những kẻ lừa đảo bởi không thể có hình thức kinh doanh nào “ngồi mát ăn bát vàng” như vậy.
Bài và ảnh: QUỐC HẢI – MINH HƯNG
——————
Quân đội Nhân dân (Điều tra) 05-10-2016:
(49/1.264)